Video cô giáo Nguyễn Diệu Linh, Giáo viên Địa lý, Trường THPT Phan Đình Phùng (Quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ cách ôn tập hiệu quả môn Địa lý giai đoạn sắp đến kỳ thi:
Theo cô giáo Nguyễn Diệu Linh, điều đầu tiên là học sinh nắm rõ cấu trúc bài thi môn Địa lý hay còn gọi là ma trận đề thi. Theo đề thi minh hoạ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bài thi môn Địa lý có 40 câu, trong đó có 50% trên tổng số có mức độ nhận biết, 25% ở mức độ thông hiểu và 25% còn lại mức độ vận dụng.
Phần nhận biết là chủ yếu kỹ năng khai thác Atlat. Phần thông hiểu thường là các câu hỏi vào các ngành kinh tế, phần vận dụng vào vùng Địa lý của Việt Nam và một số câu biểu đồ.
Điểm tiếp theo mà học sinh cần nắm được là bài thi Địa lý gồm hai phần: Kiến thức và Kỹ năng. Phần kiến thức bài thi Địa lý chủ yếu vào chương trình lớp 12, bao gồm: Địa lý tự nhiên, Địa lý dân cư, Địa lý các ngành kinh tế, Địa lý các vùng kinh tế của nước ta.
Trong quá trình đồng hành với học sinh trong giai đoạn nước rút này, cô giáo Nguyễn Diệu Linh thường giúp học sinh hệ thống lại kiến thức dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ sơ đồ tư duy, trò chơi hoặc các từ khoá để học sinh có phần thi trắc nghiệm tốt nhất. Phần kỹ năng trong bài thi Địa lý tốt nghiệp THPT chiếm 19/40 câu hỏi, bao gồm 3 kỹ năng chính: Khai thác atlat, làm việc với bảng số liệu và làm việc với biểu đồ.
“Các kỹ năng này, học sinh đã được học thường xuyên trong bối cảnh dịch COVID-19. Trong quá trình học online, chúng tôi cố gắng lồng ghép trong tiết học”, cô giáo Nguyễn Diệu Linh cho biết. Theo cô giáo Nguyễn Diệu Linh, kỹ năng khai thác Atlat chiếm 15 câu hỏi trong bài thi. Đây là thuận lợi lớn trong quá trình làm bài thi Địa lý thi tốt nghiệp THPT. Vì thế, giáo viên tận dụng tối đa thuận lợi này để đồng hành cùng học sinh. Cũng như học sinh cần khai thác cách làm bài phần này.
Cô giáo Nguyễn Diệu Linh nhấn mạnh: “Khi học sinh đã nắm được cấu trúc bài thi thì nên thường xuyên luyện đề tổng hợp. Việc làm đề thường xuyên sẽ giúp các em đánh giá tổng hợp các kiến thức kỹ năng, tập dượt với tâm lý phòng thi. Đồng thời, các em có tốc độ phản xạ tốt nhất khi làm bài”.