Kiến thức bài kiểm tra tư duy không có gì mới
Kỳ tuyển sinh đại học năm 2020 đánh dấu sự đổi mới trong tuyển sinh chính là: Bên cạnh kỳ thi đánh giá năng lực (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) thì có thêm bài kiểm tra tư duy (ĐH Bách khoa Hà Nội). Đây là hai trường đại học có thêm phương thức tuyển sinh bên cạnh việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT khá phổ biến của các trường.
Theo phương án tuyển sinh của trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì bài kiểm tra tư duy giúp thí sinh có thêm cơ hội, thêm lựa chọn khi xét tuyển vào trường. Việc lựa chọn xét tuyển bằng tổ hợp A19, A20 trên phiếu đăng ký xét tuyển là không bắt buộc, đăng ký bài kiểm tra tư duy không phải là yêu cầu bắt buộc.
Lý giải về việc có thêm bài kiểm tra tư duy, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Thêm bài kiểm tra tư duy nghĩa là thêm một nguyện vọng cho thí sinh. Các em vẫn tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, sau đó 1 tuần là làm bài kiểm tra tư duy. Nếu thí sinh có thể không may mắn với bài thi tốt nghiệp THPT thì các em có cơ hội với bài kiểm tra tư duy này.
“Bài kiểm tra tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tìm được thí sinh đáp ứng khả năng tự học, đọc hiểu và dùng tư duy toán học để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Bài kiểm tra tư duy có 2 phần: Trắc nghiệm và tự luận. Trường đã công bố đề cương để thí sinh ôn tập”, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho biết.
Trước những lo lắng về việc nếu phát sinh thêm một kỳ thi nữa thì khả năng ôn luyện tại các trung tâm luyện thi xuất hiện, PGS.TS Hoàng Minh Sơn khẳng định: Mặc dù bài kiểm tra tư duy khác với đề thi tốt nghiệp THPT nhưng không phải là dạng bài mới. Thí sinh cần đáp ứng được kiến thức cơ bản, đọc hiểu tài liệu, sách giáo khoa thì sẽ không có gì mới lạ.
Điều mà bài kiểm tra tư duy hướng tới chính là khả năng đọc hiểu của thí sinh, khả năng vận dụng chứ không phải là “học để giải toán”.
Đối với trường top như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Y Hà Nội thì trước mắt trường vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và dùng phương thức xét tuyển kết hợp, tuyển thẳng để lựa chọn thí sinh. Tuy nhiên, những trường này lại có cách tuyển được thí sinh giỏi theo cách riêng mà vẫn không gây sự xáo trộn lớn.
Mở rộng đối tượng tuyển thẳng
Ngay khi dự kiến có những đổi mới về kỳ thi THPT, ĐH Kinh tế Quốc dân cũng sẵn sàng các phương án thi. Tuy nhiên, để tránh sự xáo trộn cũng như cách nhìn nhận về kỳ thi tuyển sinh đại học, ĐH Kinh tế Quốc dân vẫn không có thêm bài thi/kỳ thi riêng nào.
PGS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Đề án tuyển sinh của trường năm nay có những thay đổi. Quan điểm của trường là kỳ thi tuyển sinh nên nhìn theo hướng vĩ mô, giảm thiểu chi phí xã hội nếu kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn dùng xét tuyển được. Để tuyển chọn được thí sinh phù hợp, bên cạnh việc dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT, trường tăng tỷ trọng xét tuyển kết hợp, sinh viên có điểm ACT, SIT… các loại chứng chỉ quốc tế, xét học bạ 5 học kỳ cuối cùng của trường chuyên, học sinh giỏi cấp tỉnh, trung ương…
PGS TS Hoàng Minh Sơn cho rằng: Mở rộng đối tượng xét tuyển, tuyển thẳng để có thể lấy được thí sinh giỏi nhất. Đối tượng tuyển thẳng năm 2020 của trường tăng gần gấp rưỡi so với năm ngoái.
Đánh giá chung của lãnh đạo các trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội thì việc mở rộng đối tượng tuyển thẳng trong năm nay là phương án an toàn hơn cả. Theo thống kê của các trường, kết quả học tập của những lứa sinh viên được tuyển thẳng tốt hơn những em khác.
Còn PGS TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết: "Năm nay trường mở rộng tuyển thẳng, tăng từ 15% lên 25%, nhưng điều kiện tuyển thẳng hẹp hơn so với quy định tuyển thẳng Quy chế tuyển sinh. Chúng tôi vẫn tin tưởng là những thí sinh có giải quốc gia, có thành tích vượt trội thì có nền tảng và chắc chắn là những sinh viên có năng lực. Điều này sẽ giảm bớt những nguy cơ khi đề thi tốt nghiệp THPT không phân hoá đủ".
Thực tế, điều mong muốn của những trường top đầu chính là việc đề thi tốt nghiệp THPT sẽ có tính phân hoá, đảm bảo tuyển sinh được. Nếu có phải thay đổi trong phương thức tuyển sinh thì các trường cam kết có lộ trình, ít nhất thông báo cho thí sinh biết khi vào lớp 10 và định hướng đầu ra. Điều này giúp người học có sự chuẩn bị, xã hội không có xáo trộn.