Thực tiễn đã đi trước quản lý
Thực tế, việc sử dụng các phương tiện internet, truyền hình để dạy học trực tuyến trong nhà trường cần có sự phối hợp của gia đình. Tuy nhiên, đến khi triển khai gặp khó khăn, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới có quy định về quy trình tổ chức một bài học online cho học sinh.
Hiện có trên 20 tỉnh, thành phố triển khai dạy học qua truyền hình. Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi cho các Sở GD&ĐT, đề nghị các Sở gửi các bài đã được dạy trên các đài truyền hình địa phương.
Bộ GD&ĐT cũng tổ chức tuyển chọn và phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) để phát lại các bài này trên các kênh của VTV, để có độ phủ sóng rộng rãi toàn quốc. Sau đó sẽ có lịch cụ thể về ngày, giờ phát sóng các bài học cụ thể và hướng dẫn để các nhà trường có phương án dạy học sinh theo hướng dẫn của Bộ.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hạ tầng của các nhà trường cũng đã được các Tập đoàn viễn thông trong nước hợp tác, trang bị. Liên Bộ GD&ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, sẽ chỉ đạo các đơn vị viễn thông tăng cường hạ tầng cho các trường hiện còn đang khó khăn, hướng tới mục tiêu điều hòa chất lượng giữa các địa phương, giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền, giữa thành phố và nông thôn, miền núi.
“Tuy nhiên, cũng còn một vài địa phương gặp khó khăn, do đó cần phải có sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, làm sao có phương thức phù hợp hỗ trợ học sinh tiếp cận các bài học để học tập. Chẳng hạn, với trường hợp sóng truyền hình không đến được từng gia đình, thì thôn bản có thể tổ chức để cho các con có thể có cơ hội học trên truyền hình. Nếu không tiếp cận được truyền hình thì có những tương tác trực tiếp giữa phụ huynh, gia đình với nhà trường...”, PGS TS Nguyễn Xuân Thành nhận định.
PGS TS Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm, việc tổ chức dạy học thì Bộ hướng dẫn, nhưng các Sở GD&ĐT cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục, các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể cho từng bài học, kết hợp với sự hỗ trợ tích cực của các bậc phụ huynh.
Tạo hành lang để dạy học trực tuyến phát huy
Nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, nếu việc học trực tuyến có hành lang pháp lý, có hướng dẫn cụ thể, thì thời gian qua Bộ GD&ĐT không phải liên tục ban hành các văn bản điều chỉnh thời gian năm học. Chưa kể, đây là xu hướng giáo dục toàn cầu mà ngành giáo dục Việt Nam chưa theo kịp. Nếu có, chỉ là những đơn vị giáo dục được đầu tư mạnh về cơ sở vật chất hoặc mạnh ai nấy làm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định: Để làm được giáo dục trực tuyến, thì lĩnh vực giáo dục đại học sẽ phải tiên phong. Sắp tới Bộ sẽ ban hành hướng dẫn chuẩn về hình thức này.
Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn chia sẻ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa trong đào tạo trực tuyến. “Bộ GD&ĐT nên hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông để có kế hoạch chuyển đổi số thực sự. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẵn sàng đi đầu thực hiện”, PGS TS Hoàng Minh Sơn đề xuất.
Bên cạnh đó, dù ở cấp học nào, thì để có hạ tầng băng thông tốt triển khai dạy học online, đều cần sự phối hợp của doanh nghiệp công nghệ thông tin (ICT). Đại diện Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đề xuất cụ thể hóa những cam kết của doanh nghiệp ICT thành các gói sản phẩm cụ thể, hỗ trợ tối đa tùy đặc thù từng trường.
GS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh thì cho rằng: "Các doanh nghiệp cung cấp gói dịch vụ trực tuyến nên giảm giá khoảng 40 - 50% cho các trường. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm học từ nhiều năm nay".
Thời điểm này là dịp thể hiện rõ kế hoạch của ngành Giáo dục, cũng như sự tự thân vận động của mỗi nhà trường. Sự tự thân của nhà trường chính là chìa khoá vận động cho việc dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, ngành Giáo dục phải tạo hành lang pháp lý để chuẩn hóa hình thức đào tạo này.