Để giúp các em học sinh khó khăn không có thiết bị học online, nhiều trường ở Cần Thơ đã có giải pháp hỗ trợ các em tiếp cận kiến thức như vận động xã hội hóa tặng thiết bị điện thoại, thẻ sim 4G, tổ chức cho các em học nhờ thiết bị của bạn, thầy cô mang sách, bài giảng đến tận nhà... Mặc dù vậy, các em học sinh vẫn rất mong chờ được sớm quay trở lại trường, được nghe thầy cô giảng bài trực tiếp.
Mang bài giảng đến nhà
Trường Trung học cơ sở Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ) có 588 học sinh, trong bối cảnh học tập trực tuyến, trường còn 30 em học sinh thiếu trang thiết bị học tập. Để hỗ trợ các em, nhà trường đã bố trí phòng máy dạy Tin học, sửa chữa, nâng cấp, bổ sung thêm tai nghe, cài đặt phần mềm cho 12 em học (4 khối lớp) học trực tuyến. Đây đều là những trường hợp không có điện thoại, máy tính để học trực tuyến tại nhà. Riêng 18 em không có điện thoại, thiết bị tạo Zalo thì giáo viên bộ môn phối hợp giáo viên chủ nhiệm đưa bài giảng đến nhà hoặc cho các em học cùng bạn gần nhà. Việc học trực tuyến tại trường được triển khai khi huyện Cờ Đỏ áp dụng Chỉ thị 15 nhưng do máy móc chưa đảm bảo nên trường mới chính thức áp dụng được 5 ngày. Các em học sinh rất vui mừng khi được nhà trường tạo điều kiện cho học trực tuyến tại trường. Em Trần Thanh Thúy, lớp 7A4 cho biết, trước khi học trực tuyến tại trường thì cô giáo chủ nhiệm mang bài giảng đến giao cho em tự học. Được học trực tuyến, có bạn bè học chung em rất vui, được nghe thầy cô giảng bài dễ hiểu hơn.
Gần một tháng qua, đều đặn mỗi tuần, thầy cô ở Trường Trung học cơ sở thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) băng đồng, qua phà mang bài giảng đến tận nhà giảng bài cho những học sinh có gia cảnh khó khăn, không có trang thiết bị học tập online, giúp đỡ các em không theo kịp chương trình học.
Di chuyển hơn 2km, cô Trương Ngọc Bích (giáo viên môn Toán lớp 6 và lớp 9) trực tiếp mang bài giảng đã soạn sẵn đến nhà hướng dẫn cho em Nguyễn Thị Diễm Hương, học sinh lớp 6, Trường Trung học Cơ sở thị trấn Vĩnh Thạnh. Do gia cảnh khó khăn, Diễm Hương không có thiết bị học tập nên được cô giáo Ngọc Bích mang bài giảng các môn đến tận nhà để em chép bài, làm bài tập. "Trong quá trình học, nội dung nào em không hiểu thì cô hướng dẫn thêm. Em mong hết dịch bệnh để được đi học lại", Diễm Hương chia sẻ.
Theo cô Trương Ngọc Bích, các em không có thiết bị học tập đa phần là học sinh lớp 6. Các thầy, cô soạn sẵn bài với nội dung đơn giản, ngắn gọn nhất cho các em, đặc biệt thêm nhiều ví dụ để học sinh dễ hiểu. "Vì các em lớp 6 mới chuyển cấp nên còn khá bỡ ngỡ. Khi mang tài liệu đến nhà, chúng tôi dành ít thời gian hướng dẫn, giải thích nội dung trọng tâm để các em nắm kiến thức", cô chia sẻ.
Không để các em học sinh thiếu học
Mặc dù là địa phương khó khăn, có số lượng học sinh người dân tộc Khmer đông nhưng Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thới Xuân Nguyễn Thị Kim Thương cho biết, nhà trường không để cho các học sinh vì gia cảnh khó khăn, thiếu thốn thiết bị học tập mà thiếu đi việc học tập, thiếu kiến thức. Chính vì tâm niệm đó, các thầy cô trong trường đã tạo mọi điều kiện để các em học sinh được tiếp cận bài học.
Xã Thới Xuân có đặc thù là đông học sinh đồng bào Khmer, vì thế, nhà trường sẽ tìm hiểu kĩ hoàn cảnh mỗi em học sinh để có hướng hỗ trợ phù hợp nhất. Đối với những em không có thiết bị học trực tuyến, không có số điện thoại tạo Zalo, không email thì nhà trường giao giáo viên bộ môn và thầy cô chủ nhiệm soạn bài và đem bài giảng tới cho các em. Các em có tài khoản mạng xã hội, số điện thoại thì nhà trường tạo điều kiện cho các em đến trường học trực tuyến bằng máy tính của nhà trường.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Thương cho biết, đối với kiến thức cơ bản có thể học trực tuyến nhưng trước khi học sinh chính thức trở lại học trực tiếp, giáo viên sẽ sắp xếp thời gian giảng dạy trực tiếp nội dung học trực tuyến trước đó để các em nắm lại chương trình. Trong quá trình học tập hằng ngày, giáo viên đánh giá bằng nhiều hình thức chứ không nhất thiết phải gọi học sinh trực tiếp lên trả bài, có thể hỏi các em kiến thức cũ, kiến thức mới hoặc cộng điểm chuyên cần. Khi có kiểm tra định kỳ, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Cờ Đỏ sẽ có phần mềm hướng dẫn kiểm tra đồng loạt. Đối với học sinh không có thiết bị học tập, nhà trường sẽ họp bàn để có phương án thỏa đáng. Trong tình hình thực hiện Chỉ thị 15, đối với học sinh nhận bài giảng, nhà trường sẽ có hướng kết hợp phụ huynh, địa phương cho học sinh vào trường củng cố, ôn tập kiến thức.
Trường Trung học Cơ sở thị trấn Vĩnh Thạnh có 812 học sinh (từ lớp 6 đến lớp 9) đang học trực tuyến nhưng có khoảng 52 học sinh thuộc gia đình khó khăn nên chưa trang bị được thiết bị học tập (máy tính, điện thoại). Để giúp các em học sinh theo kịp chương trình, nhà trường dựa trên điều kiện của từng em mà có phương thức hỗ trợ khác nhau. Trong đó có việc phối hợp với VNPT Vĩnh Thạnh tặng thẻ sim 3G, 4G miễn phí; vận động cha mẹ học sinh để ghép 2 bạn dùng chung thiết bị và học cùng với nhau chung một nhóm. Hiện trường đã ghép được 6 nhóm để các em dễ dàng trao đổi kiến thức với nhau.
Với những học sinh không có thiết bị học tập và không đi lại được, giáo viên bộ môn soạn lại bài giảng cô đọng nhất các kiến thức trọng tâm của nội dung bài học, in tài liệu gửi bưu điện vận chuyển đến nhà các học sinh, chi phí do nhà trường chi trả. Những học sinh tiếp thu kiến thức chậm, khi có thông báo học tập trung trở lại, nhà trường sẽ lập lớp học bổ trợ kiến thức thêm cho các em.
Năm học 2021 - 2022, thành phố Cần Thơ có khoảng 250.000 học sinh, sinh viên. Từ ngày 6/9, học sinh trung học bắt đầu học chương trình học kỳ I bằng hình thức học trực tuyến; trẻ mầm non và học sinh tiểu học lùi thời gian học kỳ I chờ đến khi có thông báo mới. Hiện thành phố Cần Thơ có khoảng 400 học sinh khối Trung học phổ thông và gần 4.000 học sinh Trung học cơ sở khó khăn, thiếu thiết bị vào đầu năm học 2021 - 2022.
Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn trang thiết bị học tập online, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã có văn bản gửi các công ty kinh doanh thiết bị thông minh về việc phối hợp, hỗ trợ cung cấp thiết bị (ipad, điện thoại, máy tính...) với giá ưu đãi cho giáo viên và học sinh trong mùa dịch COVID-19. Đồng thời, chỉ đạo các trường rà soát, xác định để có phương án hỗ trợ phù hợp với học sinh khó khăn trong quá trình học trực tuyến... Nhiều trường xây dựng thư viện thiết bị điện tử; thay vì cho mượn sách thì cho học sinh mượn thiết bị thông minh đã qua sử dụng để có thể tham gia lớp học trực tuyến.
Các trường tiểu học tổ chức hướng dẫn học sinh ôn tập, tự học tại nhà. Giáo viên soạn các bài hướng dẫn tự học dưới dạng file word, file ảnh hoặc video clip để chuyển đến phụ huynh, học sinh thông qua email và mạng xã hội. Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Đài Truyền hình Cần Thơ thiết kế tiết dạy để phát sóng trên truyền hình cho các em học sinh tiểu học dễ dàng tiếp cận.
Mặc dù được tạo điều kiện học tập trong thời điểm dịch bệnh nhưng đa số phụ huynh và học sinh đều mong muốn sớm trở lại trường học trực tiếp. Em Dương Tiến, lớp 7A3, Trường Trung học cơ sở Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ) vì gia đình không có điều kiện cho con học trực tuyến nên mỗi tuần cô giáo chủ nhiệm mang bài giảng đến nhưng có những nội dung chưa nắm rõ trong khi cha mẹ khó giảng cho con hiểu. Cha mẹ em luôn mong đến ngày con được đi học trực tiếp trở lại.
Em Trần Thanh Thúy, lớp 7A4, Trường Trung học cơ sở Thới Xuân chia sẻ: Học trực tuyến lúc đầu cũng thú vị nhưng kéo dài rất mệt mỏi, khó khăn như đang học bị rớt mạng, thoát ra khỏi lớp, có bài tập không hiểu cũng khó trao đổi với thầy cô, bạn bè, ngồi thời gian dài trên máy cũng ảnh hưởng tới mắt.