Điều đáng nói, tỷ lệ lớp học kiên cố đạt mức cao ở các cấp học THPT, THCS; nhưng giảm dần ở cấp tiểu học và mầm non. Cụ thể, tỷ lệ lớp học kiên cố bậc mầm non trên toàn quốc là gần 65%, bậc tiểu học là hơn 72%. Các bậc học THCS là hơn 83%, bậc THPT là gần 94%.
Theo khu vực, tỷ lệ lớp học kiên cố bậc mầm non thấp nhất là vùng Tây Nguyên, chỉ đạt 44%, trong khi tỷ lệ trung bình học sinh mỗi lớp ở mức 28 học sinh/lớp. Tỷ lệ lớp học kiên cố bậc Tiểu học ở khu vực này cũng ở mức thấp, chỉ đạt gần 57%.
Vùng Tây Nam Bộ lại có tỷ lệ lớp học kiên cố bậc THCS và THPT ở mức thấp nhất toàn quốc. Bậc THCS chỉ có hơn 59% số lớp học kiên cố, khiến cho số lượng học sinh mỗi lớp học cao, ở mức 36 học sinh/lớp. Tương tự bậc THPT, số lớp học kiên cố chiếm gần 88% với số lượng học sinh mỗi lớp học ở mức 37 học sinh/lớp.
Về thiết bị dạy học tối thiểu, tính trên cả nước, cấp mầm non chỉ đạt gần 48%, cấp tiểu học đạt 56% nhu cầu. Cấp THCS đạt hơn 54% nhu cầu, cấp THPT đạt gần 59% nhu cầu.
Trước thực tế này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có định hướng về CSVC và TBDH khi thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới bao gồm đảm bảo số lượng phòng học để đảm bảo học 2 buổi/ngày cho cấp Tiểu học. Với các cấp THCS, THPT cũng cần bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 lớp/phòng để tổ chức học các môn tự chọn.
Về thiết bị dạy học, Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi, bổ sung danh mục thiết bị dạy học theo lộ trình thực hiện chương trình mới trên nguyên tắc kế thừa những thiết bị đã có, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và các phần mềm thay thế thiết bị chứng minh, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.
Về các phòng học bộ môn và phòng chức năng, cấp Tiểu học sẽ được xây dựng thêm các khối phòng học tập yêu cầu có các loại phòng: phòng giáo dục nghệ thuật, phòng học Khoa học - Công nghệ, phòng học Tin học, phòng học ngoại ngữ; cấp THCS xây dựng khối phòng học tập yêu cầu có các loại phòng: phòng học bộ môn tin học, phòng học bộ môn công nghệ, phòng học bộ môn khoa học tự nhiên, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng học ngoại ngữ; cấp THPT xây dựng khối phòng học tập yêu cầu có các loại phòng: phòng học bộ môn tin học, phòng học bộ môn công nghệ, phòng học bộ môn nghệ thuật, phòng học bộ môn Vật lý, phòng học bộ môn Hóa học, phòng học bộ môn Sinh học, phòng học ngoại ngữ.
Dự kiến quý I/2019, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Danh mục thiết bị tối thiểu lớp 1 để chuẩn bị cho triển khai chương trình đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021. Danh mục TBDH tối thiểu cho các lớp còn lại sẽ được xây dựng và ban hành theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong Quý I/2020. Bộ GD&ĐT cũng sẽ tổng hợp nhu cầu, kiến nghị Quốc hôi, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành bố trí, bổ sung các nguồn vốn hỗ trợ các địa phương khó khăn, miền núi thực hiện tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong giai đoạn hiện tại, các địa phương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Trên cơ sở thực trạng cơ sở vật chất trường học của địa phương, khả năng cân đối các nguồn vốn, các địa phương lập và phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể và từng năm.
Trong đó, các địa phương cần lưu ý xác định nhu cầu đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 theo các mục tiêu của Đề án như đầu tư xây dựng phòng học, phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, nhà bếp và nhà kho; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu và thiết bị đồ chơi ngoài trời đối với giáo dục mầm non. Đối với giáo dục tiểu học: Đầu tư xây dựng phòng học (ưu tiên để bảo đảm 1 lớp/phòng), các phòng chức năng (giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục, hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập) và thư viện; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 và lớp 2 (theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT), bàn ghế hai chỗ ngồi, máy tính và thiết bị phòng học ngoại ngữ.
Đối với giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông, tập trung đầu tư xây dựng phòng học bộ môn, phòng chuẩn bị và thư viện; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 6 (theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT), thiết bị phòng học bộ môn, bàn ghế hai chỗ ngồi, máy tính và thiết bị phòng học ngoại ngữ.
Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, để thực hiện chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2017 - 2020, nguồn kinh phí sẽ được xác định theo số vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 đã được phân bổ cho các địa phương (vốn trái phiếu Chính phủ cho lĩnh vực giáo dục thực hiện kiên cố hóa các phòng học mầm non, tiểu học tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo). Các địa phương chỉ đạo các đơn vị quản lý, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình (ưu tiên các công trình phòng học tiểu học), bảo đảm chất lượng công trình, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Nguồn vốn của chương trình này là từ Nguồn vốn hỗ trợ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác; nguồn vốn ngân sách trung ương cho sự nghiệp giáo dục (chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục đào tạo).