Tiếng chuông cảnh tỉnh
Trước thềm năm học mới 2019 - 2020, cả nước bàng hoàng trước thông tin bé trai 6 tuổi của trường Tiểu học Gateway tử vong do bỏ quên trên xe đưa đón. Vụ việc đến nay vẫn đang trong quá trình điều tra và để lại nhiều nghi vấn chưa có lời giải thoả đáng đối với gia đình cháu bé và xã hội. Điều đáng nói, trước sự việc này, mọi hoạt động của nhà trường vẫn diễn ra bình thường.
Hơn 1 tháng sau, vụ việc bé trai 3 tuổi (lớp độc lập tư thục Đồ Rê Mí, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường suốt 7 tiếng được đưa ra. Em bé này may mắn sống sót và đến nay đã được trở về nhà.
Cũng vào đầu năm học mới, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho biết đang điều tra làm rõ nguyên nhân cháu N.T.T, 8 tuổi, học sinh lớp 2 trường Tiểu học Cẩm Thạch tử vong tại lớp. Nguyên nhân được đưa ra là trong lúc lúc chơi đùa, cháu T. chạy ra phía cửa lớp, bị ngã ngửa ra sau, đầu đập xuống nền lớp học. Giáo viên đã tiến hành sơ cứu, đưa cháu đi cấp cứu nhưng cháu đã tử vong do bị gãy đốt sống cổ.
Sự việc này khiến bạn đọc nhớ đến vụ việc cách đây 2 năm khi một học sinh lớp 2 trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội bị gãy xương đùi trên sân trường do bị. Nếu chỉ là tai nạn vô ý, câu chuyện không đáng trở thành vấn đề tranh cãi. Điều dư luận quan tâm là cách hành xử, trốn tránh trách nhiệm của cô hiệu trưởng.
Những tai nạn thương tích này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng điều mà nhiều phụ huynh chia sẻ đó là sự tắc trách, gian dối của chính những giáo viên, quản lý nhà trường.
Chưa kể, mất an toàn về thân thể còn đến từ chính những người bạn của các em. Đó là những vụ bạo lực học đường vô tiền khoáng hậu xảy ra liên tiếp trong những năm gần đây.
Gần đây, có thể kể đến vụ nữ sinh lớp 9 (Hưng Yên) bị 5 bạn cùng lớp đánh dã man ngay tại trường học mà không bạn nào dám can ngăn. PGS TS Nguyễn Hoàng Ánh, ĐH Ngoại thương Hà Nội chia sẻ: “Đây là câu chuyện đáng buồn. Điều đáng nói là toàn thể bộ máy nhà trường từ giáo viên chủ nhiệm, bảo vệ đến Ban Giám hiệu không ai biết”.
Bày tỏ về điều này, PGS TS Nguyễn Hoàng Ánh cho biết: Không một quốc gia nào cha mẹ và giáo viên có thể bảo vệ trẻ cả ngày. Dù cha mẹ có đưa đón tận cổng trường, camera hoạt động khắp nơi nhưng những rủi ro vẫn có thể xảy đến từ những phòng thay đồ, nhà vệ sinh hoặc bị bạn bè tẩy chay.
Những bữa ăn bớt xén, ôi thiu...
Mới đây, chị N., Trường quốc tế Việt Úc, tại TP Hồ Chí Minh bật khóc khi nhìn phần ăn của các con tại trường. Theo chị N., bữa cơm của tiểu học có 4 món nhưng lèo tèo, 3 miếng gà kho nhỏ, 2 miếng cá tẩm bột chiên, tí su su xào cà rốt, canh bắp cải, đồ tráng miệng là 1 miếng dưa hấu. Nhìn khẩu phần ăn này nhiều người không tin và vô cùng bức xúc. Trong khi đó, tiền ăn cho học sinh cấp I là từ 130 - 150 nghìn đồng/ ngày cho bữa sáng, trưa và xế.
Từ việc này, nhiều phụ huynh cũng kêu trời vì suất ăn nghèo nàn của con ở trường học, thậm chí, có khẩu phần bị ôi thiu. Chị N.T.T (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có con học một trường tiểu học công lập tại trung tâm quận Hoàn Kiếm cho biết: “Con mình và một số bạn trường công thi thoảng phát oẹ vì đồ ăn. Có hôm, giáo viên chủ nhiệm múc thử muôi cá rồi cũng gọi nhà bếp vào đổ hết. Về sau, con bỏ thức ăn, đói quá thì ăn thêm thìa cơm không”.
Chị N.T.T cho biết thêm: Khi biết tình hình như vậy, tôi xin trường được cho con mang hộp cơm đi học mà vẫn nộp tiền ăn bình thường nhưng nhà trường từ chối. Năm nay, tôi phải đón cháu về ăn trưa tại nhà để đảm bảo sức khoẻ cho con.
Hiện nay, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bữa ăn bán trú trường học được xem là nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương.
Tại Hà Nội, đánh giá của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội: Đến nay, hầu hết các trường học trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc chế độ giao nhận thực phẩm, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn và thực hành vệ sinh của người tham gia chế biến thực phẩm. Việc nhận thực phẩm hàng ngày đều có sự giám sát của dại diện cha mẹ học sinh. Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại, hạn chế như cơ sở vật chất tại một số nhà trường xuống cấp, khu chế biến sắp xếp chưa gọn gàng, sạch sẽ hoặc cơ sở chật hẹp bếp không bố trí một chiều, thiếu lưới chắn côn trùng. Một số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập cải tạo từ nhà ở nên bếp ăn không đảm bảo quy chuẩn. Một số nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, cô nuôi ý thức thực hành an toàn thực phẩm chưa cao. Còn xảy ra sự cố an toàn thực phẩm tại một trường mầm non và một trường tiểu học, còn có vụ việc báo chí phản ánh liên quan đến vệ sinh thực phẩm, nước uống.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Năm học này, Sở yêu cầu các nhà trường đảm bảo các thủ tục pháp lý về an toàn thực phẩm, đảm bảo cung ứng thực phẩm an toàn, chú trọng việc giám sát truy xuất nguồn gốc thực phẩm, duy trì công khai thực đơn, thực phẩm hàng ngày. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước triển khai hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học, phối hợp kiểm tra, giám sát.