Tham dự hội thảo có gần 250 đại biểu là các cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục, các giảng viên ở các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trong nước.
Hội thảo nhằm tìm ra các vấn đề bất cập mà các đơn vị giáo dục cần tập trung để cải thiện chất lượng giáo dục tại đơn vị và đáp ứng được các yêu cầu cấp bách của nền giáo dục đại học trong nước.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh: Việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học nước ta đã xác định kiểm định chất lượng là yếu tố quan trọng nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, năng lực hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam. Đây cũng chính là vấn đề đang được quan tâm hàng đầu của nền giáo dục Việt Nam trong thời đại 4.0.
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo Mai Văn Trinh mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo đưa ra ý kiến giúp các cơ sở giáo dục hướng tới những chuẩn mực chất lượng đáp ứng yêu cầu của xã hội; các nhà quản lý nhìn nhận toàn bộ hoạt động của cơ sở giáo dục một cách có hệ thống, xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, làm căn cứ để xây dựng kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Đồng thời, tìm ra các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực và thế giới nhằm góp phần đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cạnh tranh và hội nhập với thị trường lao động của khu vực và thế giới trong thời kì 4.0.
Tại hội thảo đã có 52 bài tham luận khoa học, tập trung vào một số vấn đề cấp bách và bức thiết như: Đảm bảo và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục; chất lượng chương trình đào tạo đại học; Luật Giáo dục Đại học sửa đổi bổ sung về đảm bảo và kiểm định chất lượng đại học; chính sách, cơ chế và hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đại học; quy trình đánh giá và tự đánh giá ngoài theo chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo đại học...
Ngoài ra, còn có các chuyên gia tổ chức xếp hạng Times Higher Education (Anh Quốc) tham dự hội thảo với các báo cáo như: Xếp hạng các trường đại học trên thế giới của Times và phân tích kết quả của các trường đại học Việt Nam trong bảng xếp hạng mới nhất của Times; tác động trong việc xếp hạng của Times và làm thế nào để các trường đại học Việt Nam có thể tham gia vào được bảng xếp hạng của Times và cuối cùng là báo cáo xây dựng thương hiệu trường đại học và các điển hình tốt.
Hiện Việt Nam có 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục với 346 kiểm định viên được cấp giấy chứng nhận; 123 trường đại học, 5 trường cao đẳng đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trong nước; 7 cơ sở giáo dục đại học đạt chất lượng kiểm định nước ngoài. Trong số 5.000 chương trình đào tạo, đến nay mới có 139 chương trình được công nhận kiểm định bởi nước ngoài, 19 chương trình đạt chất lượng kiểm định trong nước.