Chị Kim Tuyền (ngụ tại huyện Hóc Môn) có hai con đang theo học bậc tiểu học chia sẻ, tình hình dịch bệnh phức tạp, phương án học trực tuyến được triển khai cũng nằm trong dự đoán của gia đình. Thế nhưng gia đình chị không đủ điều kiện để trang bị thêm máy cho các con học. Hiện cả nhà chỉ có một máy tính bàn, trong khi chị cũng phải làm việc trực tuyến. Do đó, nếu cả hai con học trực tuyến cùng lúc sẽ không đủ thiết bị.
Không chỉ với chị Kim Tuyền, đây cũng là nỗi lo chung của rất nhiều phụ huynh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thực tế, dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến công việc, thu nhập của người dân. Nhiều người trong số đó, nhất là lao động tự do rơi vào tình trạng mất việc làm, lại phải chật vật với chi phí nhà trọ, nên việc có khoản tiền để mua trang thiết bị cho con học là điều rất khó khăn.
Với nhiều phụ huynh tại thành phố còn một nỗi lo khác khi con đang “mắc kẹt” ở quê do dịch, không có đủ điều kiện tham gia học tập. Chị Nguyễn Thị Dịu (thành phố Thủ Đức) cho biết, từ giữa tháng 5 vợ chồng chị đã đưa con về quê với ông bà nội để tránh dịch. Nhưng do dịch diễn biến phức tạp, kéo dài nên con bị “kẹt” lại ở quê, đến nay chưa thể trở về thành phố. Dù có mạng internet và điện thoại thông minh, nhưng ở quê chỉ có ông bà đã lớn tuổi lại không thành thạo về công nghệ nên việc hỗ trợ các con học trực tuyến gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi các con mới đang học lớp 2 và 4, độ tuổi chưa có tinh thần tự học cao, nên chị Dịu khá lo lắng khi trở lại trường lớp, các con sẽ rất khó khăn trong việc bắt kịp chương trình học. Hơn nữa, học sinh ở mỗi địa phương lại học bộ sách giáo khoa (lớp 2 theo chương trình mới) khác nhau, nên việc mua sách cho con cũng gặp rất nhiều khó khăn, đến nay con chưa có sách để học mà phải học sách điện tử.
Bên cạnh khó khăn về thiết bị, đường truyền, việc học trực tuyến trong thời gian dài cũng là một thách thức đối với học sinh và cả phụ huynh về mặt tâm lý. Chị Hoàng Thị Tuyết (thành phố Thủ Đức) cho biết, từ khi hai con bắt đầu học trực tuyến, chị khá căng thẳng, mệt mỏi. Bởi vừa phải tập trung hoàn thành công việc của mình vừa phải giám sát việc học của con, kiêm cả vai trò “kỹ sư công nghệ” để gỡ rối cho con.
Ứng dụng học trực tuyến không đồng bộ, đường truyền không đảm bảo khiến việc học của con liên tục bị gián đoạn, cả con và mẹ đều không thoải mái tinh thần mỗi giờ học. Hơn nữa, nhà chị chỉ có hai thiết bị nhưng cả hai con và cha mẹ đều cần sử dụng để học và làm việc trực tuyến. Vì thế, cha mẹ buộc phải “nhường” máy cho con học và tranh thủ làm việc vào thời gian con được nghỉ.
Theo thống kê của ngành Giáo dục thành phố vào đầu năm học mới, thành phố có hơn 70.000 học sinh gặp khó khăn với việc học trực tuyến vì nhiều nguyên nhân như thiếu thiết bị, đường truyền, không có sự hỗ trợ của cha mẹ do các em đang “mắc kẹt” ở địa phương…
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, thời gian qua ngành Giáo dục đã nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo các cấp chính quyền, nhà hảo tâm để đảm bảo học sinh không dừng việc học. Trong đó, nhiều chương trình hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh đã được triển khai, nhờ đó nhiều học sinh đã được trang bị điều kiện tối thiểu cho phương thức học trực tuyến. Đến nay, thành phố vẫn còn hơn 40.000 học sinh khó khăn do thiếu thiết bị học trực tuyến, thời gian tới ngành Giáo dục tiếp tục nỗ lực để hỗ trợ các em. Bên cạnh đó, ngành có phương án đảm bảo được tiếp cận chương trình học qua các kênh khác như đài truyền hình, hỗ trợ chuyên môn từ lực lượng tình nguyện ở địa phương…
Chung tay gỡ khó
Dù còn nhiều khó khăn trong việc tổ chức, thực hiện dạy và học trực tuyến nhưng ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng các phương án, mô hình dạy học cụ thể, linh hoạt phù hợp điều kiện thực tế của đơn vị, đồng thời đáp ứng nhu cầu của học sinh, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
“ATM điện thoại thông minh” là mô hình đầu tiên của thành phố được các thầy, cô giáo Trường Trung học Cơ sở Minh Đức (Quận 1) thực hiện nhằm hỗ trợ học sinh khó khăn về phương tiện học tập trực tuyến. Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Minh Đức (Quận 1) chia sẻ, thống kê sơ bộ khi vào đầu năm học mới của trường cho thấy, trường còn nhiều học sinh không đủ thiết bị để tham gia học trực tuyến. Các thầy cô giáo của trường đã thảo luận và thống nhất thực hiện kế hoạch kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ điện thoại, laptop cũ để hỗ trợ các em.
Chỉ sau hơn một tuần kêu gọi, chương trình đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp của nhiều thầy cô, phụ huynh, nhà hảo tâm cho chương trình. Theo đó, thông qua lực lượng tình nguyện của các địa phương, trường đã trao thiết bị đến tận tay các em. Đến nay, nhà trường không còn học sinh nào thiếu thiết bị học tập trực tuyến.
Trước thực tế hàng ngàn học sinh thiếu trang thiết bị học tập trực tuyến, đầu tháng 9, Hội đồng Đội Thành phố Hồ Chí Minh cùng Trung tâm phát triển Khoa học Công nghệ trẻ (Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) phát động chương trình quyên góp thiết bị, máy tính, điện thoại, máy tính bảng đã qua sử dụng để sửa chữa, trao tặng học sinh khó khăn.
Đến nay, chương trình đã nhận được khoảng 50 máy và đang tiếp tục kêu gọi ủng hộ từ các nhà hảo tâm. Hiện, đơn vị cũng đang tiến hành lập danh sách học sinh khó khăn để trao tặng cho các em. Cùng với đó, nhiều địa phương, đơn vị đã và đang triển khai các chương trình vận động, hỗ trợ về điều kiện trang thiết bị tham gia học trực tuyến.
Cùng với các chương trình kêu gọi, vận động từ các tổ chức, đơn vị, địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đang triển khai các hoạt động hỗ trợ trang thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh toàn thành phố. Trong đó, đề xuất các hình thức như huy động nguồn vốn tài trợ thiết bị, vận động nguồn thiết bị đã qua sử dụng hoặc mua trả góp ưu đãi để học sinh học tập.
Bên cạnh giải quyết khó khăn về thiết bị, đường truyền, việc giúp học sinh, phụ huynh chủ động thích nghi với việc học trực tuyến cũng rất quan trọng. Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh - chuyên gia tư vấn giáo dục cho rằng, việc giãn cách kéo dài, việc phải thích nghi môi trường học tập trực tuyến cũng ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của cả giáo viên, học sinh, phụ huynh.
Thực tế, dù khó khăn, dù muốn hay không, cả gia đình, nhà trường, học sinh đều phải tìm cách thích nghi với bối cảnh hiện nay. Bên cạnh việc giáo viên phải từng bước điều chỉnh, thay đổi phương thức tổ chức dạy học phù hợp với hình thức trực tuyến, trong hành trình học tập của con cũng không thể thiếu vai trò của phụ huynh đồng hành cùng con, hỗ trợ giáo viên.
Bài cuối: Đồng hành với học sinh vượt khó