Mỗi tối, khắp các sườn núi của bản Huổi Pá (xã Mường Lạn, huyện Sốp Cốp) đồng loạt xuất hiện những ánh đèn pin lấp ló. Những ánh đèn pin lúc ẩn, lúc hiện sau những hàng cây, rặng núi, nhưng tất cả cuối cùng đều tụ về một nơi đó là điểm Trường Tiểu học bản Huổi Pá. Tại đây, có thể dễ dàng nhận thấy, hàng chục con người ở nhiều độ tuổi khác nhau. Họ đến để tham gia lớp học xóa mù chữ do Đồn Biên phòng Mường Lạn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) tổ chức.
Gác lại những lo toan cuộc sống sau một ngày lao động vất vả, những người phụ nữ, đàn ông dân tộc Mông đã tìm đến lớp để học cách đánh vần những chữ cái phổ thông. Những con chữ này, từ trước vốn ít khi hiện diện trong cuộc sống của đồng bào ở các bản vùng cao, bởi bà con chỉ nói tiếng dân tộc mình mà ít khi sử dụng đến chữ viết. Khi được lực lượng Biên phòng tuyên truyền, họ đã thay đổi nhận thức, hàng ngày chăm chỉ đến lớp để làm quen với từng con chữ. Những chữ cái phổ thông dần dần đã được những anh, chị, cô, bà con ở bản vùng cao này quen mặt và biết ghép từ để tạo thành những câu hoàn chỉnh.
Trong khoảng thời gian 2 tiếng mỗi tối, giữa bốn bề núi rừng lại vang lên tiếng ê, a tập đánh vần của những học viên đặc biệt. Những đôi tay chai sạn vốn chỉ quen cầm cuốc, tra ngô nay lại vụng về tập cầm cây bút, viết chữ. Trong lớp, có người đã ở độ tuổi làm ông, làm bà nhưng lần đầu tiên mới biết đến con chữ. Họ tin rằng, với những kiến thức đã được học trong hơn 3 tháng của lớp xóa mù này sẽ giúp họ học hỏi nhiều hơn và có cuộc sống tốt hơn.
Chị Giàng Thị Sông hơn 30 tuổi bộc bạch: "Trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại ở vùng cao, tôi không được đi học. Khi biết Bộ đội Biên phòng về bản mở lớp dạy xóa mù và phổ biến kiến thức, tôi đã xin đi học. Hàng ngày, dù bận việc nhà, việc nương rẫy rất vất vả, tôi vẫn cố gắng thu xếp để lên lớp đúng giờ và cố gắng nhớ từng con chữ. Nếu biết đọc, biết viết, tôi sẽ biết được nhiều kiến thức bổ ích hơn cho cuộc sống hàng ngày".
Tại bản Huổi Pá, hai lớp học đã được mở với gần 100 học viên. Hàng ngày, hai cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn được phân công đứng lớp. Do lớp học mở ở bản vùng cao, điều kiện giao thông đi lại còn khó khăn, những lúc trời mưa đường trơn trượt không thể di chuyển được, hai cán bộ Biên phòng bất đắc dĩ trở thành những thầy giáo “cắm bản”. Vì thế, trong thời gian hơn 3 tháng của khóa học xóa mù, phổ cập kiến thức cho bà con, họ đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” với bà con. Vào ban ngày, Bộ đội Biên phòng giúp đỡ bà con lao động, sản xuất, tối đến lại lên bục giảng để dạy chữ cho đồng bào.
Trung úy Vì Văn Liêm, Đồn Biên phòng Mường Lạn cho biết, đặc điểm ở bản Huổi Pá là đường sá đi lại khó khăn, xa trung tâm, điều kiện kinh tế khó khăn. Trong bản, trình độ đọc, viết, nhận thức của bà con rất thấp. Nếu không biết đọc, biết viết, bà con rất khó khăn khi theo dõi tivi, không nắm được chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, không áp dụng được các khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất của gia đình. Trước thực trạng này, đơn vị đã phân công cán bộ lên trên này mở hai lớp xóa mù nhằm giúp bà con biết đọc, biết viết, từ đó, cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
"Trong quá trình giảng dạy, tôi cũng gặp không ít khó khăn do trình độ nhận thức của bà con thấp. Ngoài ra, do là giáo viên không chuyên, trình độ sư phạm còn hạn chế. không có. Bởi thế, tôi phải tự tìm tòi, nghiên cứu giáo án của các thầy cô ở lớp chính quy, qua đó có phương pháp truyền đạt dễ hiểu nhất đến học viên trong lớp", Trung úy Vì Văn Liêm chia sẻ.
Hiện nay, hoạt động này đang được duy trì thường xuyên tại các địa bàn vùng biên. Việc đến lớp học đã giúp bà con hiểu rõ được tầm quan trọng trong việc học chữ. Khi đã đọc và viết được chữ, bà con sẽ có điều kiện nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước qua sách, báo và các phương tiện thông tin, đại chúng. Đồng thời, bà con sẽ dễ dàng tiếp thu các thông tin cần thiết về phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình; chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, nhất là pháp luật về biên giới quốc gia, không bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo.
Thiếu tá Vì Văn Chương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lạn cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp tổ chức được 5 lớp xóa mù chữ. Theo đó, chương trình giảng dạy tại các lớp xóa mù tương đương kiến thức của học sinh từ lớp 1 đến lớp 3, được xây dựng sát với thực tế đời sống của bà con như: Phát triển kinh tế, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, cách phòng tránh các dịch bệnh. Những lớp học được mở đã mang lại hiệu quả tích cực, được các cấp, chính quyền địa phương đánh giá cao và bà con đồng tình ủng hộ. Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn, có sự lan tỏa rất lớn trong đồng bào khu vực biên giới.
Công tác xóa mù chữ cho nhân dân đã được huyện Sốp Cộp chú trọng thực hiện. Ngoài nòng cốt là lực lượng giáo viên Tiểu học, Ủy ban nhân dân huyện đã phối hợp với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326 (Quân khu 2) và các đồn Biên phòng trên địa bàn huyện tham gia vào việc giảng dạy xóa mù chữ trên địa bàn. Đến nay, trên 40 lớp học xóa mù cho gần 4.000 học viên do các lực lượng vũ trang triển khai.
Theo bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sốp Cộp, qua các lớp học xóa mù, phổ cập kiến thức do lực lượng vũ trang triển khai, chính quyền địa phương đánh giá hiệu quả sau khi biết chữ của người dân khá bền vững, tỉ lệ tái mù tương đối thấp. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp với lực lượng vũ trang, đặc biệt là các đồn Biên phòng mở các lớp xóa mù ở các bản vùng cao. Qua đó, tiếp tục phát huy vai trò của các thầy giáo mang quân hàm xanh trong công tác phối hợp xóa mù chữ gắn với bảo vệ biên giới.