Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, một số yếu tố thống kê được dạy ở lớp 2 như: Thu thập, phân loại, sắp xếp các số liệu. Yêu cầu cần đạt đối với học sinh như: Làm quen với việc thu thập, phân loại, kiểm đếm các đối tượng thống kê (trong một số tình huống đơn giản); Đọc biểu đồ tranh đọc và mô tả được các số liệu ở biểu đồ tranh; Nhận xét về các số liệu trên biểu đồ tranh, đạt được một số nhận xét như biểu đồ tranh.
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng: Nội dung môn Toán không nhiều hơn trước nhưng tăng cường về thời lượng, học sinh có nhiều thời gian hơn được trải nghiệm, thực hành thì các em sẽ ngấm hơn. Thực tế, đưa xác suất, thống kê vào lớp 2 một cách hợp lý thì không có gì là nặng nề và trở ngại. Chỉ nên đưa ở mức độ nhận dạng, quan sát số liệu, đặc biệt là tranh vẽ, so sánh số liệu tương quen, xác suất thì chỉ làm quen ở mức đơn giản. Điều này là phù hợp với lứa tuổi các em.
Một số yếu tố xác suất như: Làm quen với các khả năng xảy ra (có tính ngẫu nhiên) của một sự kiện. Làm quen với việc mô tả những hiện tượng liên quan tới các thuật ngữ: Có thể, chắc chắn, không thể, thông qua một vài thí nghiệm, trò chơi hoặc xuất phát từ thực tiễn.
Nhiều phụ huynh cảm thấy “giật mình” khi nghe đến xác suất, thống kê - khái niệm ở bậc học cao - nay lại được đưa vào cấp tiểu học. Nhưng nhìn từ phía chuyên môn, các giáo viên toán, nhà toán học, chủ biên chương trình môn toán khẳng định: Không hề to tát như vậy.
PGS.TS Lê Anh Vinh, Chủ biên chương trình môn toán tiểu học theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết: Thực ra xác suất, thống kê là những bài toán có rất nhiều trong đời sống, có trong cả bậc học mầm non. Ví dụ yêu cầu học sinh đếm đúng số người, biết phân loại theo tính chất, phán đoán tình huống xảy ra. Như nội dung thống kê, học sinh tiểu học được học những bài học trực quan sinh động, quan sát cuộc sống. Các kiến thức này được cụ thể hoá trong chương trình rồi nhưng ở chương trình giáo dục phổ thông mới được phân định rõ hơn. Điều này giúp học sinh hiểu toán học gắn với thực tiễn như thế nào.
Còn GS.TSKH Hà Huy Khoái, Chủ biên chương trình môn toán phổ thông, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho biết: Nói đến xác suất, thống kê ở tiểu học là chưa “quen tai” nhưng thực tế lại rất gần gũi với học sinh. Ví dụ, thống kê được thể hiện trong bài toán lớp 1 như: Cho bức tranh có 5 bông hoa hồng, 3 bông hoa cúc, 2 bông hoa sen. Từ đó yêu cầu học sinh đếm và ghi số. Như vậy, ngay từ lớp 1, học sinh đã có ý thức thống kê, sắp xếp giữa các hỗn độn tư liệu.
GS.TSKH Hà Huy Khoái dẫn chứng: Xác suất được thể hiện rõ trong bài toán như: Mẹ hứa với con mai trời nắng đi công viên. Nhưng học sinh phải hiểu là ngày mai khả năng được đi công viên nhiều hay ít. Nếu mưa thì khả năng được đi công viên ít hơn, nắng thì khả năng được đi công viên xảy ra nhiều hơn. Đây là những bài toán về xác suất, thống kê khá gần gũi với các em.
“Ngay từ nhỏ, trẻ đã được tiếp cận với những cách thức có hệ thống như vậy thì khái niệm thống kê, xác suất dần dần hình thành. Và cách dạy như vậy khá tự nhiên. Nhiều khi người viết có chủ đích, nhưng chưa chắc người học đã hiểu được. Thực tế, trên thế giới đã chú ý nhiều trong dạy xác suất, thống kê. Điều đó lý giải vì sao, về lý thuyết Việt Nam hơn nhiều nhưng bài toán thống kê lại thua hẳn Singapore. Bởi các vấn đề này, Singapore đã đưa vào dạy từ khi còn bé”, GS.TSKH Hà Huy Khoái nói.
Còn PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, người sáng tập “toán tư duy” POmath được rất nhiều học sinh tiếp cận và thích học cho biết: Nội dung toán thống kê hoàn toàn phù hợp với nội dung lớp 2. Bắt dầu từ lớp 2 các em đã hoàn thành được bảng kế hoạch công việc trong ngày theo tuần, theotháng của mình. Từ đó, các em rút ra được quy luật, rút ra được kết luận. Khái nhiệm tần số, tần suất là gì. Thực tế nhiều nước trên thế giới đã đưa chương trình này vào dạy tiểu học.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, mục đích việc dạy thống kê và xác suất là tạo cho học sinh khả năng nhận thức và phân tích các thông tin được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, hiểu bản chất xác suất của nhiều sự phụ thuộc trong thực tế, hình thành sự hiểu biết về vai trò của thống kê như là một nguồn thông tin quan trọng về mặt xã hội, biết áp dụng tư duy thống kê để phân tích dữ liệu. Từ đó, nâng cao sự hiểu biết và phương pháp nghiên cứu thế giới hiện đại cho học sinh.
Bên cạnh đó, chương trình môn Toán ở từng cấp cũng dành thời lượng thích đáng để tiến hành các hoạt động thực hành và trải nghiệm cho học sinh chẳng hạn như: Tiến hành các đề tài, dự án học tập về Toán, đặc biệt là các đề tài và các dự án về 17 ứng dụng toán học trong thực tiễn; tổ chức các trò chơi học toán, câu lạc bộ toán học, diễn đàn, hội thảo, cuộc thi về Toán; ra báo tường (hoặc nội san) về Toán; tham quan các cơ sở đào tạo và nghiên cứu toán học, giao lưu với học sinh có khả năng và yêu thích môn Toán...
Những hoạt động đó sẽ giúp học sinh vận dụng những tri thức, kiến thức, kĩ năng, thái độ đã được tích luỹ từ giáo dục toán học và những kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn cuộc sống một cách sáng tạo; phát triển cho học sinh năng lực tổ chức và quản lí hoạt động, năng lực tự nhận thức và tích cực hoá bản thân; giúp học sinh bước đầu xác định được năng lực, sở trường của bản thân nhằm định hướng và lựa chọn nghề nghiệp; tạo lập một số năng lực cơ bản cho người lao động tương lai và người công dân có trách nhiệm.