Trước đó, tại hội nghị triển khai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng các năm tiếp theo các địa phương và các trường cần tập trung thực hiện 8 nội dung để nâng cao năng lực dạy và học ngoại ngữ.
Trong đó, cần thực hiện rà soát lại các chuẩn giáo viên, chương trình đào tạo để xây dựng tài liệu giảng dạy, kiểm tra, đánh giá phù hợp, thống nhất trong toàn quốc. Đối với người học, cần tăng cường giám sát chất lượng, để tạo được chuẩn theo các khung năng lực; đặc biệt là với tiếng Anh.
“Tuy nhiên, cũng cần chú ý đến nhu cầu học ngoại ngữ của các địa phương và các bậc học, chứ không chỉ tập trung vào một ngoại ngữ là tiếng Anh. Tiếng Anh là quan trọng, là ưu tiên, nhưng cần phát triển các ngoại ngữ khác, để tiến tới ngoại ngữ thứ 2, thứ 3… làm sao tiếng Anh từ áp lực trở thành động lực, khiến người học cảm thấy có ý nghĩa. Những địa phương nào có đủ điều kiện triển khai dạy thêm các ngoại ngữ khác thì khuyến khích phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ, không nên quá hoang mang với việc xuất hiện nhiều ngoại ngữ trong trường học. Việc dạy tiếng Nga, Trung Quốc, Nhật Bản không phải là mới; mà vẫn đang được giảng dạy ở trường phổ thông từ lớp 6. Đồng thời, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc là 2 trong 5 ngoại ngữ thuộc môn thi tốt nghiệp THPT. Lần này Bộ chỉ thay đổi để phù hợp với chương trình giáo dục 10 năm, dự kiến đưa vào giảng dạy từ năm 2017.
Bộ trưởng Bộ GD - ĐT cho biết, Bộ đã tổ chức xây dựng các chương trình ngoại ngữ phổ thông 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12; bao gồm việc biên soạn sách giáo khoa, tài liệu học tập, giảng dạy, phù hợp với quy định về năng lực trình độ của mỗi cấp, lớp học. Khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng, thực hiện các chương trình song ngữ, bồi dưỡng nâng cao trong các cơ sở của mình.