Thời gian qua, công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đã đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để công tác giáo dục nghề nghiệp có thể song hành cùng doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu đào tạo, tạo việc làm cho người lao động.
Gắn đào tạo với thị trường lao động
Xác định được tầm quan trọng của doanh nghiệp đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đã được ban hành. Theo đó, doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ như được thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; được đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp để đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác. Các doanh nghiệp cũng được phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để liên kết đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng; được tham gia xây dựng chương trình giáo trình đào tạo; được tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập, đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp đã đáp ứng một phần nhu cầu lao động kỹ thuật của doanh nghiệp, góp phần tăng quy mô đào tạo trong cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với sử dụng lao động qua đào tạo nghề nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhận định: Thời gian qua, sự gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ chế phối hợp giữa ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp đang bắt đầu hình thành, vận hành tốt trong thực tiễn. Các địa phương đã quan tâm hơn đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường. Các kết quả hoạt động trên bước đầu đã tạo nên sự chuyển biến về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với việc làm, thị trường lao động.
Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã thực hiện tốt nội dung gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động, với các doanh nghiệp thông qua việc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Nhiều trường mời doanh nghiệp tham dự lễ tốt nghiệp để ký kết hợp đồng tuyển dụng trực tiếp với học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Một số trường tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên; cam kết giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp.
Tính trung bình, năm 2018, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85%, trong đó tỷ lệ sinh viên cao đẳng ra trường có việc làm đạt 87%, Trung cấp đạt 82%.
Mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên cao đẳng sau khi tốt nghiệp đạt 6,0 triệu đồng/tháng, học sinh trung cấp sau khi tốt nghiệp đạt 5,5 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nghề có mức lương khá cao, có những nghề ở một số trường sinh viên tốt nghiệp ra trường có mức lương lên đến 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Khả năng có việc làm, thu nhập ổn định của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung cấp, dạy nghề đã góp phần định hướng, thay đổi dần nhận thức của xã hội về vai trò của giáo dục nghề nghiệp.
Nâng cao kỹ năng theo "đặt hàng"
Là một trong những trường cao đẳng có sự phối, kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, thời gian qua, Trường Cao đẳng Xây dựng số 1, Bộ Xây dựng đã thực hiện mô hình đào tạo 2+1, góp phần giảm bớt các môn học mang tính hàn lâm, lý thuyết, dành thời gian bổ sung nâng cao kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu đặt hàng thực tế, giúp nhiều sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường.
Theo đó, chương trình đào tạo theo mô hình 2+1 nghĩa là: 2/3 thời gian đào tạo chuyên môn được tổ chức đào tạo tại trường, 1/3 thời lượng đào tạo chuyên môn còn lại, sinh viên sẽ được học tập, thực hành, thực tập trong môi trường doanh nghiệp thực tế. Với mỗi Chương trình đào tạo trình độ Cao đẳng 2,5 năm, sinh viên sẽ có ít nhất 700 giờ thực tế nghề nghiệp tại doanh nghiệp (thời lượng dành cho các môn học chung là 390 giờ theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
Khi triển khai mô hình 2+1, giáo viên sẽ cùng đồng hành với sinh viên được hướng dẫn trong quá trình thực tế nghề nghiệp tại doanh nghiệp; phối hợp với cán bộ kỹ thuật được doanh nghiệp bố trí cùng hướng dẫn sinh viên trong quá trình học tập tại doanh nghiệp. Việc đánh giá kết quả học tập cũng sẽ được thống nhất giữa hai người hướng dẫn. Thời gian 700 giờ thực tế nghề nghiệp của sinh viên được lên chương trình chi tiết theo từng module. Mỗi module được nghiên cứu xây dựng nội dung công việc sinh viên cần thực hiện, mục tiêu, kỹ năng sinh viên cần đạt được theo từng khoảng thời gian cố định.
Hiện tượng sinh viên thực tập theo kiểu "pha trà", "khuân gạch"... không tồn tại. Thay vào đó, sinh viên được thực hành công việc chuyên môn thực tế theo đúng tiến độ chi tiết, được nhà trường, doanh nghiệp phối hợp hướng dẫn, giám sát chặt chẽ; khâu kiểm tra, đánh giá chất lượng cũng được thực hiện đảm bảo theo đúng đề cương. Vì vậy, chất lượng đầu ra sinh viên đã thực sự được cải thiện, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp; đã có rất nhiều sinh viên được tuyển dụng ngay trong thời gian thực tế nghề nghiệp tại doanh nghiệp.
Trường cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là một ví dụ trong việc triển khai các chương trình liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ, để kịp thời đón đầu xu thế đổi mới. Ngay từ năm 2012, trường đã đào tạo qua "đặt hàng" 800 lao động theo Đề án Phát triển nguồn lao động kỹ thuật phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với các nghề: Cắt gọt kim loại, Cơ điện tử, Chế tạo khuôn mẫu. Năm 2014, nhà trường kết nối, đào tạo theo đơn đặt hàng của Công ty Rosneft Việt Nam và các nhà đầu tư dầu khí Lô 06.1, với kinh phí 500 nghìn USD mỗi năm cho đào tạo nghề Hàn 6G và Điện công nghiệp nâng cao. Kết quả đào tạo đã có 200 học viên hoàn thành khóa học, có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, trường đào tạo theo "đơn đặt hàng" của một số đơn vị trong và ngoài tỉnh để đào tạo, cung ứng lao động cho doanh nghiệp ở các nghề trọng điểm, như: Hàn, Công nghệ ô tô, Kỹ thuật máy lạnh, Điều hòa không khí. Mô hình đào tạo liên kết theo "đơn đặt hàng" đã thật sự mang lại giá trị lợi ích cho cả ba bên: Nhà trường - Doanh nghiệp - học viên. Sáu tháng đầu năm 2018, nhà trường đã đón 15 đoàn doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu là doanh nghiệp Nhật Bản đến khảo sát nguồn nhân lực, xây dựng quan hệ hợp tác về liên kết đào tạo, cung ứng nhân lực; 70 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động tại Việt Nam muốn tuyển sinh viên tốt nghiệp ra trường. Từ năm 2014, hơn 500 sinh viên được trường giới thiệu thành công vào làm việc tại 40 doanh nghiệp Nhật Bản. Trung bình ba năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh, sinh viên của trường tốt nghệp có việc làm đạt 90%...
Gắn kết doanh nghiệp trong đào tạo
Sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là cách làm hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu về nhân lực của xã hội. Dù vậy, tỷ lệ doanh nghiệp có hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn ở mức khiêm tốn và chưa đó nhiều đột phá. Tính đến hết năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp, 1.032 trung tâm giáo dục nghề nghiệp). Trong số này, có 46 trường cao đẳng, 84 trường trung cấp, 181 trung tâm giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp. Những cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp chủ yếu đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.
Số liệu của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, số doanh nghiệp có hoạt động đào tạo nghề nghiệp cho lao động chỉ chiếm 36,92% và thấp nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước (30,18%). Tỷ lệ hợp tác của doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ chiếm 9,11%.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Minh, nguyên nhân của tình trạng này là do trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động chưa được thực hiện tốt. Khung pháp lý về trách nhiệm, quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp chưa được áp dụng trong thực tiễn; thiếu các chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thiết lập được bộ phận chuyên quan hệ với doanh nghiệp để tạo sự chủ động trong mối quan hệ cung cầu lao động qua đào tạo nghề nghiệp. Nhiều doanh nghiệp còn chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề nghiệp, thiếu thông tin về cơ chế, chính sách, lợi ích khi đào tạo nghề nên không xem đây là nhiệm vụ phải quan tâm...
Để giải quyết tình trạng này, thời gian tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tham mưu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở lợi ích, trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động; thực hiện giải pháp gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững; tiếp tục hoàn thiện chính sách, thể chế thị trường lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ chỉ đạo thu thập dữ liệu việc làm trống, thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; tăng cường phổ biến, cung cấp thông tin thị trường lao động, thông tin việc làm, nhu cầu sử dụng lao động cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh hoạt động các phiên giao dịch việc làm lưu động thực hiện ngay tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện gắn kết với các doanh nghiệp trong đào tạo; xây dựng một số mô hình thí điểm về đặt hàng đào tạo, gắn kết với các doanh nghiệp trong đào tạo.
Bài cuối: Bắt kịp xu hướng hội nhập