Bắt đầu từ năm học 2014-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chính thức áp dụng Thông tư số 30 Quy định đánh giá học sinh tiểu học. Theo đó, từ ngày 15/10/2014, học sinh tiểu học sẽ được đánh giá không qua điểm số mà sẽ được nhận xét cụ thể về thái độ học tập, việc hình thành phát triển năng lực phẩm chất cần thiết, chú trọng việc nhận xét quá trình nỗ lực, tiến bộ của học sinh. Giáo viên sẽ tổ chức cho học sinh tự nhận xét, nhận xét lẫn nhau và phụ huynh cũng có thể tham gia nhận xét, trao đổi thông tin đó với giáo viên và ngược lại.
Nhận xét về thông tư mới này, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, đây là phương án tiên tiến đã được nhiều nước áp dụng... Cách cho điểm như trước có ưu điểm là dễ hiểu, rõ ràng nhưng cách đánh giá bằng nhận xét, khích lệ mới là cách làm tốt nhất để bồi dưỡng sự phát triển toàn diện cả tâm lý, kiến thức cho học sinh.
Thực chất, việc đánh giá học sinh không qua điểm số là cách đánh giá toàn diện nhất. Trước đây, việc chấm điểm chỉ phục vụ cho đánh giá kiến thức thì việc đánh giá hiện nay là đánh giá cả việc hình thành phát triển năng lực, phẩm chất toàn diện của học sinh.
Hàng ngày, hàng tuần, giáo viên quan sát các biểu hiện trong các hoạt động của học sinh để nhận xét sự hình thành và phát triển năng lực; từ đó động viên, khích lệ, giúp học sinh khắc phục khó khăn. Ảnh: TTXVN
|
Trong quy định về đánh giá học sinh tiểu học mới có yêu cầu rõ: Hàng ngày, hàng tuần, giáo viên quan sát các biểu hiện trong các hoạt động của học sinh để nhận xét sự hình thành và phát triển năng lực; từ đó động viên, khích lệ, giúp học sinh khắc phục khó khăn, phát huy ưu điểm và các năng lực riêng, điều chỉnh hoạt động để tiến bộ. Hàng tháng, giáo viên thông qua quá trình quan sát, ý kiến trao đổi với cha mẹ học sinh và những người khác để nhận xét học sinh, ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục.
Ngoài ra, học sinh sẽ được đánh giá cả những phẩm chất được hình thành và phát triển trong quá trình học tập, rèn luyện, hoạt động trải nghiệm cuộc sống trong và ngoài nhà trường. Mức độ hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh thông qua các biểu hiện hoặc hành vi như chăm học, chăm làm, tích cực tham gia hoạt động giáo dục; tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỉ luật, đoàn kết; yêu thương mọi người xung quanh…
Hiện nay, một số trường học đã thông báo việc triển khai nhận xét đánh giá học sinh tiểu học tới các phụ huynh. Đối với học sinh các lớp nhỏ, một số trường còn có phương pháp thưởng theo mức độ tiếp nhận kiến thức như trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội) thông báo sẽ tặng các bông hoa bằng giấy, các hình dán, kẹo bánh, đồ chơi nhỏ để khích lệ học sinh, thay vì cho điểm số như trước.
Việc chấm điểm còn phụ thuộc vào trạng thái học sinh khi làm bài thi, phụ thuộc vào các câu hỏi “trúng tủ” hay không, vì thế việc đánh giá bằng cách cho điểm không hề chính xác hơn bằng nhận xét. |
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Phạm Ngọc Định cho biết, cách đánh giá mới yêu cầu giáo viên phải quan tâm nhiều hơn đến học sinh. Giáo viên phải chỉ ra nguyên nhân và biện pháp cụ thể giúp học sinh vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trong quá trình học tập đối với những học sinh có quá trình thực hiện chưa đúng, chưa đạt yêu cầu, giáo viên cần quan tâm tiến độ hoàn thành nhiệm vụ học tập trong bài học của học sinh, chấp nhận sự khác nhau về thời gian, mức độ hoàn thành.
Việc kiểm tra đánh giá hiện nay phải đảm bảo: Giáo viên đánh giá kết hợp với sự tự đánh giá của học sinh, học sinh đánh giá lẫn nhau và kết hợp với đánh giá của phụ huynh học sinh, bên cạnh đó cần kết hợp đánh giá giữa giáo viên với các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường. Bên cạnh đó, vẫn có các bài kiểm tra định kỳ để đánh giá học sinh theo các mức khác nhau, tùy mức độ nhận thức của học sinh. Bài kiểm tra định kì được giáo viên sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm và góp ý những hạn chế, cho điểm theo thang điểm 10 (mười), không cho điểm 0 (không) và điểm thập phân.
Việc đánh giá bằng cách cho điểm có ưu điểm là định lượng được kết quả học tập nhưng dẫn đến hệ quả không tốt là có sự so sánh giữa học sinh. Với mỗi điều kiện hoàn cảnh khác nhau thì học sinh sẽ có kết quả học tập khác nhau nên việc so sánh là không chính xác. Ngoài ra, việc chấm điểm còn phụ thuộc vào trạng thái học sinh khi làm bài thi, phụ thuộc vào các câu hỏi “trúng tủ” hay không, vì thế việc đánh giá bằng cách cho điểm không hề chính xác hơn bằng nhận xét. Do vậy, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không coi trọng điểm số trong quá trình đánh giá mà cần coi trọng hơn là thông qua đánh giá để giúp đỡ học sinh học tập tốt hơn.
PV