Bỏ chấm điểm học sinh tiểu học: Giáo viên vẫn chưa thông

Ngày 15/10 tới, Thông tư số 30 của Bộ GD - ĐT, với những quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học, sẽ chính thức có hiệu lực.


Khi quy định không chấm điểm học sinh tiểu học ra đời, các bậc phụ huynh đều mang tâm trạng “thở phào” bởi giảm được áp lực điểm số cho con cái ở cái độ tuổi vừa chập chững từ mẫu giáo bước vào bậc học mới này. Tuy nhiên, với các giáo viên, thì bên cạnh niềm vui và sự hào hứng do cách làm mang nhiều tính giáo dục này, lại là nỗi lo về việc triển khai ra sao việc đánh giá cho chính xác, không áp lực nhưng lại bảo đảm khuyến khích được học sinh chịu khó học tập.

 

Vẫn chấm điểm


Chị Hà Phương, có con gái học lớp 3 tại một trường tiểu học quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết: “Tôi đã nghiên cứu kỹ quy định. Bản thân tôi thấy rằng, với cách nhận xét như vậy sẽ giảm áp lực rất nhiều cho các con. Tuy nhiên, trong buổi đi họp phụ huynh đầu năm học, tôi mới ngã ngửa rằng lớp con tôi vẫn sẽ chấm điểm bình thường”

 

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc bỏ chấm điểm học sinh tiểu học.
Ảnh: Huy Hùng – TTXVN


Chị Phương cho biết, trong buổi họp đầu năm nay, cô giáo có thông báo là năm nay sẽ không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên, mà thay vào đó là những lời nhận xét theo hướng tích cực để động viên, khích lệ học sinh và một năm, học sinh tiểu học chỉ có 2 điểm thi học kỳ. “Nhưng ngay sau đó, cô giáo lại giải thích rằng, do vẫn chưa rõ quy định này ra sao và vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Bộ GD - ĐT về việc này, nên để tiện cho phụ huynh theo dõi kết quả học tập của con, thì bên cạnh việc nhận xét theo quy định, sẽ vẫn “quy” ra số điểm. Và quả thực từ buổi họp phụ huynh đến nay, đều đặn tôi vẫn nhận được điểm số của con sau mỗi buổi học, kèm với có những nhận xét khá hời hợt như: Khá, trung bình, cần cố gắng...”, chị Phương cho biết.


Hiện trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có rất nhiều trường và nhiều giáo viên chọn cách “vừa chấm điểm, vừa nhận xét” như vậy để cụ thể hóa kết quả học tập của các con, bởi như các giáo viên cho biết, việc nhận xét học trò không đơn giản, nhất là với những lớp đông học sinh, sĩ số lên tới 30 - 40 em, riêng việc dành thời gian nhận xét cũng đã hết cả buổi, trong khi các cô còn bao việc phải làm.

 

Hơn nữa, do là cách làm mới nên các cô cũng lúng túng không biết nhận xét đến mức nào là vừa phải, không khiến cha mẹ và học sinh cảm thấy ức chế, mà cũng không khiến học sinh chủ quan. Còn với những giáo viên không chấm điểm học sinh, thì lời nhận xét cũng khiến cha mẹ học sinh “không thể biết con mình thực ra thế nào” vì quá chung chung, ngắn gọn vài ký tự.


Cần hướng dẫn cụ thể


Dù rất ủng hộ Thông tư của Bộ, nhưng nhìn chung các giáo viên đều muốn có những hướng dẫn cụ thể hơn, để bảo đảm công tác triển khai đạt hiệu quả.


Thầy Lê Phương T., giáo viên một trường tiểu học ở TP Hồ Chí Minh cho biết: “Việc đánh giá, nhận xét sẽ gây khó khăn, áp lực cho giáo viên. Trên thực tế, để nhận xét được học sinh các giáo viên cũng cần phải chấm điểm và thông qua điểm số đó giáo viên mới nhận xét học sinh. Như trong việc triển khai không chấm điểm ở học sinh lớp 1 vừa rồi, lớp có sỹ số đông, giáo viên phải mất rất nhiều thời gian để phê lời nhận xét đánh giá. Khi không có điểm, phụ huynh lại lên hỏi giáo viên: Hoàn thành là mấy điểm, là giỏi, khá hay trung bình?”.


Còn thầy Nguyễn Toàn T. (giáo viên ngoại ngữ một trường tiểu học quận 3, TP Hồ Chí Minh) thì băn khoăn: Đối với những môn học tiếng Việt thì có thể nhận xét, đánh giá được, còn môn tiếng Anh đối với học sinh cấp tiểu học sẽ rất khó có đủ vốn từ để có thể hiểu được phần đánh giá nhận xét của giáo viên. Bởi đối với giáo viên tiếng Anh, thì khi nhận xét buộc phải nhận xét bằng tiếng Anh, nhận xét bằng tiếng Việt thì lại không đúng với quy định. Trình độ của phụ huynh cũng không đồng đều để có thể nắm được nhận xét của giáo viên. Theo tôi, đối với môn học ngoại ngữ thì bên cạnh nhận xét, cần cho điểm”.


Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh, cho rằng, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể chi tiết cho cấp cơ sở. Việc này cũng đòi hỏi phải trang bị kỹ năng, kiến thức một cách toàn diện cho giáo viên.

 

Thầy Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa tâm lý trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh:

Đây là một chủ trương đúng

Tôi ủng hộ việc bỏ chấm điểm học sinh ở lứa tuổi tiểu học, tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng mà chúng ta cần phải thực hiện. Hiện nay ở nhiều nước trên thế giới đã không còn chấm điểm, mà thay vào đó bằng cách đánh giá nhận xét. Với lứa tuổi này không nên tạo áp lực cho các em về những con số. Việc cho điểm số sẽ dẫn đến tình trạng các em dễ bị mặc cảm mình thua bạn, mình học kém, học dốt... Đối với học sinh tiểu học, chỉ nên cho các em vừa học vừa chơi, tạo tâm lý thoải mái cho các em như vậy các em mới ham thích đến trường.

 

Anh Phạm Hải (Cầu Giấy, Hà Nội), có con đang học lớp 2 trường tiểu học Dịch Vọng A:

Cần nhận xét cụ thể

“Không rõ vì quy định chưa cụ thể, hay bản thân các cô cũng “ngại” nói thẳng, chê các con quá nặng nề, khiến phụ huynh hoang mang, mà những lời nhận xét thường rất chung chung, không chỉ rõ được ưu, khuyết điểm của các con, những gì cần cố gắng, những gì đã làm tốt. Theo tôi, ở lớp 2 cách nhận xét này đã là không ổn, thì lên các lớp trên, khi chương trình học ngày càng nặng, số lượng môn học nhiều hơn, thì sẽ càng không ổn. Giáo viên cần phải có cách nhận xét cụ thể để phụ huynh và học sinh đều hiểu là học lực của học sinh đang ở mức nào so với các học sinh khác trong lớp, từ đó các con mới có động lực để phấn đấu học tập tốt hơn”.

 

Thầy Phạm Trí Thiện, giáo viên một trường tiểu học
ở quận Tân Bình:

Nhận xét không cẩn thận sẽ dễ làm tổn thương đến con trẻ

Nếu giáo viên nhận xét không cẩn thận sẽ dẫn đến việc làm tổn thương trẻ nhỏ, vì những lời nhận xét đó sẽ ám ảnh học sinh suốt một quá trình học. Bên cạnh đó, việc này sẽ gây áp lực cho giáo viên vì phải nghĩ ra rất nhiều từ ngữ để nhận xét cho từng học sinh. Một lớp giáo viên phải phụ trách 40 - 50 học sinh thì dễ dẫn đến sự nhận xét trùng lặp, theo cảm tính của giáo viên và mang tính chung chung. Nếu giáo viên nhận xét chung chung thì phụ huynh và học sinh không biết được năng lực thực sự của mình như thế nào. Nếu như trong suốt qua trình đó học sinh được đánh giá là có tiến bộ, nhưng đến khi kết quả thi được thể hiện bằng điểm số thấp thì sau này phu huynh và cả học sinh sẽ rất khó tin vào những nhận xét của giáo viên. Tôi cho rằng ở lứa tuổi học sinh lớp 1 - 2 thì có thể thông qua nhận xét đánh giá, còn học sinh từ lớp 3 - 5 thì cần kết hợp cả nhận xét và cho điểm.

 

Đan Phương - Lê Vân

Không chấm điểm ở tiểu học: Học sinh hưởng lợi đầu tiên
Không chấm điểm ở tiểu học: Học sinh hưởng lợi đầu tiên

Bà Nguyễn Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD - ĐT trao đổi với PV báo Tin Tức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN