Sẽ có hai ngoại ngữ bắt buộc?
Theo định nghĩa mà Bộ GD- ĐT đưa ra, “ngoại ngữ thứ nhất” là ngoại ngữ bắt buộc, buộc người học phải lựa chọn để học theo quy định từ năm 2006 của chương trình giáo dục phổ thông. Học sinh được chọn một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Nhật (áp dụng từ năm 2011 tùy theo nhu cầu và lựa chọn của địa phương, trường học và người học) làm ngoại ngữ thứ nhất, từ lớp 6 đến lớp 12 (hệ 7 năm).
Còn “Ngoại ngữ thứ hai” là ngoại ngữ tự chọn, tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy của trường. Học sinh có thể chọn một trong năm thứ tiếng nói trên làm ngoại ngữ thứ hai. Ví dụ, học sinh học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất thì có thể chọn tiếng Nga, hoặc Pháp, hoặc Nhật, hoặc tiếng Trung Quốc là ngoại ngữ thứ hai. Gần đây, tiếng Đức và tiếng Hàn được Bộ GD - ĐT cho phép dạy thí điểm là ngoại ngữ thứ hai địa phương, trường học có nhu cầu và có đủ điều kiện.
Nhiều kiến nghị nên để ngoại ngữ là sự lựa chọn của học sinh. Ảnh: QT |
Theo ban đại điện đề án ngoại ngữ 2020 thì hiện nay, tiếng Nga và Trung được dạy học như ngoại ngữ thứ nhất từ lớp 6 đến lớp 12 theo chương trình hiện hành 7 năm. Để đảm bảo tính hài hòa giữa các ngoại ngữ thứ nhất, Ban quản lý Đề án trình Bộ trưởng kế hoạch triển khai giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có việc xây dựng chương trình môn học tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm, từ lớp 3 tiểu học đến lớp 12 THPT cho phù hợp với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc hiện nay.
Nếu được phê duyệt, Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ 2020 sẽ phối hợp với các trường đại học, chuyên gia xây dựng chương trình tiếng Nga và tiếng Trung hệ 10 năm, từ năm học 2017 - 2018. Việc thí điểm sẽ ở quy mô nhỏ, từ 2 đến 5 lớp mỗi ngoại ngữ. Điều này còn phụ thuộc vào phê duyệt của Bộ, điều kiện của địa phương và nguyện vọng của người học. Đây là điểm hoàn toàn mới trong năm học này.
Trong khi một trong những nhiệm vụ chủ yếu mà Bộ GD - ĐT trong năm học 2016 - 2017 mà Bộ GD - ĐT công bố thì việc xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 ở Việt Nam. Như vậy, có thể từ năm học này, học sinh sẽ học hai thứ tiếng: Tiếng Anh - ngôn ngữ thứ hai - là bắt buộc và ngoại ngữ thứ nhất (4 thứ tiếng còn lại) là bắt buộc (theo quy định - PV).
Với hai điểm mới này được công bố, rất nhiều độc giả, phụ huynh, đã bày tỏ những phản ứng gay gắt. Anh Huy Hà (phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, thực tế việc dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông chưa tốt; học sinh học cả 10 năm học nhưng để giao tiếp bình thường còn khó khăn. Vì vậy việc mở nhiều ngoại ngữ sẽ càng gây khó khăn cho việc học tập của các cháu.
Anh Nguyễn Ngọc (một phiên dịch viên tiếng Trung Quốc tại Hà Nội) nói: “Bản thân tôi là người học tiếng Trung Quốc, nhưng tôi vẫn sử dụng tiếng Anh rất nhiều. Người Trung Quốc cũng phải học tiếng Anh để viết các phần mềm. Do đó, trước mắt, hãy đầu tư học tiếng Anh cho con em cho tốt. Tiếng Anh mới thực sự cần thiết cho thế hệ tương lai”.
Nên là môn lựa chọn
Không phản đối xu hướng mở rộng dạy nhiều ngoại ngữ trong trường phổ thông, tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, Bộ GD-ĐT nên theo hướng để học sinh lựa chọn theo nguyện vọng, khả năng của mình.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Hiệu phó trường ĐH Hà Nội, người đã có 25 năm xây dựng các chương trình Tiếng Anh trên truyền hình VTV2 cho biết: Nếu nhìn lại quá khứ, trong một nhà trường cũng thường dạy hai, ba ngoại ngữ. Ngay trong thời Pháp thuộc, ở Hà Nội, các trường cũng dạy hai thứ tiếng Anh và Pháp. Trong những năm đầu giải phóng Thủ đô, các trường ở Hà Nội cũng có ba, bốn ngoại ngữ; gồm Anh, Pháp, Trung và Nga. Sau đó, trong thời bao cấp trường chúng ta có hai ngoại ngữ Nga và Trung. Trong nhiều năm gần đây đa số các trường chỉ có tiếng Anh, nhưng một số trường (tuy ít), vẫn có cả tiếng Anh, Nga và Trung.
“Theo tôi một trường dạy trên một ngoại ngữ không phải là điều mới. Một trường có bao nhiêu ngoại ngữ là do hoạch định của nhà nước. Điều quan trọng là không nên bắt buộc học ngoại ngữ nào mà để học sinh tự chọn, mỗi đầu học sinh chỉ phải học một ngoại ngữ thôi, đó là ngoại ngữ mà học sinh ưa thích, tự nguyện học và theo hướng đầu tư của phụ huynh”, ông Nguyễn Quốc Hùng đề xuất.
Đồng quan điểm này, cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội) nói: “Kiến thức ngoại ngữ phổ thông, thậm chí thêm cả 4 năm ĐH không bao giờ đủ để giúp trở thành một phương tiện cho các em làm việc sau này. Học sinh nên được quyền lựa chọn theo sở thích, năng lực và định hướng của mình, kết hợp kiến thức học ở trường với việc tự học thêm để đáp ứng yêu cầu công việc”.
Trên thực tế, vấn đề thí điểm các ngoại ngữ (bao gồm 4 thứ tiếng, bên cạnh tiếng Anh) đã được thể hiện rõ trong Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 từ trước đó. Đến nay, Bộ cũng chỉ đang triển khai lộ trình và định hướng theo chương trình phổ thông mới. Tuy nhiên, việc dư luận có phản ứng gay gắt với việc tăng thêm các ngoại ngữ trong trường học, một phần là trong 8 năm qua, đề án ngoại ngữ triển khai (cho riêng tiếng Anh) đã gặp rất nhiều bất cập về giáo viên, giáo trình, cơ sở vật chất, đầu tư… tốn kém mà hiệu quả không cao. Nên mặc dù việc triển khai là phù hợp với đề án, nhưng đối chiếu với thực tế lại “vênh”. Bởi như nhiều ý kiến thì việc học tiếng Anh chưa có dấu hiệu khả quan để trở thành “ngôn ngữ thứ hai” lại áp dụng ngay việc đưa các tiếng như Nhật, Nga, Hàn, Trung Quốc làm ngoại ngữ “thứ nhất”, “thứ hai” sẽ khiến người học hoang mang. Và đương nhiên đề án gặp phải sự phản ứng dữ dội từ dư luận.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng thay vì cứ cứng nhắc theo lộ trình thì Bộ GD - ĐT nên xem xét lại mà đầu tư tập trung cho tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ nhất.
Anh Nguyễn Hiếu Trung (nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc): Việc để các ngoại ngữ như tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật … tồn tại song song ở nhà trường là hợp lý. Không thể phủ nhận sự toàn cầu hóa của tiếng Anh nhưng cũng các ngôn ngữ kia không bao giờ là thừa. Đó là những nước có ảnh hưởng nhất định đến các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam. Nếu con em được học, hiểu được ngôn ngữ, văn hóa của các nước láng giềng là một điều nên làm. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh việc đầu tư và dạy tiếng Anh trong trường phổ thông còn rất nhiều vấn đề thì Bộ cũng nên xem xét lại. Không nên có những xáo trộn liên tục gây bất an đến tâm lý của người học và xã hội trước những vấn đề được xem là “đổi mới” hiện nay. Chị Nguyễn Thu Minh (Tòa nhà N09, Khu đô thị mới Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội): Từ góc độ là phụ huynh có hai con nhỏ học tiểu học tôi nhận thấy những đổi mới trong việc dạy và học ngoại ngữ là khá vội vàng và vênh với thực tế. Bởi việc học tiếng Anh trong nhà trường chưa được như kế hoạch đề ra, thì lại có những đổi mới tiếp theo. Liên tục có những thay đổi sẽ khiến cả người học, xã hội hoang mang. Cần phải có quá trình phù hợp với thực tế để người dân sẵn sàng. |