Khoa Các khoa học liên ngành (SIS), Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng chương trình đào tạo này nhằm góp phần nào đáp ứng nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực về các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.
Sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo trên thế giới cũng như những đóng góp ngày càng lớn của lĩnh vực này trong sự phát triển kinh tế đất nước đã khiến nhiều quốc gia nhận thức một cách đầy đủ hơn về vai trò của thiết kế sáng tạo như là một thành tố cốt lõi của kinh tế sáng tạo. Đây được coi là nguồn lực chính cho sự đổi mới mềm, là lực đẩy cho phát triển kinh tế, nâng cao định hướng thẩm mỹ, tăng sức cạnh tranh của quốc gia trên trường quốc tế.
Đặc biệt, với sự phát triển rộng rãi của trí tuệ nhân tạo trên nền tảng dữ liệu số (big data) gần đây cũng đã khiến cho chúng ta càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của sự sáng tạo khi mà những cơ hội nghề nghiệp trên nền tảng các kỹ năng phổ biến và giản đơn của con người từng bước được máy móc thay thế.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng cho sự phát triển của Khoa Các khoa học liên ngành nói riêng và định hướng phát triển các ngành sáng tạo và nghệ thuật dựa trên nền tảng truyền thống liên ngành của Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung.
Chương trình đào tạo cử nhân Thiết kế sáng tạo được xây dựng trên cơ sở góp ý của các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam và tiếp thu kinh nghiệm từ chương trình giảng dạy của các trường đại học hàng đầu thế giới như: Chương trình thiết kế đồ họa và phương tiện tương tác (ĐH Wisconsin, Stout, Hoa Kỳ); Chương trình cử nhân thiết kế đồ họa, Cử nhân thiết kế thời trang, Cử nhân thiết kế không gian (Ecole De Design, CH Pháp); Chương trình cử nhân Thiết kế đồ họa và nghệ thuật truyền thông (Southern New Hampshire University, Anh); Chương trình cử nhân Thiết kế thời trang (ĐH Politecnico Milano, Italy); Chương trình cử nhân nghệ thuật (FIDM, Hoa Kỳ).
Theo học chương trình cử nhân Thiết kế sáng tạo, người học được trang bị năng lực cần thiết để trở thành “nhà sáng tạo” đa năng, vừa có khả năng thiết kế, vừa có hiểu biết dày dặn về văn hóa, nghệ thuật, có trách nhiệm xã hội, tầm nhìn về phát triển bền vững và năng lực quản trị dự án, quản trị kinh doanh… để có thể phát huy hiệu quả tối ưu trong nền kinh tế sáng tạo thời kỳ 4.0.