Nguyên thứ trưởng Bộ GD - ĐT, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó, nên từng bước thay đổi toàn diện từ cách đánh giá học sinh, cách dạy và chương trình học với tư duy "học để biết chứ không phải lấy bằng cấp".
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ:“Học để biết chứ không phải lấy bằng cấp”
Theo tôi, đã học thì phải có kiểm tra, đánh giá lại chất lượng. Vấn đề ở chỗ là làm như thế nào cho thực chất, bởi thời gian qua, việc đánh giá học sinh qua kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá vào một thời điểm, mang tính may rủi, chứ không phải cả một quá trình học. Bộ không nên đứng ra tổ chức thi tốt nghiệp THPT nữa mà giao cho các địa phương tự đứng ra tổ chức. Các nước trên thế giới đều đã làm như vậy.
Thí sinh và phụ huynh xem kết quả điểm thi tốt nghiệp năm 2013 tại Hội đồng thi trường THPT Marrie Currie (TP.HCM). Ảnh: Phương Vy-TTXVN |
Trong năm học cấp 3, học sinh sẽ trải qua 6 học kỳ và môn nào cũng cần thiết phải đánh giá. Do vậy, phải đánh giá trong cả quá trình còn chỉ nên tổ chức thi 4 môn quan trọng là Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn, Tin học để lấy điểm xét bằng tốt nghiệp. Nhưng điều quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy cho cả học sinh, giáo viên và những người làm giáo dục, đó là "Học để biết chứ không phải lấy bằng cấp", thì mới cải thiện được tình trạng hiện nay.
Để nâng cao chất lượng giáo dục thì cần phải thay đổi toàn diện từ chương trình học, cách dạy cho đến cách ra đề thi… Các thầy, cô giáo cần bỏ cách dạy kiểu đọc - chép truyền thống, mà gợi mở vấn đề cho học sinh tự nghiên cứu, tự phản biện và giáo viên chỉ có nhiệm vụ tổng hợp và giải đáp các vướng mắc trong bài học. Bên cạnh đó, giáo viên cũng nên tăng cường dạy các kỹ năng, chứ không chỉ gói gọn trong việc dạy kiến thức, như kỹ năng làm việc nhóm, xử lý tình huống, lên kế hoạch, thuyết trình… Đồng thời, cách ra đề thi cũng cần thay đổi, để cho địa phương chủ động tổ chức ra đề, tổ chức thi và để các trường ĐH chủ động tuyển sinh.
Tôi nghĩ, chúng ta nên thay đổi cách đánh giá học sinh, có thể ngay từ khi học hết cấp 2, sẽ tổ chức một kỳ thi để phân loại học sinh khi lên cấp 3, 40% học sinh có điểm cao sẽ học trường tiếp lên ĐH, 30% học sinh điểm trung bình sẽ được đào tạo hệ THPT có nghề, sau khi học xong sẽ có nghề, với học sinh yếu, kém thì đào tạo tay nghề luôn, làm khảo sát xã hội học để dạy những nghề xã hội thiếu và cần. Sau khi hết cấp 3, các em phải trải qua kỳ thi với 4 môn cơ bản, rồi thi lên ĐH, CĐ. Như vậy, học sinh muốn học ĐH thì phải phấn đấu ngay từ đầu và là cả một quá trình và các trường ĐH cũng có thể lựa chọn được những sinh viên tốt nhất mà không gây áp lực nhiều cho học sinh.
Về chương trình học, nên phân ban ngay từ đầu cấp 3 làm 2 ban: Tự nhiên và Xã hội, chương trình học giảm xuống chỉ còn 2 năm, giảm tải những chương trình không cần thiết vì chương trình học của chúng ta hiện nay còn khá nặng mà chưa thực sự hữu ích. Bớt được thời gian học 1 năm là chúng ta tăng được vài trăm triệu ngày công của xã hội, giảm kinh phí cho ngành giáo dục hàng chục nghìn tỷ đồng, số tiền tiết kiệm đó có thể sử dụng để nâng cao cơ sở vật chất và đời sống giáo viên.
Sau khi tính toán lại và thay đổi tất cả những điều trên thì mới tính đến phương án viết sách giáo khoa. Chúng ta có thể tự làm hoặc thấy chương trình của nước nào phù hợp thì có thể học theo. Tuy nhiên, tôi phải khẳng định lại một lần nữa, chúng ta muốn đổi mới toàn diện nền giáo dục thì quan trọng trước hết là đổi mới tư duy, một khi tư duy được đổi mới thì mọi sự thay đổi mới có kết quả.
Cô Dương Thanh Trúc, giáo viên dạy môn Hóa (TP Hồ Chí Minh):Đổi mới cách dạy và cách học
Nếu năm nào kết quả thi tốt nghiệp THPT cũng đạt gần như 100% thì chúng ta không nên tổ chức thi nữa mà chỉ tập trung vào một kỳ thi CĐ, ĐH. Tuy nhiên, thi cử là để đánh giá kết quả quá trình học tập của học sinh, nếu không tổ chức thi, thì cũng phải có giải pháp để đánh giá. Nếu sắp tới, chúng ta hướng tới phổ cập THPT, thì nên bỏ hình thức thi tốt nghiệp THPT, để giảm bớt tốn kém cho xã hội. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì buộc phải đổi mới trong cách dạy và học trong nhà trường. Đồng thời, để được đánh giá là đã hoàn thành chương trình học phổ thông thì học sinh buộc phải đạt một số điểm nhất định trong suốt quá trình học, còn không thì sẽ phải học lại. Bên cạnh đó, cũng cần phải đưa ra quy định học sinh đạt ở độ điểm nào thì mới được dự thi vào các trường CĐ, ĐH.
Anh Phan Tuấn Anh (quận Thủ Đức): Sẽ nảy sinh “vấn nạn” chạy điểm
Là phụ huynh, tôi cũng rất muốn càng ít thi cử càng tốt. Nhưng xét lại, nếu bỏ thi tốt nghiệp và dựa vào xét điểm để ra trường, thì e rằng tình trạng chạy điểm ở bậc học này sẽ trở thành vấn nạn và đôi khi các em sẽ có sự phát triển lệch lạc. Hiện giờ, học sinh có tâm lý thi khối nào chỉ tập trung học những môn ở khối đó còn những môn khác thì hầu như rất ít quan tâm. Nếu bây giờ, các em chỉ thi CĐ, ĐH thì sẽ tạo điều kiện cho các em “lơ là” những môn học khác trong cấp THPT. Những học sinh khối A chỉ biết tới các môn tự nhiên, còn những môn xã hội thì lại không biết và ngược lại. Tất cả những môn học trong nhà trường, dù chính hay phụ, đều giúp các em phát triển trí tuệ một cách đầy đủ nhất. Theo tôi, nếu không tổ chức thi tốt nghiệp, thì cần phải đổi mới cách dạy học và tránh các căn bệnh thành tích trong giáo dục.
Thu Trang - Đan Phương (ghi)