Các nhóm tuyển sinh vẫn hoạt độngBộ GD - ĐT vừa có công văn đề nghị Hiệp hội các trường ĐH, CĐ thông tin kịp thời, đầy đủ các quy định về tuyển sinh, kết quả của trường theo đúng quy định. Đồng thời, Hiệp hội tạo điều kiện hỗ trợ cho các trường liên kết thành nhóm xét tuyển chung, hạn chế bất cập của thí sinh ảo, tạo thuận lợi cho nhà trường và thí sinh.
Việc xét tuyển của các trường vẫn theo cách cũ. Ảnh: Quý Trung |
Theo ông Văn Đình Ưng, Trưởng ban thông tin, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, ngay khi Bộ có công văn, Hiệp hội đã họp bàn và thống nhất về phương án xét tuyển theo nhóm của Hiệp hội. Theo đó, Hiệp hội sử dụng phần mềm xét tuyển do trường ĐH Thăng Long thực hiện. Phần mềm này được giới thiệu từ năm 2014 và đã được thử nghiệm, thỏa mãn các điều kiện trong xét tuyển và chống ảo. Nếu nhóm trường nào có nhu cầu, Hiệp hội sẽ tư vấn về chuyên gia và kỹ thuật.
Được biết, một nhóm các trường xét tuyển ở khu vực Đông Bắc, do ĐH Thái Nguyên chủ trì, cũng đang xem xét sử dụng phần mềm do ĐH Thăng Long thực hiện. Theo ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên các trường vẫn đang kết nối để thống nhất số lượng tham gia, cũng như cách thức xét tuyển.
Cùng thời điểm này, nhóm xét tuyển GX do ĐH Bách khoa Hà Nội đã họp bàn về xét tuyển chung. Theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội, trường đã nhóm họp các trường tham gia xét tuyển chung để tiếp tục với phương án xét tuyển chung mà trước đó trường đã lập ra. Tính đến nay, đã có 12 trường tham gia nhóm. Dự kiến số lượng sẽ tăng lên vì một số trường đang xem xét tham gia. “Khi Bộ thông báo chính thức về cách thức của phần mềm tuyển sinh chung, thì chúng tôi hiểu cách xét tuyển theo nhóm vẫn được thực hiện như cũ. Dự kiến, cuối tháng 5/2016, chúng tôi sẽ chốt số lượng các trường tham gia để thống nhất việc tuyển sinh, xét tuyển. Về cơ bản không có gì thay đổi so với phương án trước đây mà nhóm trường GX đã xây dựng”, ông Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh.
Vừa chung, vừa riêngTheo một số trường đại học thì các trường vẫn tuyển sinh và xét tuyển theo quy chế đã ban hành. “Riêng phần mềm xét tuyển là phần kỹ thuật các trường có thể sử dụng dữ liệu của Bộ. Ví dụ, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ sử dụng phần mềm xét tuyển của Bộ để đối chứng dữ liệu. Còn lại các khâu khác vẫn tuân thủ cách xét tuyển riêng mà các trường thành viên đã thống nhất. Đặc biệt, giải quyết những vấn đề phát sinh, bất cập trong xét tuyển có thể xảy ra là điều các trường thành viên quan tâm”, ông Nguyễn Phong Điền cho biết.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết: “ĐH Ngoại thương Hà Nội vẫn thực hiện tuyển sinh theo quy chế của Bộ GD - ĐT và xét tuyển theo nhóm GX”.
Còn một số trường như ĐH Thủ đô, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng... đã sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, phần mềm xét tuyển chung thực chất là phần mềm lọc ảo để hỗ trợ cho các trường trong xét tuyển, kết quả cũng chỉ để tư vấn cho các trường. Việc sử dụng kết quả đó như thế nào là do các trường tự quyết định. Hiện nay, các trường đã gửi dữ liệu tuyển sinh về Bộ, Bộ đang tiến hành tổng hợp, phân tích, sau đó chuyển dữ liệu về cho các cụm thi để xếp số báo danh.
Như vậy, cách thức tuyển sinh, xét tuyển của các trường vẫn không có gì thay đổi. Việc có thêm phần mềm xét tuyển chung mà Bộ đưa ra là một cách hỗ trợ từ phía Bộ GD - ĐT để các trường đối chứng dữ liệu, việc sử dụng hay không là quyền quyết định của mỗi trường đại học.