Phải mất 3 giờ đồng hồ cuốc bộ trên con đường gập gềnh và men theo triền núi, chúng tôi mới tới được điểm trường Cu Vai (thuộc trường PTDT bán trú tiểu học và THCS xã Xà Hồ) nằm trên đỉnh núi Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
Trong những ngày này, học sinh dân tộc Mông ở Cu Vai đang chống chọi với giá rét, sương muối vùng cao. Nằm riêng biệt trên đỉnh núi heo hút, quanh năm mây phủ, vào mùa khô còn đỡ, chứ mùa mưa thì đường lên điểm trường này ngập trong bùn lầy, dính như keo.
Cô và trò điểm trường Cu Vai. |
Điểm trường có 2 phòng học nhỏ, do 3 thầy cô giáo phụ trách, trong đó có một phòng học của trường tiểu học và 1 phòng học mầm non. Lớp học mầm non cũng là lớp học ghép, với 27 học sinh từ 3 - 5 tuổi.
Các cháu ở nhiều độ tuổi khác nhau nên để đảm bảo việc dạy học theo đúng chương trình những giáo viên ở đây phải thật sự nhiệt huyết, yêu nghề và phải biết tiếng Mông. Ngoài giờ học còn phải tổ chức nhiều trò chơi bổ ích để khuyến khích các cháu đến trường.
Phòng học của lớp tiểu học do thầy Đỗ Mạnh Hồng phụ trách khá đặc biệt, với 4 chiếc bàn cho 12 học sinh lớp 1 và lớp 2 ngồi học chung; bàn giáo viên với 2 chiếc bảng được đặt ở hai đầu lớp học.
Được tận mắt chứng kiến một giờ học của học sinh lớp ghép, chúng tôi mới hiểu được cái khó của việc dạy hoc trò của những thầy, cô giáo nới đây, chương trình dạy học khác biệt đòi hỏi người giáo viên phải năng động, hoạt bát.
Nếu như học sinh lớp 2 luyện từ và câu thì học sinh lớp 1 lại học đánh vần hay làm toán, do đó, thầy giáo đang dạy lớp này lại phải quay sang lớp kia để hướng dẫn cho học trò.
Thầy giáo Đỗ Mạnh Hồng chia sẻ: “Hiện nay, điểm trường Cu Vai đã bớt thiếu thốn hơn trước. Tuy nhiên, vì điểm trường ở trên núi cao nên việc dạy và học cũng còn không ít khó khăn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện tốt khẩu hiệu "Tất cả vì học sinh thân yêu”.
Tấm lòng của các thầy, cô giáo điểm trường Cu Vai đã góp phần nâng bước các em học sinh đến lớp ngày một đầy đủ hơn. Các em cảm nhận được tình yêu thương, lòng nhiệt huyết của các thầy, cô qua từng lời nói, cử chỉ và ánh mắt, khiến các em cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Không những thế, tình cảm và sự gắn bó của các thầy, cô giáo còn tạo được niềm tin yêu trong lòng mỗi người dân trong thôn, họ tin tưởng gửi gắm con em mình cho các thầy, cô chăm sóc dạy dỗ để lên nương lên rẫy.
Lãnh đạo xã Cu Vai đến thăm và động viên cô và trò điểm trường Cu Vai. |
Ông Mùa A Páo, thôn Cu Vai, xã Xà Hồ, bộc bạch: “Hàng ngày, trước khi đi nương, chúng tôi đều đưa con em mình đến lớp đầy đủ, các thầy, cô giáo ở đây rất tốt, chăm sóc và dạy chữ cho các cháu rất nhiệt tình. Mỗi khi chúng tôi đi làm về muộn, các thầy, cô giáo vẫn trông coi con em chúng tôi cẩn thận, chờ chúng tôi về".
Thôn Cu Vai hiện có 42 hộ thì có trên 80% là hộ nghèo. Cũng như nhiều thôn, bản vùng cao khác, trẻ em trong độ tuổi đến trường ở đây cũng sớm phải cắt cỏ, chăn trâu, trông em cho mẹ đi nương.
Để nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, ngoài giờ dạy học, các thầy, cô giáo điểm trường Cu Vai vẫn thường xuyên phối hợp cùng với trưởng thôn đi thăm hỏi, vận động các gia đình cho con em đến lớp học đầy đủ.
Cô giáo Bùi Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học và trung học xã Xà Hồ cho biết: “Các bậc phụ huynh ở Cu Vai rất quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ nhà trường đưa con em đi học.
Nhờ vậy, tỷ lệ đi học chuyên cần rất cao, thường xuyên đạt 100%. Nhà trường cũng đã lựa chọn những giáo viên có năng lực, tâm huyết về Cu Vai giảng dạy. Nhờ đó, chất lượng dạy và học đạt chuẩn theo kiến thức, kỹ năng mà nhà trường đã đề ra”.
Rời Cu Vai, chúng tôi mang theo biết bao nỗi băn khoăn, trăn trở... Mong sao trường Cu Vai sớm có điện và có một con đường bằng phẳng hơn, để hành trình đến trường của thầy và trò vùng cao vơi bớt những khó khăn nhọc nhằn.
Tuấn Anh