Theo thông tin ban đầu, do có mâu thuẫn từ trước nên T.N.H (16 tuổi, tại đường Trần Phú, thành phố Buôn Ma Thuột) và L.H.T (15 tuổi, tại đường Nguyễn Tri Phương, thành phố Buôn Ma Thuột) hẹn đánh nhau. Khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày, các bên hẹn nhau ở cánh đồng, cuối đường Trần Phú. Lúc này, có hai đối tượng đi xe máy tới cầm dao lao vào đánh và chém em H. Hậu quả, em H phải đưa tới bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Xác minh nhanh cho thấy, hai đối tượng cầm dao chém, đánh em H là B.V.M (16 tuổi, tại đường Mạc Đĩnh Chi, thành phố Buôn Ma Thuột) và N.H.L.H (18 tuổi, tại đường Phan Bội Châu, thành phố Buôn Ma Thuột). Cả hai nhóm trên đều là học sinh trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
Trước đó, trưa 3/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột, sau giờ tan học khoảng 15 phút, một nam học sinh của Trường Trung học Cơ sở Hùng Vương bị nhóm học sinh của hai trường khác (cùng địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột) chặn đánh. Có ít nhất 5 nam sinh ép nạn nhân vào tường và liên tiếp dùng mũ bảo hiểm, tay đánh tới tấp vào người. Ngay khi nắm bắt thông tin, các nhà trường phối hợp làm việc với lực lượng Công an phục vụ công tác điều tra và xử lý vụ việc. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Buôn Ma Thuột đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng; đồng thời, đề nghị các trường học có liên quan xem xét, xử lý học sinh theo quy định.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp cho biết, trước tình hình bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, ngay từ đầu năm học và mới đây, Sở đã có văn bản yêu cầu các đơn vị giáo dục tiếp tục tăng cường tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường trong và ngoài nhà trường. Tại Đắk Lắk có xảy ra một số trường hợp bạo lực học đường, Sở đã có văn bản chấn chỉnh và xử lý kịp thời.
Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2022 đến hết tháng 10/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ học sinh gây gổ, đánh nhau. Bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới, song thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, phức tạp, có những vụ tính chất nghiêm trọng. Để hạn chế vụ bạo lực học đường, thời gian tới, nhà trường và cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo cần thường xuyên tổ chức hoạt động mang tính hướng thiện và định hướng nhân cách cho học sinh, giúp các em phát huy đức tính tốt đẹp trong bản thân. Đặc biệt có hình phạt và cách giáo dục nghiêm khắc, phù hợp đối với những học sinh gây ra bạo lực và có biện pháp hỗ trợ kịp thời nạn nhân; tăng cường truyền thông, phối hợp gia đình và cơ quan, đoàn thể phòng tránh bạo lực học đường…