Nhiều vướng mắc
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đến nay đã có 13 trường đại học công lập trực thuộc các bộ, ngành Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động.
“Thủ tướng đang xem xét phê duyệt Đề án thí điểm 3 trường. Phần lớn các trường tham gia thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động là các trường đào tạo khối ngành kinh tế. Đây là ngành có khả năng xã hội hóa cao, có thể huy động đóng góp của xã hội bằng cách thu học phí cao hơn so với các khối ngành khác. Tuy nhiên, hầu hết các trường được phê duyệt đề án trong năm 2015 nên thời gian thực hiện còn ngắn, chưa thể đánh giá được đầy đủ các mặt tích cực và hạn chế của cơ chế”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.
Sau một năm thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, các trường thực hiện thí điểm cũng phản ánh gặp không ít vướng mắc, đang cần được “gỡ khó”. Cụ thể, đại diện ĐH Kinh tế quốc dân cho biết cần văn bản hướng dẫn cụ thể Nghị quyết 77 theo hướng tiếp tục giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho nhà trường trong việc quyết định các mức chi phù hợp với điều kiện cụ thể của trường. Hướng dẫn về quản lý tài chính và hạch toán các nội dung có tính chất kinh doanh phát sinh tại các đơn vị sự nghiệp công gồm hoạt động liên doanh, liên kết. ĐH Tài chính - Marketing đề nghị bổ sung quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện giống như doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp được quản lý như nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách. Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng quy định Ban giám hiệu các trường đại học công lập là công chức do cơ quan chủ quản quản lý, bổ nhiệm và quy định về tuổi về hưu như hiện nay làm mất đi khả năng đóng góp của những người có năng lực và có khả năng cống hiến hiệu quả cho nhà trường... Đặc biệt, trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đề xuất xem xét nghiên cứu áp dụng tỷ lệ nhất định đối với đội ngũ giảng viên thỉnh giảng/sinh viên để làm căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Bởi đội ngũ này đóng góp rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình giảng dạy. Đây cũng là ý kiến được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tập trung bàn thảo nhiều nhất tại buổi làm việc.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học và sau đại học, Bộ GD - ĐT cho biết, sở dĩ không tính giảng viên thỉnh giảng như giảng viên cơ hữu bởi không quản lý được hệ thống giáo viên này. Giáo viên thỉnh giảng có thể làm ở nhiều vị trí khác nhau hoặc người về hưu. Thậm chí họ thỉnh giảng cho nhiều trường. Nếu tính chỉ tiêu tuyển sinh thì khó đảm bảo được chất lượng.
Lý giải thêm vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, nếu không ấn định, các trường sẽ mời rất nhiều giáo viên thỉnh giảng, từ đó yêu cầu nâng cao quy mô đào tạo, không quan tâm tới nâng cao chất lượng...
Tuy nhiên, GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, cho rằng, việc quản lý giáo viên thỉnh giảng là hoàn toàn có thể, các trường có thể áp dụng công nghệ thông tin kiểm soát được giáo viên đang thỉnh giảng ở đâu.
Tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, phần lớn các trường đại học công lập thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đều chưa dùng hết quyền tự chủ của mình. Những vấn đề, vướng mắc được các trường nêu ra tại cuộc làm việc đã được các cơ quan hữu quan giải đáp, tháo gỡ cụ thể. Phó Thủ tướng đề nghị sẽ báo cáo với Thủ tướng để đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết 77 sau một năm thực hiện.
Theo Phó Thủ tướng, phải tăng quyền quản lý và trách nhiệm giải trình ngay trong bản thân cơ cấu, tổ chức của trường bằng các Hội đồng trường. Dù pháp luật đã có quy định nhưng các trường thực hiện chưa nghiêm, đây là trách nhiệm của các trường và các bộ chủ quản. Thời gian tới, các trường phải kiện toàn Hội đồng trường của các trường theo đúng nghĩa, thực quyền, phân định rõ trách nhiệm của Hội đồng trường quyết những vấn đề lớn cả về hướng phát triển khoa học, đầu tư nhân sự, bên cạnh đó có cơ chế giám sát rất rõ ràng và phân định với chức năng điều hành.
Qua tổng hợp từ 13 trường thực hiện thí điểm cho thấy, việc cho phép các trường được tự quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường chủ động trong việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo, đáp ứng kịp thời nhu cầu xã hội và yêu cầu đào tạo của nhà trường. Đến nay, đã có 5 trường mở ngành mới. Việc được tự chủ trong công tác xây dựng nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy đã tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các trường đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, nhằm tiếp cận với chuẩn đào tạo của quốc tế. Cơ chế tự chủ tuyển sinh như hiện nay đã giúp nhà trường hoàn toàn chủ động trong công tác tuyển sinh, đảm bảo tốt chất lượng đầu vào… |