Rất khó duy trì sỹ số
Như mọi năm, trước khi khai giảng năm học mới khoảng 1 tháng, giáo viên của trường Dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) lại phải đến từng nhà học sinh để vận động các em đến trường. Những chế độ của nhà nước dành cho học sinh nghèo luôn là “công cụ” hữu hiệu được các thầy cô đưa ra nhằm thuyết phục phụ huynh học sinh cho con em đến lớp. Năm học 2015 - 2016, Nghị định 74/NĐ-CP hết hiệu lực, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong công tác duy trì sỹ số cũng như đảm bảo chất lượng dạy và học.
Giờ học văn hóa của cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang trong năm học mới. Ảnh: Minh Tâm - TTXVN |
Thầy giáo Trần Tri Thức, Phó Hiệu trưởng trường Dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc cho biết: “Năm học 2015 - 2016, trường có tổng số 287 học sinh, đa phần là con nhà nghèo, nên rất ít gia đình có khả năng mua sách, vở cho con. Nhà trường đã đi vận động kinh phí từ các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm, thậm chí tập thể giáo viên phải quyên góp để có tiền mua sách giáo khoa cho các em, nhưng vẫn chưa thể đầy đủ, nhiều học sinh phải dùng chung của nhau. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, nhà trường cũng không thể đi “xin” mãi được. Học sinh vùng cao vốn đã lười học, tiếp thu chậm, nay lại thiếu đồ dùng học tập thì quả thật là rất vất vả”.
Theo ông Nguyễn Văn Vàng, Chủ tịch UBND xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, chính quyền xã đã tổ chức tuyên truyền cho bà con nhiều lần nhưng rất khó đem lại hiệu quả. Toàn xã vẫn còn 45% hộ nghèo, nhiều gia đình không đủ ăn thì làm sao có tiền mua sách vở cho con. Có những gia đình có 3 - 4 con đang trong độ tuổi đến trường, việc phải đóng 70.000 đồng/học sinh/tháng là cả một vấn đề lớn. Khi biết được thông tin này, nhiều hộ nghèo có suy nghĩ cho con ở nhà làm nương giúp gia đình, chứ đi học lấy đâu ra tiền mua sách, vở, đồ dùng học tập.
Không chỉ riêng xã Xín Cái, hầu hết các địa phương trên địa tỉnh Hà Giang đều đang xảy ra tình trạng học sinh “tay không tới trường”. Dù rất lo lắng nhưng đội ngũ các thầy cô giáo chẳng thể tìm ra giải pháp nào mang tính bền vững, ngoài việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ và trông chờ vào chính sách của nhà nước.
Cắt trợ cấp giữa chừng là không hợp lý
Ông Mai Ngọc Hướng, Phó Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết: Chúng tôi đã đi kiểm tra tất cả các huyện và thấy rằng, trình trạng học sinh đi học mà không có sách giáo khoa đang diễn ra rất trầm trọng. Vừa vào năm học mới được 1 tháng nên chưa có thống kê, nhưng chắc chắn nguy cơ học sinh bỏ học do không đủ sách giáo khoa và đồ dùng học tập là rất cao. Khi tiếp xúc với người dân, đa phần họ mong muốn nhà nước tiếp tục hỗ trợ chứ bản thân gia đình không thể tự lo được kinh phí học tập cho con.
“Hà Giang là một tỉnh miền núi còn rất nghèo, có tới 140/195 xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn được thụ hưởng các chế độ của chương trình 135/CP. Có thể sắp tới, Nghị định 74/NĐ-CP sẽ được thay thế bằng Nghị định khác tương đương, nhưng việc cắt trợ cấp giữa chừng như vậy là không hợp lý, gây ra rất nhiều khó khăn và bất cập”, ông Mai Ngọc Hướng khẳng định.
Bà Mai Thị Thịnh, Trưởng Phòng Giáo dục Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết: Toàn tỉnh có trên 100.000 lượt học sinh thuộc diện được hưởng chế độ miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 74/NĐ-CP, ước khoảng trên 46 tỷ đồng mỗi năm. Đây là con số không nhỏ đối với ngành giáo dục tỉnh Hà Giang vốn đã rất gian nan, vất vả. Nay kinh phí đó không còn, công tác “trồng người” trên vùng cao biên giới Hà Giang sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo báo cáo của nhiều trường, tâm lý học sinh rất bất ổn khi đi học mà không có sách giáo khoa, và chắc chắn, công tác duy trì sỹ số sẽ khó được đảm bảo.
Hàng năm, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có hàng nghìn học sinh bỏ học do nhận thức hạn chế, hoàn cảnh gia đình khó khăn… Việc vận động học sinh đến lớp luôn được coi là một trong những hoạt động thi đua quan trọng trong mỗi nhà trường. Chế độ hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo hết hiệu lực sẽ là một nỗi lo, trở ngại rất lớn trong việc duy trì sỹ số, tính chuyên cần cũng như đảm bảo chất lượng dạy và học trên vùng cao địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.