Chưa nên thay đổi cơ cấu cấp học

Bên lề Hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 của Bộ GD - ĐT, Giáo sư, Viện sỹ Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi với báo giới về các nội dung Đề án.

 

Thưa Giáo sư, ông nghĩ sao về chủ trương viết sách giáo khoa theo hướng mở: một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa?

Tôi nghĩ chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa rất đúng. Nó không chỉ để huy động nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước thực hiện việc xuất bản sách giáo khoa phục vụ cho học sinh mà còn ở chỗ chúng ta huy động trí tuệ của cả xã hội tham gia công việc này, để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong việc chuẩn bị sách giáo khoa cho học sinh. Đương nhiên, chúng ta phải kết hợp trách nhiệm của Nhà nước và sự tham gia của xã hội như thế nào để đạt được mục đích cao nhất.

 

Trong những năm qua, Trường THCS Ngọc Lâm, quận Long Biên (Hà Nội) luôn là lá cờ đầu trong phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, chú trọng lồng ghép, tích hợp giáo dục đạo đức, giáo dục ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp, kỹ năng sống cho học sinh. Ảnh: Anh Tuấn


Về chương trình, chúng ta vẫn chủ trương là một chương trình quốc gia thống nhất nhưng đã có sự tiếp cận mềm dẻo về khái niệm thống nhất này. Chúng ta thực hiện theo chủ trương chương trình quốc gia thống nhất nhưng gồm một số nội dung bắt buộc áp dụng trong toàn quốc, bên cạnh đó có nội dung liên quan đến đặc thù của các địa phương và do các địa phương chuẩn bị; đồng thời cũng dành thời lượng để các cơ sở giáo dục trực tiếp xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của từng cơ sở.

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hai phương án: Bộ chủ trì xây dựng một bộ sách giáo khoa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân viết thêm các bộ sách giáo khoa khác và phương án xã hội hóa hoàn toàn, Bộ chỉ biên soạn những sách giáo khoa mà các tổ chức, cá nhân không đăng ký biên soạn. Giáo sư có ý kiến gì về hai phương án này?

“Tôi không nghiêng về phương án nào trong 3 phương án thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự kiến áp dụng vào năm 2015. Bởi tôi nghĩ các phương án đó không khác gì cách chúng ta đang thực hiện. Chúng ta đã bước đầu cải tiến về phương pháp, cách thức thi cử và tôi cho rằng đến thời điểm này là được, nên tiếp tục thực hiện một vài năm tới, khi nào chúng ta thay đổi về chương trình, về sách giáo khoa, về nội dung thì khi đó chúng ta mới thay đổi phương thức thi”.

Tôi thấy cần thực hiện phương án là Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra chủ động xây dựng một bộ sách giáo khoa vì hai lý do: Thứ nhất, chúng ta triển khai một lộ trình rất chặt chẽ và bởi vậy chúng ta phải chủ động chuẩn bị điều kiện. Nếu giao cho xã hội hóa mà không thực hiện được hoặc sách xã hội hóa không đáp ứng được yêu cầu, Bộ không chủ động thì chúng ta vẫn phải thực hiện và như vậy sẽ không bảo đảm chất lượng. Thứ hai, cũng cần chuẩn bị một bộ sách giáo khoa cho việc thực nghiệm chương trình chúng ta xây dựng. Bởi vậy, muốn hay không vẫn phải có một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị.

 

Cũng có ý kiến cho rằng cần bảo đảm sự bình đẳng giữa các nhà xuất bản và các tổ chức cá nhân xây dựng sách giáo khoa nhưng tôi nghĩ mục tiêu của chúng ta vì học sinh, vì chất lượng giáo dục chứ không phải vì chuyện bình đẳng giữa các nhà sản xuất. Như vậy chúng ta lại tôn trọng mục tiêu kinh doanh hơn là mục tiêu vì nhân dân, vì học sinh, vì chất lượng giáo dục. Ở đây, việc cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà sản xuất đặt xuống hàng thứ yếu. Mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta là học sinh, là chất lượng giáo dục.

 

Giáo sư đánh giá thế nào về việc xác định lại cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông?

Tài liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Ủy ban thẩm tra có hai phương án, trong đó Bộ nghiêng về phương án giáo dục cơ bản là 10 năm nhưng chúng tôi thấy cũng không hợp lý. Thứ nhất là có cần thiết hay không, kéo dài một năm giáo dục cơ bản nữa có nghĩa là chúng ta kéo dài một năm giáo dục bắt buộc và phổ cập, đồng nghĩa với việc Nhà nước phải chuẩn bị một nguồn ngân sách nhiều hơn. Thứ hai nữa là thay đổi hệ thống giáo dục, trường phổ thông trung học cơ sở phải thêm một lớp, thêm giáo viên, thêm cơ sở vật chất trong khi đó trường trung học phổ thông lại ít đi một lớp, lại thừa giáo viên, thừa cơ sở vật chất, như vậy là không phù hợp. Không khéo, số lượng học sinh được vào trung học phổ thông nhiều hơn, như vậy không đáp ứng được chủ trương về phân luồng học sinh.


Hiện nay, trung học cơ sở thực hiện phân luồng, có em ra làm việc, em thì đi học sơ cấp nghề nghiệp, trung cấp nghề… và với trình độ học tập ấy thì 9 năm là quá đủ. Còn nếu em nào cần trình độ văn hóa cao hơn để các em có thể đi xa hơn vào đại học thì lúc ấy chúng ta có thể chuẩn bị thêm một năm đầu của trung học phổ thông như hiện nay. Trung học phổ thông có 3 năm thì năm đầu tiên chúng ta tiếp tục củng cố kiến thức các môn học, 2 năm cuối cùng mới thực sự phân hóa lại để chuẩn bị định hướng nghề nghiệp cho các em và tôi cho rằng lựa chọn như vậy là linh hoạt và phù hợp hơn. Nhu cầu không có mà chúng ta lại phải trả giá rất nhiều cho việc thay đổi hệ thống, thay đổi các chính sách đối với giáo dục bắt buộc, tôi nghĩ trong thời điểm hiện tại chưa nên thay đổi cơ cấu cấp học.

 

Để đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, vấn đề nguồn lực cần đặt ra như thế nào, thưa Giáo sư?

Quan trọng nhất là nguồn lực đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Chúng ta phải đầu tư mạnh cho các cơ sở giáo dục sư phạm để họ chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên, không những đáp ứng một cách bình thường cho việc triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa mà phải đi trước một bước. Rất có thể đội ngũ giáo viên phải thay đổi về cơ cấu, không còn giáo viên các môn học như kiểu bây giờ nữa mà là giáo viên dạy tích hợp. Thay đổi đội ngũ giáo viên ấy phải mất ít nhất 4 năm giảng dạy trong nhà trường cộng với một số năm chuẩn bị tích lũy kinh nghiệm. Cái thứ hai về cơ sở vật chất thì hiện theo quy định của nhà nước, cơ sở vật chất của các trường phổ thông do Ủy ban nhân dân các địa phương chịu trách nhiệm. Bởi vậy chúng ta phải chuẩn bị cho các địa phương, Trung ương sẽ hỗ trợ các địa phương khó khăn. Trung ương sẽ chỉ đạo các chuẩn, các mẫu để cho các địa phương thực hiện.


Điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới là rất quan trọng. Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua cho thấy một phần chúng ta chưa thực hiện thành công các nội dung của Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa năm 2000 chính là vì chúng ta chưa chuẩn bị đồng bộ các điều kiện thực hiện chương trình, sách giáo khoa. Cùng với việc chương trình, sách giáo khoa đó không phù hợp với điều kiện cụ thể và khả năng tiếp thu của học sinh Việt Nam, còn có chuyện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu. Chúng ta yêu cầu nội dung quá cao nhưng nguồn lực thực hiện quá thấp, thế nên dẫn đến chuyện Đề án thực hiện chưa thành công, kết quả không như mong muốn. Do vậy chúng ta phải rút kinh nghiệm, có khả năng đến đâu, thực hiện đến đó, đã thực hiện là tốt. Điều tôi lo ngại nhất là vẫn chuẩn bị các điều kiện, nhất là đội ngũ giáo viên. Chương trình có hay đến đâu mà giáo viên thực hiện không có thì cũng bằng không.

 

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

 

Chu Thanh Vân (ghi)

Chào năm học của sự đổi mới
Chào năm học của sự đổi mới

Chỉ còn một tuần nữa, năm học 2014 - 2015 chính thức khai giảng. Ngành giáo dục đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động trên quy mô toàn quốc để chuẩn bị bước vào một năm học mới, với tinh thần theo NQ số 29- NQ/TƯ về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN