Đa số người mù chữ ở Cao Bằng là phụ nữ. Họ phải tham gia sản xuất, chăm sóc gia đình, con cái, khó có điều kiện học hết các lớp xóa mù chữ. Ảnh: Quốc Đạt/TTXVN |
Ngày quốc tế xóa nạn mù chữ năm 2016 được kỷ niệm với chủ đề "Đọc quá khứ, viết tương lai”.
Xóa nạn mù chữ - đầu tư cho tương laiKể từ năm 1965, UNESCO đã quyết định chọn ngày 8/9 hằng năm là Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ. Ngày này được kỷ niệm lần đầu tiên vào năm 1966, với mục đích nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phổ cập giáo dục cho các công dân, các cộng đồng và toàn xã hội.
Biết đọc, biết viết là chìa khóa để tiếp thu hiểu biết, kỹ năng sống, kiến thức; là một nhân tố phát triển xã hội và con người. Do đó, xóa nạn mù chữ là đầu tư một cách thông minh cho tương lai, và là giai đoạn đầu tiên cho tất cả các hình thức phổ cập giáo dục mới trong thế kỷ XXI. Xóa mù chữ còn là việc làm mấu chốt để hạn chế đói nghèo, giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ em, ngăn chặn đà tăng trưởng dân số, thiết lập bình đẳng giới và bảo đảm phát triển bền vững, hòa bình và dân chủ.
Trong suốt hơn hai thập kỷ vừa qua, nhờ những nỗ lực quốc tế và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, tỷ lệ mù chữ trên toàn thế giới đã giảm đi rất nhiều. Nếu như năm 1990, chỉ có 76% dân số thế giới biết đọc, biết viết thì con số này năm 2013 đã tăng lên 84%. Đến năm 2015, 9/10 trẻ em trên thế giới biết đọc, biết viết.
Ngày quốc tế xóa nạn mù chữ năm 2016 được kỷ niệm với chủ đề "Đọc quá khứ, Viết tương lai”, vinh danh những nỗ lực của các quốc gia nhằm giảm tỷ lệ mù chữ trên thế giới trong 5 thập kỷ qua. Đồng thời giải quyết những thách thức hiện tại và đưa ra các giải pháp để thúc đẩy hơn nữa công cuộc xóa mù chữ trong tương lai.
Trong thông điệp đưa ra nhân ngày kỷ niệm này, Tổng Giám đốc UNESCO cho biết: “Thế giới đã thay đổi kể từ năm 1966 - chúng tôi quyết tâm cung cấp cho mọi người kỹ năng, khả năng và cơ hội để làm được bất cứ điều gì họ muốn. Biết đọc, biết viết là nền tảng để xây dựng một tương lai bền vững cho tất cả.”
Mục tiêu xóa mù chữ là tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người. Chương trình phát triển bền vững đến năm 2030 đề ra mục tiêu là - đến năm 2030, tất cả thanh niên và một tỷ lệ đáng kể người lớn trên toàn thế giới biết đọc và biết viết.
Việt Nam phấn đấu đưa tỷ lệ người biết chữ đạt mức 98% vào năm 2020Ở Việt Nam, ngay từ ngày đầu thành lập nước, xác định rằng “Một dân tộc dốt, là một dân tộc yếu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chiến dịch xóa mù chữ. Người coi mù chữ là một quốc nạn, và “dốt” cũng là một loại giặc nguy hiểm cần phải tiêu diệt. Chính vì vậy, tháng 9-1945, Nha bình dân học vụ được thành lập, từ đó phong trào “Diệt giặc dốt” được dấy lên trong toàn xã hội.
Hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng triệu người nô nức đi học, hàng vạn người biết chữ tham gia dạy người chưa biết chữ tại các lớp bình dân học vụ. Sau một năm phát động, đã có hơn 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ. Đây là một kỳ tích về xã hội hóa học tập trong lịch sử giáo dục nước nhà.
Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1979, Trung ương và Chính phủ lại chuẩn bị một bước phát triển mới của giáo dục bằng Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị, thực hiện khẩu hiệu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình.
Sau nhiều năm, nhờ sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành, đoàn thể, đồng thời không ngừng tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của xã hội đối với công cuộc xóa mù chữ, ngày 28-12-2000, nước ta đã tuyên bố với nhân dân cả nước và với thế giới việc việc đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Đây là một mốc son trong lịch sử giáo dục nước nhà.
10 năm tiếp theo, Việt Nam tiếp tục phổ cập giáo dục trung học cơ sở và hoàn thành vào năm 2010.
Hiện nay, chương trình xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ vẫn rất được chú trọng. Tỷ lệ người biết chữ ở độ tuổi từ 15-60 hiện đạt khoảng 97,73% dân số. Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2020 xóa mù chữ cho 1,2 triệu người ở độ tuổi 15-60, nâng tỷ lệ người biết chữ đạt mức 98%.