Gieo chữ, gieo tình người

Gắn bó trọn vẹn tuổi thanh xuân với những học trò người Mông vùng núi đá tới 19 năm, cô giáo Nguyễn Thị Thêu (Trường Tiểu học Phố Cáo, huyện Đồng Văn, Hà Giang) là một tấm gương tiêu biểu cho lòng quả cảm, tình yêu nghề và tình người dành cho những học trò người Mông.


Từ tình yêu nghề

Tốt nghiệp ngành sư phạm tại Ninh Bình năm 1995, chị Nguyễn Thị Thêu tình nguyện lên Hà Giang dạy học. Chị tâm sự: “Hành trang của tôi đi là lòng đam mê với nghề giáo. Với mong muốn đưa con chữ lên non cao đã tiếp thêm quyết tâm để tôi lên đường”. Nhưng cũng như bao giáo viên trẻ từ miền xuôi khác, chị Nguyễn Thị Thêu vẫn chưa thể lường hết những khó khăn gặp phải. 

Cô giáo Thêu bật khóc trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” khi nhắc về những đứa con ở quê nhà.

Đó là cảnh sống trong nhà tranh, vách đá. Cảnh sương gió, rét buốt, giữa muôn trùng rừng núi. Những ngày mùa đông gió bấc, sách vở học sinh ướt nhèm vì sương. Trong suốt nhiều năm, người dân sống trong cảnh không điện, thiếu nước, thiếu thực phẩm. “Thời gian đầu, ngày đi dạy học không sao, nhưng đêm đến, cùng với đồng nghiệp lại thấy tủi thân và ôm nhau khóc vì thấy cảnh khổ quá. Nhưng sáng ra, khi nhìn thấy những học trò nhỏ chân đất đến lớp thì cảm giác hụt hẫng, sợ hãi, nhớ nhà không còn. Sự ngây ngô, thiếu thốn của chính những đứa trẻ còn “ê a” tiếng Kinh khiến chúng tôi có thêm động lực hoàn thành nhiệm vụ được giao”, chị Thêu tâm sự.

Trước khi về Trường Tiểu học Phố Cáo, chị Thêu dạy học ở điểm lẻ Sảng Pả, giáp với biên giới Việt - Trung đã có 11 năm gắn bó với Lũng Thầu. Những khó khăn gặp phải là học sinh không quen đến lớp. Chị Thêu lại đến nhà từng học trò vận động đi học. “Thường những ngày như đám ma, đám cưới, cha mẹ các em bắt các em nghỉ học nhưng không xin phép cô giáo. Đây là phong tục rồi nên chúng tôi phải khắc phục dần dần. Nhiều khi đến tận nhà rồi cũng không đón được học sinh. Do tâm lý cha mẹ không muốn con đi học và có những học sinh không muốn đến lớp. Có những lần tôi phải nhờ học sinh lớp lớn đến khiêng những em nhỏ đi học”.

Đến nay, thành quả của chị Thêu là đã có học sinh giỏi, tiên tiến, học sinh lên lớp đều đều. Học trò của chị đã học lên tới đại học: ĐH Nông nghiệp I, ĐH Tây Bắc... và trở về làm cán bộ địa phương.

Ước mơ được đoàn tụ

Nhiều năm cắm bản, chị Thêu bén duyên với đồng nghiệp. Hai vợ chồng đều dạy học ở Đồng Văn. Khi chị Thêu sinh con trai đầu lòng, cuộc sống quá vất vả khiến cậu bé bị suy dinh dưỡng bào thai, phải tiêm nhiều lần nên bị teo cả hai chân.

Giờ lên lớp của cô giáo Nguyễn Thị Thêu tại Trường Tiểu học Phố Cáo.

Chị Thêu chia sẻ: “Ở vùng cao, khó khăn thì nhiều nên các thầy cô giáo ở dưới xuôi lên cũng dần quen. Nhưng thương và có lỗi nhất là chính với những đứa con mình. Hai con của tôi lớn lên trong thiếu thốn và sống lạc lõng giữa bạn bè nói tiếng Mông và phong tục sống cũng hoàn toàn khác. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải gửi con về quê nhờ ông bà nuôi. Các đồng nghiệp của tôi cũng gửi con về dưới xuôi”.

“Nhiều bữa cơm tôi không thể nuốt nổi vì cảm giác nhớ các con khôn nguôi. Lúc nào tôi cũng cảm thấy có lỗi với con”, chị Thêu xúc động nói.

Trải qua nỗi nhớ nhà, nhớ con, chị Thêu dành tình yêu thương ấy cho những học trò nhỏ. Để có sự vững vàng này, chị Thêu cho biết: “Để có động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ thì có nhiều yếu tố. Là tình yêu thương của bố mẹ tôi, của em gái, em rể, chị dâu. Đó là những người đã luôn động viên tôi, dành tình cảm cho các con tôi. Coi các con tôi như con đẻ. Mỗi năm tôi được gặp con 2 lần hoặc có năm chỉ một lần nếu nghỉ hè phải dạy học”.

19 năm gắn bó trọn tuổi thanh xuân với giáo dục vùng cao, chị Thêu giờ đây mong muốn được sớm đoàn tụ với các con. “Tôi có một mơ ước được đoàn tụ với các con. Mong sao Nhà nước có chế độ chính sách nào đối với những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa công tác được 20 năm rồi thì được trở về xuôi đoàn tụ cùng gia đình. Như hoàn cảnh của tôi, bố mẹ đều đã quá già yếu, các cháu cũng rất cần tình cảm của cha mẹ thường xuyên ở bên”.

Những giáo viên “cắm bản” như cô giáo Thêu không phải là hiếm ở vùng biên của Tổ quốc. Tuổi thanh xuân của họ là những cống hiến, hy sinh vì đồng bào vùng cao, vì sự nghiệp trồng người. Ở những vùng núi cao, nơi khó khăn trùng điệp khó khăn, họ không chỉ gieo con chữ mà còn gieo cả tình người, tình yêu thương với những học trò còn thiếu thốn cái chữ, cái ăn, cái mặc.
Lê Vân
Điểm sáng của giáo dục Thủ đô
Điểm sáng của giáo dục Thủ đô

Trường tiểu học Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) thành lập từ năm 1924, là một trong những cái nôi của giáo dục Thủ đô. Hiện trường đã được công nhận là trường chuẩn Quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN