Ngoài môn toán có điểm thi thấp và số bài bị điểm liệt “kỷ lục”, được xác định nguyên nhân là do đề thi toán năm nay khó, có tính phân loại cao; thì việc điểm liệt vẫn khá phổ biến trong các môn mà đề thi được đánh giá là hay, hấp dẫn, đã tiệm cận được đến những vấn đề của đời sống xã hội như văn, sử... đã cho thấy một thực tế đáng báo động trong việc học và dạy các môn này.
Dù hầu hết các thí sinh đều tỏ ra hào hứng với đề thi văn, sử; nhưng theo các giáo viên chấm thi cho biết, năm nay vẫn có rất nhiều những bài thi đưa họ vào cảnh dở khóc, dở cười. Một giám thị ở cụm thi ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Trong những bài thi môn văn tôi chấm, có những bài mà thí sinh chỉ có thể... chép nguyên đề thi vào trong bài thi. Có thí sinh lại lan man kể về việc em đã xem tivi có chương trình thời sự nói về chủ quyền của Trường Sa và Hoàng Sa, mà không hề làm được bất cứ một nội dung nào của câu hỏi”.
Thí sinh xem điểm thi bằng tài khoản riêng Thí sinh có thể đăng nhập vào phần mềm quản lý thi qua mạng tại địa chỉ: http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn bằng tài khoản và mật khẩu được cấp khi đã nộp phiếu đăng ký dự thi. Tài khoản này được sử dụng từ khi đăng ký dự thi đến khi xem kết quả, xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Truy cập vào địa chỉ trên, thí sinh nhập số chứng minh nhân dân và mật khẩu kèm mã xác nhận để tra cứu dữ liệu. Trong trường hợp quên tài khoản và mật khẩu, thí sinh có thể xin cấp lại bằng cách liên hệ với nơi nộp phiếu đăng ký dự thi hoặc sử dụng chức năng gửi mật khẩu về thư điện tử ghi trong phiếu đăng ký tới hệ thống. |
“Trong quá trình chấm thi, chúng tôi liên tục đọc đi đọc lại những bài thi có điểm liệt này để mong “vớt” điểm cho các em, bởi biết nếu trượt kỳ thi này thì các em chẳng còn kỳ thi nào khác để “vớt” nữa. Tuy nhiên, cũng đành chịu vì chính các em không có chút kiến thức nào thể hiện trong bài thi”, một giáo viên khác ngán ngẩm chia sẻ.
Thậm chí, như chia sẻ của các giáo viên, ngay những bài viết có điểm đạt yêu cầu (không phải điểm liệt), thì lối viết văn, phân tích sự kiện lịch sử của các em vẫn thể hiện sự khiên cưỡng, xơ cứng, thiếu sáng tạo; trong khi nội dung đề thi là “mở” để các em có thể thể hiện quan điểm cá nhân của mình, cũng như vận dụng những hiểu biết xã hội của mình để làm bài. “Điều này cho thấy một điều, phương pháp dạy và học của chúng ta với các môn văn, sử... đang thật sự có vấn đề và chưa theo kịp với việc đổi mới thi cử”, một giám thị cho biết.
Cùng với kết quả bài thi, thì một khảo sát mới đây của VTV cũng cho thấy, học sinh đang có “lỗ hổng” rất lớn về kiến thức lịch sử, khi có tới 90% các em học sinh được hỏi nhầm Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai người, thậm chí là hai người bạn, hai bố con, hoặc... hai anh em.
Trong một chia sẻ trước đây về việc vì sao học sinh “quay lưng” với môn sử, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nhiều học sinh cũng không hứng thú với môn lịch sử vì nội dung học thể hiện trong sách giáo khoa quá khô khan và phương thức dạy học chưa sống động. Những nội dung trong sách giáo khoa lịch sử trong nhà trường vẫn còn nặng nề, thiếu khách quan, lại không toàn diện bởi thiên về lịch sử chiến tranh quá nhiều mà bỏ quên các lĩnh vực khác như lịch sử văn hóa, kinh tế, xã hội... Và điều này đã phản chiếu lại trong chính điểm thi của các em.
Mặc dù Bộ GD - ĐT trong những năm gần đây liên tục có những đổi mới trong việc ra đề để tránh học tủ, học vẹt cho thí sinh, hướng tới những đề thi vận dụng kỹ năng; tuy nhiên, rõ ràng điều cốt yếu lại nằm ở việc thay đổi cách dạy học của trường phổ thông trong việc tiếp nhận kiến thức một cách chủ động. Nhiều chuyên gia giáo dục, nhà sư phạm đặt một phần hy vọng trong công cuộc đổi mới chương trình, sách giáo khoa năm 2015 mà Bộ GD - ĐT đang nỗ lực tiến hành.