Chiếc cầu giáo dục
Sau hai năm thực hiện Nghị định số 74/2013/NĐ-CP, giáo dục vùng cao đã có sự chuyển biến hết sức tích cực.
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, nhờ những chính sách mang tính kịp thời, toàn diện của Nghị định, những điều kiện về nơi ăn, chốn ở, tư trang phục vụ cho công việc học tập, học phí và chi phí học tập của con em đồng bào các dân tộc vùng cao đã được đáp ứng cơ bản. Trong thời gian qua, nhờ có chính sách phù hợp này, người dân vùng cao không những yên tâm về việc đưa con em mình đến trường học chữ mà còn tác động rất sâu sắc vào nhận thức của phụ huynh về chuyện học hành của con em để nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực cho vùng sâu, vùng xa. Bởi lẽ, khi điều kiện trở nên đầy đủ và thuận lợi thì việc tiếp nhận con chữ của con em sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Học sinh vùng cao Bảo Yên (Lào Cai) đọc sách tại thư viện nhà trường. |
Thầy giáo Lê Mã Lương, Hiệu trưởng trường THCS Đồng Sơn, xã vùng cao Đồng Sơn, huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ, địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn, chia sẻ: Năm học 2015-2016, trường có 179 học sinh với 6 lớp học và 19 cán bộ giáo viên. Trong đó có 79 em học sinh người dân tộc Mường, Dao ở bán trú. “Năm học nào cũng vậy, ngay từ khi các em học sinh xuống núi đến trường, nhà trường đã chỉ đạo bộ phận cấp dưỡng nấu ăn ba bữa/ngày cho các em, ổn định chỗ ở, sinh hoạt để các em yên tâm bước vào năm học mới. Nhờ làm tốt công tác này nên ngay từ đầu năm học, sĩ số của nhà trường đạt 100%”, thầy Lương cho biết thêm. Từ khi thực hiện Nghị định số 74/2013/NĐ-CP của Chính phủ, công tác giáo dục của địa phương đã khởi sắc, tỷ lệ học sinh vùng cao bỏ học tại các bản như Bến Thân, Xóm Măng, Xóm Mới… hầu như không còn.
Việc thực hiện Nghị định tại các cơ sở trường học ở vùng cao gắn liền với mô hình bán trú và những hoạt động bổ ích khác đã có sức hút lớn đối với học trò vùng cao. Từ trên những bản làng xa xôi, học trò nô nức đến trường học chữ. Không giống những năm trước đây, chỉ có các trường dân tộc nội trú, học sinh mới được ở lại trường, còn giờ đây, hầu hết các trường học, các điểm trường vùng cao đều có nhà bán trú để các em ở lại trường đến cuối tuần. Hằng ngày, sau buổi học, các em được quây quần ăn những bữa cơm nóng hổi tại bếp ăn bán trú, được thầy cô giáo hướng dẫn làm những công việc như trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn và tự học. Các điều kiện thiết yếu như chăn, màn, quần áo, đồ dùng học tập cùng các thiết bị ánh sáng đều được các nhà trường trang bị khá đầy đủ.
Thầy giáo Cao Xuân Lâm, Hiệu trưởng trường THPT số 2 Simacai (Lào Cai) cho biết: Năm học 2015-2016, trường có 450 học sinh với 12 lớp. Trong đó có 176 học sinh ở khu bán trú. “Từ khi có Nghị định 74, học trò Si Ma Cai tích cực đến trường học chữ hơn, nhà trường không còn vất vả đi vận động học trò như trước mà tập trung vào nâng cao chất lượng dạy và học, ổn định, chăm lo chỗ ăn ở cho các em”, thầy Lâm chia sẻ.
Cần thay đổi nhận thức
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực của giáo dục vùng cao trong những năm qua thì các địa phương cũng cần đánh giá về những hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị định số 74/2013/NĐ-CP. Cụ thể là, ở nhiều nơi, tuy điều kiện phục vụ cho việc học tập của con em nhân dân đã được cải thiện hơn trước nhưng nhận thức của một bộ phận người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc về vai trò của sự học đối với con em mình chưa thật đầy đủ. Vì thế, ở nhiều trường học vùng cao vẫn còn tình trạng học sinh không ra lớp hay bỏ học giữa chừng. Điều đó khiến cho sức lan tỏa của Nghị định chưa được toàn diện.
Bên cạnh đó, việc chi trả hỗ trợ chi phí học tập ở một số địa phương vẫn chưa kịp thời. Công việc khảo sát, xét duyệt đối tượng được hưởng Nghị định ở nhiều nhà trường kéo dài trong khi vào đầu năm học là thời điểm mà các em học sinh vùng cao cần nhất về kinh phí để trang trải cho công việc ổn định học tập. Có nhiều nơi, việc chi trả tiền hỗ trợ được thực hiện theo hình thức “truy lĩnh” vào cuối năm, kết thúc kì hoặc năm học mời phụ huynh xuống nhận tiền về. Liệu số kinh phí hỗ trợ như vậy có được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng?
Qua hai năm thực hiện Nghị định số 74/2013/NĐ-CP, đến năm học 2015-2016, nhiều địa phương, căn cứ vào điều kiện thực tế của học sinh mong muốn được kéo dài và tiếp tục được hỗ trợ các điều kiện học tập là rất lớn. Đơn cử như ở huyện vùng cao Mường Khương (Lào Cai), bước vào năm học 2015-2016, theo sự rà soát học sinh các cấp học trên địa bàn thì có tới trên 5.000 em học sinh trong diện khó khăn hộ nghèo và cận nghèo mong muốn tiếp tục được hỗ trợ để ổn định học tập. Đó là mong mỏi không chỉ của riêng những học trò nghèo ở vùng cao Mường Khương mà là điều trăn trở của nhiều địa phương hiện nay.