Bài thi riêng được rút gọn
Trường ĐH Quốc gia Hà Nội không tổ chức bài thi đánh giá năng lực khi tuyển sinh ĐH năm nay, trong khi phương án thi của trường ĐH Ngoại thương Hà Nội có lấy kết quả của bài thi này để xét tuyển. Do đó, sau thông báo của trường ĐH Quốc gia Hà Nội, trường ĐH Ngoại thương đã điều chỉnh phương án thi.
Như vậy, năm 2020, trường ĐH Ngoại thương sẽ thực hiện xét tuyển theo 5 phương thức: Phương thức xét tuyển dành cho thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải cấp tỉnh/thành phố và hệ chuyên; phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập THPT dành cho hệ chuyên và hệ không chuyên; phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT; phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT và phương thức xét tuyển thẳng.
Trong đó, phương thức xét tuyển theo kết quả của kỳ thi THPT sẽ dựa trên các tổ hợp và cách tính điểm xét tuyển tương tự như năm 2019.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là trường đầu tiên công bố phương án thi riêng cũng đã điều chỉnh phương án tuyển sinh riêng, tập trung vào bài thi và thời gian thi.
Cụ thể, Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Bách khoa Hà Nội chốt phương án thi bổ sung dưới hình thức một bài kiểm tra tư duy theo yêu cầu đặc thù của khối ngành kỹ thuật.
Nội dung bài thi được thiết kế gọn, gồm 2 phần Toán và Đọc hiểu, với thời gian làm bài 120 phút. Thời gian thi được ấn định vào ngày 15/8, ngay sau kỳ thi THPT thay vì 25/7 như dự kiến.
Để giảm tải việc đi lại, thí sinh thi vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội được đăng ký dự thi tại một trong ba địa điểm: Hà Nội, Thanh Hóa hoặc Sơn La.
Điểm bài thi được sử dụng kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT (Toán - Lý hoặc Toán - Hóa) để xét tuyển.
Phương thức xét tuyển kết hợp này chỉ áp dụng cho khối ngành kỹ thuật và kinh tế (không áp dụng cho ngành Ngôn ngữ Anh) và dự kiến lấy từ 30-35% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
ĐH Bách khoa Hà Nội dành từ 10-15% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng, bao gồm xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét tuyển theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn đối với các học sinh trường chuyên (hệ chuyên các môn phù hợp), học sinh đạt giải thi học sinh giỏi từ cấp tỉnh trở lên, học sinh có các chứng chỉ quốc tế và học sinh có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực khác.
Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục thực hiện phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp truyền thống (A00, A01...) với tỉ lệ 50-60% trên tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Như vậy, năm nay nhiều thí sinh sẽ có thêm 2 cơ hội lựa chọn để trở thành sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội: Phương thức xét tuyển tài năng và phương thức xét tuyển kết hợp điểm bài kiểm tra tư duy với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT.
Thay đổi vì Quy chế tuyển sinh?
Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2020 được gửi đến xin ý kiến góp ý các trường ĐH có dự định tuyển sinh riêng. Trong đó, nhiều yêu cầu để đảm bảo các trường có thể tổ chức kỳ tuyển sinh riêng như: Lãnh đạo trường phải có bằng cấp đo lường đánh giá và quản lý giáo dục, cán bộ chấm thi, ra đề thi, chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chấm thi, ra đề thi theo quy định của Bộ; ngân hàng câu hỏi phải đảm bảo các điều kiện mà Bộ ban hành.
Cũng theo dự thảo này, năm nay, các trường ĐH sẽ tăng tỷ lệ xét tuyển bằng học bạ nếu không sử dụng kết quả kỳ thi THPT để xét tuyển. Các trường được quyền lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Đại diện nhiều trường ĐH đang chờ quy chế này được Bộ phê duyệt, công bố, để đưa ra đề án tuyển sinh.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, để tạo điều kiện cho học sinh yên tâm ôn tập, Bộ sẽ sớm ban hành bộ đề thi tham khảo, quy chế thi tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh năm 2020. Tinh thần là đề thi năm nay nhẹ nhàng hơn so với năm ngoái, nhưng đảm bảo giám sát và quản lý chặt chẽ, công bằng, nghiêm túc tất cả các khâu của kỳ thi.
Ngày 8/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức Hội nghị tuyển sinh trực tuyến năm 2020 về các vấn đề: Tổ chức thi, tuyển sinh riêng, quy chế tuyển sinh năm 2020...