Không chấm điểm học sinh lớp 1

Sau gần 2 tháng bắt đầu năm học mới 2013 - 2014, dư luận đặc biệt quan tâm tới chủ trương của Bộ GD - ĐT về việc khuyến khích các trường tiểu học không chấm điểm với học sinh lớp 1 mà chỉ đánh giá các em theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ.


Một trong những xuất phát điểm của chủ trương này, là thực tế nhiều gia đình cho con trẻ học trước chương trình lớp 1, khiến việc chấm điểm trở nên thiếu công bằng giữa học sinh và còn có tác động không tốt tới tâm lý của trẻ.


Giúp trẻ tự tin


Thay đổi phương pháp đánh giá học sinh lớp 1, từ chấm điểm sang đánh giá, là một trong những nhiệm vụ năm học này của bậc tiểu học đã được Bộ GD - ĐT quyết định.

 

Giờ tập viết của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Sông Hiến I, thành phố Cao Bằng. Minh Quyết - TTXVN


Theo Bộ GD - ĐT, việc thay đổi này bao gồm: Thực hiện đánh giá học sinh theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hàng ngày của từng học sinh, giúp học sinh cảm thấy tự tin và vui thích với các hoạt động học tập. Tăng cường đánh giá thường xuyên bằng nhận xét. Trong đó chú trọng nhận xét cụ thể của giáo viên (GV) về những nội dung HS đã thực hiện được và những nội dung chưa thực hiện được để có kế hoạch động viên, giúp đỡ HS kịp thời.


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Vinh Hiển, cho biết: Ở bậc mầm non, nhiệm vụ chủ đạo là giúp trẻ vui chơi, nhận biết thế giới xung quanh, nhận dạng chữ cái, làm quen với hướng đọc, hướng viết... Việc dạy chữ là của chương trình lớp 1. Do đó, phụ huynh không nên cho con học trước các kỹ năng tập đọc, tập viết và làm Toán với hy vọng con sẽ có kết quả tốt hơn những em chưa hề học trước.


Trong thực tế, theo như một lãnh đạo bậc GD tiểu học của Hà Nội, các trẻ lớp 1 được học trước chương trình, chỉ hết học kỳ 1 là “hết vốn”. Điều bất lợi cho các học sinh là không cảm thấy hứng thú với chương trình đầu năm, từ đó kéo theo sức ỳ của các kỳ học sau. Còn các học sinh chưa được học chương trình lớp 1, nếu được đánh giá bằng điểm số thì sẽ kém tự tin, chán nản.


Cha mẹ băn khoăn


Một phụ huynh có con vừa vào lớp 1 Trường tiểu học Thanh Đa (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn: “Không cho điểm thì phụ huynh sao biết kết quả học tập của con em thế nào để rèn tiếp”? Phụ huynh khác có con học tại một trường tiểu học của quận 3 thì cho rằng: “Những phụ huynh bận rộn, trước kia xem qua điểm còn biết con đứng thứ mấy trong lớp, học kém môn nào, bây giờ sẽ không biết được cụ thể kết quả trong quá trình học”.


Nhiều giáo viên, phụ huynh cũng cho rằng, việc không cho điểm học sinh có thể tạo tâm lý lười biếng cho các em.


Những lo lắng này được lãnh đạo ngành GD - ĐT TP Hồ Chí Minh hóa giải. Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, những lời nhận xét sẽ tương đương với điểm số. Ví dụ, nếu học sinh hoàn thành tốt chương trình học thì giáo viên sẽ đánh giá: “Bài làm tốt, đáng khen”; “Thầy/cô rất hài lòng về bài làm của em. Tiếp tục như thế em nhé”. Còn nếu học sinh chưa hoàn thành tốt thì có thể nhận xét: “Em cần nỗ lực nhiều hơn, về… Thầy/cô tin chắc em sẽ có kết quả tốt hơn”; hay: “Em đã cố gắng thực hiện bài làm. Nếu lưu ý những điểm như…, em sẽ có kết quả cao hơn”...


Trong giai đoạn học sinh chưa đọc được lời nhận xét trong vở, giáo viên dùng những hình thức động viên kèm theo lời trực tiếp. Hằng tháng, giáo viên nhận xét vào sổ liên lạc những điều cần đặc biệt lưu ý.


Thầy cô tận lực


Bên cạnh việc giúp trẻ tự tin, tạo công bằng trong học tập, thì việc thay đổi phương pháp đánh giá cũng nhằm giúp hoạt động giáo dục của các thầy cô và nhà trường thuận lợi hơn.
Theo nhận định của Sở GD - ĐT Nghệ An, một trong những mục tiêu của việc đánh giá nhằm khuyến khích học sinh ham học và tham gia các hoạt động giáo dục; giúp giáo viên điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với mỗi học sinh; tăng cường hơn sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh.


Việc “không chấm điểm” cũng sẽ khiến giáo viên vất vả hơn. Các giáo viên phải tăng cường đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, trong đó chú trọng nhận xét cụ thể về sự tiến bộ của học sinh hoặc những điểm học sinh cần cố gắng để có kế hoạch động viên, giúp đỡ các em kịp thời. Giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào.


"Giáo viên phải tâm niệm rằng đánh giá học sinh vì sự tiến bộ của các em, không tạo áp lực cho học sinh và phụ huynh. Vì vậy cần coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện, đảm bảo tính công bằng, khách quan và toàn diện", Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói.


Trong quá trình đánh giá thường xuyên, giáo viên ghi vào Nhật ký đánh giá của mình những điều cần đặc biệt lưu ý, giúp ích cho quá trình theo dõi, giáo dục. Bên cạnh đó, mỗi học sinh có nhật kí tự đánh giá, ghi lại những gì đã làm được, chưa làm được, những mong muốn của bản thân trong quá trình học tập, sinh hoạt và rèn luyện, những điều muốn nói với các bạn, thầy cô giáo, cha mẹ và người thân.


"Việc đánh giá định kỳ kết quả học tập của học sinh được tiến hành vào cuối học kỳ I và cuối năm học bằng bài kiểm tra định kỳ", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.

 

P.V(tổng hợp)

Diễn đàn “Không cho điểm đối với học sinh lớp 1”
Diễn đàn “Không cho điểm đối với học sinh lớp 1”

Chủ trương “Không cho điểm đối với học sinh lớp 1”, sau 1 tháng triển khai đã nhận được sự đồng tình cao từ phía các bậc phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng phản ánh dù với phương pháp nào thì họ vẫn mong muốn nắm bắt đúng thực lực của con mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN