Bảo đảm đề thi đại học đợt 2 an toàn tuyệt đối

Sáng 8/7, thí sinh dự thi đại học đợt 2 ở các khối B, C, D và các khối năng khiếu đến các điểm thi làm thủ tục dự thi. Do có nhiều khối thi, môn thi hơn đợt 1 nên ở đợt thi này công tác in, sao, vận chuyển và mở đề thi được “ưu tiên” giám sát nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối.


Trên 70% thí sinh làm thủ tục dự thi


Tại Hà Nội, tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi tại nhiều trường trên địa bàn Hà Nội đạt hơn 72%. Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, trong đợt 2 này, trường huy động khoảng 800 cán bộ coi thi và phục vụ công tác thi. Tổng cả hai đợt thi, trường tiếp nhận 1.763 hồ sơ đăng ký, so với năm ngoái, số thí sinh đăng ký dự thi tại trường ĐH Sư phạm giảm 1.300 hồ sơ.

 

Trên 70% thí sinh đến các hội đồng thi để làm thủ tục dự thi đợt 2 kỳ thi CĐ - ĐH năm 2014. Ảnh: Đan Phương


“Việc kiểm soát thí sinh mang máy móc, thiết bị ghi hình vào phòng thi là khá khó. Trường đã nhờ bộ phận an ninh đến tập huấn cho cán bộ coi thi trước kỳ thi để nhận diện và xử lý các trường hợp này. Bộ phận chuyên môn sẽ kiểm tra các thí sinh có dấu hiệu khả nghi vào cuối giờ để không gây ảnh hưởng đến tâm lý các em. Theo quy định của Bộ, thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình phải đăng ký với Hội đồng thi, nhưng đến nay chưa có thí sinh nào đăng ký”, ông Nguyễn Văn Hiền cho biết.

Đợt 2 của kỳ thi ĐH, CĐ 2014 có 141 trường tổ chức thi. Số thí sinh đến làm thủ tục dự thi là 575.188, đạt 75,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi. Hội đồng tuyển sinh các trường đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tổ chức thi, tạo mọi thuận lợi tối đa cho thí sinh đến làm thủ tục dự thi; kịp thời xử lý, điều chỉnh các sai sót trong giấy báo dự thi của thí sinh.


Đây là năm đầu tiên trường ĐH Nguyễn Trãi tổ chức thi đại học, ông Trần Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường dành hẳn hội trường vài trăm chỗ ngồi để người nhà thí sinh yên tâm chờ con em. “Thực tế đợt thi trước cho thấy, có những em sau khi thi xong cảm thấy mình không làm được bài đã bỏ thi. Ban giám hiệu trường đã khuyên các thí sinh rằng, các em không nên tự buông tay khi cơ hội vẫn còn, nếu 2 môn thi tiếp theo các em cố gắng vẫn có khả năng đỗ vào đại học”, ông Trần Văn Hùng chia sẻ.


Bà Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trưởng ĐH Nội vụ (Hà Nội) cho biết, trong ngày làm thủ tục dự thi đợt thi thứ 2, nhà trường xử lý kịp thời một số sai sót trong hồ sơ của thí sinh. Từ buổi thi hôm nay (9/7), 700 suất cơm miễn phí được hỗ trợ cho thí sinh và người nhà.


Trong đợt này, tại TP Hồ Chí Minh có 36 trường tổ chức thi với 205.199 thí sinh đăng ký dự thi ở 194 điểm thi. Ghi nhận của phóng viên tại một số trường như ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Công nghiệp, ĐH Luật... tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi sáng 8/7 đạt hơn 70%. Trong ngày làm thủ tục dự thi bên cạnh chỉnh sửa về họ tên, ngày tháng, năm sinh hay khối thi thì có rất nhiều thí sinh đến chỉnh sửa về đối tượng và khu vực thi.


Thầy Phạm Tấn Hạ, Ủy viên thường trực Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, cho biết, trong đợt thi này tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi chiếm 74%. Dự kiến vào ngày thi thí sinh sẽ đông hơn bởi nhiều thí sinh dự thi đợt 1 nên trong đợt 2 không tới làm thủ tục. Những sai sót không nhiều chủ yếu là điều chỉnh về khu vực và đối tượng ưu tiên.


Tránh tình trạng bóc nhầm đề thi


Theo Ban chỉ đạo thi ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đặc thù của đợt 2 thi ĐH này sẽ phức tạp hơn, bởi đề thi và khối thi nhiều hơn đợt 1. Ban chỉ đạo cũng tập trung vào công tác bảo đảm đề thi được in sao và vận chuyển một cách an toàn tuyệt đối, tránh tình trạng bóc nhầm môn thi. Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm của đợt 1 về việc một số thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi và có 2 cán bộ coi thi bị khiển trách, Ban chỉ đạo sẽ tập huấn kỹ hơn và sẽ quán triệt cho các trường, đồng thời tăng cường công tác thanh kiểm tra ở các điểm thi.

Không có hiện tượng ùn tắc giao thông trong ngày làm thủ tục dự thi tại các thành phố lớn; điện nước được cung cấp ổn định. Lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện tiếp tục hoạt động hiệu quả giúp các thí sinh đến làm thủ tục đăng kí dự thi; các trường đại học, các tổ chức xã hội hỗ trợ các suất ăn và chỗ ở miễn phí… Cụ thể: Huy động 21.816 sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ thí sinh đến dự thi; các tổ chức xã hội đã hỗ trợ được 32.261 các suất ăn miễn phí; hỗ trợ 45.550 chỗ ở miễn phí.


Theo ông Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD - ĐT tại TP Hồ Chí Minh, tính chất của đợt 2 này sẽ phức tạp hơn nên các trường phải hết sức lưu ý với những thiết bị thông minh đưa vào phòng thi, bởi đợt 1 đã phát hiện 1 thí sinh mang đồng hồ có khả năng truyền phát ra bên ngoài. "Chúng ta hoàn toàn có đầy đủ những chuyên gia xác minh được những thiết bị công nghệ mới, nhiều trường cũng đã mua những thiết bị công nghệ này để tập huấn cho giám thị và cán bộ coi thi", ông Hà Hữu Phúc cho hay.


Bên cạnh đó, ông Hà Hữu Phúc cũng lưu ý các thí sinh không nên đem tài liệu vào phòng thi vì sẽ không sử dụng được mà khi phát hiện thì sẽ bị xử lý. Với cách ra đề năm nay, không bắt các em phải học thuộc nhưng vẫn kiểm tra được kiến thức của các em. Những môn Văn, Sử, Địa sẽ ra đề theo kiểu thi tốt nghiệp THPT nên cũng không cần phải lo lắng, thí sinh cần phải bình tĩnh đọc đề thật kỹ rồi làm bài. Cũng giống như những môn thi đợt 1, đề thi sẽ có tính phân loại cao do đó sẽ có những câu hỏi dễ, khó và cực khó. Các em nên làm những câu hỏi dễ trước rồi tới câu hỏi khó để tránh bị mất điểm và mất thời gian vào những câu hỏi quá khó.


Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cũng lưu ý các hội đồng thi cần nhắc nhở giám thị đặc biệt quan tâm đến lịch thi các môn thi. Đặc biệt, đề phòng việc mở nhầm đề thi. Nhiệm vụ của giám thị đợt này cũng sẽ nặng nề hơn do có nhiều môn thi tự luận. “Việc đổi mới cách ra đề thi sẽ tiếp tục thực hiện theo hướng kiểm tra năng lực, không yêu cầu thí sinh học thuộc lòng hay nhớ một cách máy móc. Do đó việc mang tài liệu vào phòng thi sẽ không giúp ích được gì, trong khi đó, thí sinh vẫn bị xử lý nặng nếu bị phát hiện”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.


Lê Vân - Đan Phương - Thu Trang

Thí sinh một chân và ước mơ trở thành nhà báo
Thí sinh một chân và ước mơ trở thành nhà báo

Sinh ra chỉ có một chân, mọi việc đi lại đều phải nhờ vào chiếc nạng gỗ, nhưng Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1996, Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn luôn nỗ lực và cố gắng, thực hiện ước mơ trở thành sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN