Học sinh thi vòng loại Violympic. |
Cuộc thi năm nay thu hút khoảng15.000 học sinh, đến từ 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, nhiều địa phương sau một thời gian không có học sinh tham gia vòng thi cấp quốc gia, năm nay đã chính thức quay trở lại như: Nam Định, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Hà Tĩnh.
Vòng chung kết Violympic toàn quốc dành cho học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12 đối với môn Toán, tiếng Việt; lớp 4, lớp 8 đối với môn Toán, tiếng Anh và lớp 9, lớp 12 đối với môn Vật lí.
Một trong những điểm khác biệt của vòng chung kết năm nay so với mọi năm là hình thức thi leo dốc. Cụ thể, với tổng thời gian làm bài 60 phút, mỗi thí sinh sẽ trải qua 4 bài thi. Trong đó, ba bài thi đầu giống như các vòng tự luyện. Ở bài thi thứ tư - bài thi leo dốc, các câu hỏi sẽ xuất hiện với số lượng không giới hạn, học sinh trả lời đúng nhận thêm 10 điểm/câu. Nếu học sinh trả lời sai 5 câu hỏi trong phần thi này thì vòng thi sẽ tự động kết thúc. Do đó, kết quả thi sẽ đánh giá và phân loại học sinh một cách chính xác.
Vòng chung kết Violympic toàn quốc sẽ trao tổng trị giá giải thưởng hơn 200 triệu đồng.
Cuộc thi giải Toán, Vật lí trên Internet – Violympic năm học 2017 – 2018 cũng là năm đánh dấu nhiều thay đổi toàn diện về nội dung, hình thức; đặc biệt là ứng dụng cải tiến công nghệ 4.0 cũng đã được áp dụng giúp cá nhân hóa việc học tập của học sinh.
Từ Violympic năm học 2017 – 2018, FPT đã ký kết hợp tác chiến lược với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) để cùng hợp tác nghiên cứu, điều chỉnh nội dung bài thi Violympic phù hợp nhằm khuyến khích sự tham gia của học sinh; chú trọng bổ sung các bài toán ứng dụng, các bài toán phát triển tư duy vào đề thi, khối lớp cũng như triển khai các sản phẩm giáo dục trực tuyến khác trong tương lai.