Là giáo viên dạy tiếng Anh, nhưng không dừng lại ở việc chỉ dạy học sinh biết viết, nghe, nói. Cô giáo trường làng Trần Thị Thúy đã có nhiều trăn trở để học sinh mở rộng kiến thức, học đi đôi với hành, tự tin tiếp cận với thực tế, vươn tới thế giới bao la của tri thức. Hành trình của cô đi từ những việc làm rất giản đơn và gặt hái kết quả bất ngờ.
Khát vọng dưới mái trường quê
Cô Trần Thị Thúy sinh năm 1987 tại xã Đức Hợp, huyện Kim Động. Lớn lên từ một vùng quê nghèo, việc học ngoại ngữ gặp rất nhiều khó khăn, mãi đến năm học lớp 9, Thúy mới được tiếp xúc với tiếng Anh. Với quyết tâm sau 3 năm miệt mài học tập ở trường THPT Đức Hợp, Thúy đã đỗ vào khoa Sư phạm tiếng Anh, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi sau đó trở lại chính ngôi trường cũ của quê mình để dạy tiếng Anh cho học trò.
Từ đây, cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết đã ấp ủ niềm đam mê giúp học trò vùng quê nghèo có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với ngoại ngữ. Ý tưởng của cô là: Trong thế giới hôm nay, tiếng Anh đã trở thành tiếng nói chung của toàn cầu, nếu không thông thạo ngôn ngữ này đồng nghĩa với không nắm được cơ hội hướng tới mục tiêu đổi mới và sáng tạo để phát triển. Và cô đã nuôi khát vọng cho hành trình tự đổi mới của mình bằng việc hoàn thành khóa học chuẩn giáo viên Ngoại ngữ theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên.
Tuy nhiên, những thành công của môn học tiếng Anh mà cô Thúy ấp ủ lại không bắt đầu từ những việc lớn lao, cao siêu trong giảng dạy. Hành trình sáng tạo của cô giáo Trần Thị Thúy đi từ một việc làm rất giản dị. Cô đã nghiên cứu một vấn đề không liên quan đến các bài giảng tiếng Anh trên lớp, mà xuất phát từ ước muốn thoát khỏi sự độc hại của thuốc trừ sâu ở vùng quê của mình.
Ý tưởng thoát khỏi độc hại thuốc trừ sâu
Cô Thúy chia sẻ, từ khi còn là học sinh tại chính mái trường đang công tác, cô luôn bị ám ảnh với mùi thuốc trừ sâu. Bởi ngôi trường cấp 3 Đức Hợp nằm giữa cánh đồng, mùa vụ nào cũng vậy, đến hẹn lại lên bà con nông dân đều phun thuốc trừ sâu cho lúa rất tràn lan, quá mức và không khoa học. Vì vậy, các lớp học luôn bị bức tử bởi mùi nồng nặc bị gió thổi vào, khiến cả thày và trò đều ngạt thở, khó chịu. Một số học sinh đã phải nghỉ học vì hít phải khí độc hại từ thuốc trừ sâu.
Trăn trở trước tình trạng trên, cô Thúy cho rằng, ngoài việc nâng cao chất lượng dạy và học, việc bảo vệ môi trường trong lành cũng vô cùng cần thiết. Và cô đã ấp ủ ý định phải làm sao để đẩy lùi tình trạng môi trường quê mình bị ô nhiễm thuốc trừ sâu. Ngoài thời gian dạy học, cô ra đồng theo dõi việc sử dụng thuốc trừ sâu của bà con nông dân. Thấy bà con phun thuốc tràn lan, bừa bãi, cô cảm thấy rất sợ và ngày đêm suy nghĩ làm cách nào để hạn chế việc này. Cô đã đưa ra ý tưởng hình thành dự án với tên gọi "Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại".
Triển khai ý tưởng, cô Thúy đã đưa ra lớp học và động viên nhóm lớp 45 học sinh cùng tham gia. Cô hướng dẫn học sinh trải nghiệm thực tế, phỏng vấn người nông dân, chụp ảnh, quay clip về thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu, tìm hiểu kỹ về thuốc trừ sâu, từ đó đưa ra những tác động của thuốc trừ sâu trước mắt và lâu dài, rồi tuyên truyền để bà con nông dân sử dụng thuốc trừ sâu đúng cách.
Dự án "Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại" được thực hiện trong hai tháng, có sự kết hợp kiến thức liên môn: Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Công dân, Công nghệ, Tiếng Anh, trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Dự án nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc trừ sâu, áp dụng vào thực tế, góp phần thay đổi hành vi của người nông dân để bảo vệ sức khỏe của chính họ và cộng đồng.
Tham gia Dự án, các em học sinh đã được trải nghiệm thực tế, nghiên cứu về thuốc trừ sâu, đưa ra những tác động của thuốc trừ sâu trước mắt và lâu dài, tìm hiểu hậu quả tác động của thuốc trừ sâu tại Khoa hồi sức cấp cứu chống độc (Bệnh viện đa khoa tỉnh); đồng thời đưa ra cách tuyên truyền để người nông dân sử dụng thuốc trừ sâu đúng cách. Sản phẩm của Dự án là mỗi học sinh có một poster thể hiện toàn bộ quá trình thực hiện dự án.
Nhóm nghiên cứu của cô Thúy đã tìm hiểu cách sử dụng thuốc trừ sâu theo phương pháp "4 đúng": đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Cách thức tuyên truyền rất hấp dẫn của nhóm thày trò khi thực hiện dự án, đã thuyết phục được bà con nông dân dùng thuốc trừ sâu hợp lý, đúng cách, giảm thiểu độc hại, bớt đi ô nhiễm môi trường.
Sau khi thực hiện xong Dự án, tình trạng sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu của nông dân đã giảm hẳn. Lớp học của trường Đức Hợp không còn phải hứng chịu những luồng gió mang theo mùi nồng nặc đến ngộp thở. Anh Nguyễn Văn Việt và nhiều bà con nông dân ở Đức Hợp phấn khởi cho biết: Nhờ hướng dẫn của cô giáo Thúy và các cháu học sinh, không những cây trồng được phun đúng cách, giảm sâu bệnh, mà bà con còn biết cách bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, tránh bị ảnh hưởng sức khỏe khi tiếp xúc với thuốc trừ sâu.
Mở cánh cửa vươn ra thế giới
Không dừng lại ở những thành công bước đầu, Dự án "Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại" không những mang lại ý nghĩa thiết thực trong thực tế, mà còn mở ra cánh cửa mới, tạo ra một phương pháp học tập bổ ích, giúp thày trò trường làng tiếp cận rộng rãi hơn với nhiều điều kỳ diệu.
Điều đặc biệt, đây là Dự án được ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin. Cô giáo Trần Thị Thúy đã phát huy thế mạnh là giáo viên Tiếng Anh trong việc ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để triển khai các hoạt động như: Thảo luận nhóm, tương tác trực tiếp với học sinh, quản lý học sinh. Các phần mềm của microsoft được ứng dụng vào nhiều khâu trong quá trình thực hiện dự án.
Dự án được chia sẻ lên mạng internet, trên một trang trực tuyến dành cho những nhà giáo dục trên toàn cầu và đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giáo viên một số nước như Nhật Bản, Pakistan, Ấn Độ. Nhà trường đã kết nối và tổ chức giao lưu 4 tiết học trực tuyến với một trường học của Nhật Bản. Giáo viên và các thành viên trong nhóm đã thuyết trình, trao đổi nội dung Dự án trực tiếp bằng Tiếng Anh.
Cô giáo Thúy chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Dự án là: Chia nhóm học sinh theo khả năng, sở thích và trao quyền cho các em. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn, định hướng, gợi mở, như vậy sẽ phát huy được khả năng và tạo cho các em nhu cầu tự thân chinh phục kiến thức; biết quan tâm những vấn đề nóng của xã hội, có cách tiếp cận để giải quyết. Và để đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu, các em đã biết cộng tác, lắng nghe, có thể đưa ra những quyết định mang tính đột phá, sáng tạo; có ý thức giúp đỡ người dân địa phương nâng cao ý thức về việc sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, giúp họ cách phòng tránh những sản phẩm còn dư lượng thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường sống an toàn, lành mạnh.
Trong cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2016 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, Dự án "Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại" của cô Thúy đã xuất sắc giành giải Nhì. Đây là một trong 5 đề tài đang trong quá trình được ban tổ chức lựa chọn để tham gia hội thảo quốc tế. Cũng từ đây, cô giáo trường làng Trần Thị Thúy bắt đầu tỏa sáng.
Bài 2: Vinh danh trên diễn đàn quốc tế.