Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác dạy và học ở các trường mầm non, đặc biệt là các trường ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm học 2018-2019, Trường Mẫu giáo Họa Mi, Buôn Ja, xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, có 14 giáo viên với 376 học sinh ở 3 khối lớp mầm, chồi, lá, được chia thành 12 lớp. Theo Thông tư liên tịch số 06/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp thì Trường Mẫu giáo Họa Mi đang thiếu 12 giáo viên.
Bà Nguyễn Thị Thu Nga, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Họa Mi cho biết, tình trạng thiếu giáo viên đã xảy ra ở các năm học trước, gây nhiều khó khăn đối với việc phân chia lớp, phân công giáo viên đứng lớp. Do đặc thù cấp học mầm non thời gian giáo viên ở trên lớp khá nhiều, nếu thiếu giáo viên thì một người sẽ phải trực lớp cả ngày. Những ngày giáo viên nghỉ đột xuất do đau ốm, có việc hiếu - hỉ nhà trường rất khó bố trí giáo viên dạy thay. Thậm chí có thời điểm Ban Giám hiệu phải bố trí dạy thay cho giáo viên.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk: Quy định là một lớp học phải có 2,2 giáo viên/lớp nhưng tại huyện Lắk hiện chỉ có 1,5 giáo viên/lớp. Huyện kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền cần có chính sách đặc thù đối với những địa phương thiếu giáo viên nhằm giải quyết bài toán thiếu giáo viên mầm non.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện toàn tỉnh Đắk Lắk thiếu khoảng 1.000 giáo viên mầm non, tập trung nhiều nhất tại huyện Ea Kar, Ea H’leo, Krông Bông, Krông Ana, Lắk… Nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên là do tỉnh không có chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng.
Theo ông Khoa để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non, trước mắt Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cùng Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các địa phương ưu tiên bố trí giáo viên mần non theo Thông tư 06/2015 cho các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non, tạo điều kiện thành lập các trường mầm non tư thục, thực hiện hợp đồng giáo viên mầm non đối với những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn để giảm áp lực của tình trạng thiếu giáo viên mầm non.