Mỗi năm một bộ sách: Đi tìm con số thực của lãng phí

Chen nhau mua sách mỗi dịp cháy sách đầu năm học mới, con số thực chi phí các phụ huynh học sinh phải bỏ ra để mua sách giáo khoa cơ bản mỗi năm học lên tới 1.000 tỷ đồng. Câu chuyện các gia đình Việt Nam đang bị bắt ép phải “xài sang” trở thành nỗi bức xúc ở thời điểm hiện tại.

Vì sao phải mỗi năm một bộ sách?

Theo tính toán của TS Ngô Minh Oanh, Ủy viên Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, hiện cả nước có 15 triệu học sinh phổ thông. Bình quân, mỗi bộ SGK có từ 7-10 cuốn (chưa kể sách bài tập).

Chú thích ảnh
Mỗi đầu năm học mới, phụ huynh tốn kém một khoản để trang bị sách vở cho con em mình. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Cụ thể, theo danh mục do NXB Giáo dục Việt Nam cung cấp, số lượng SGK cho lớp 1, 2, 3 là 6 cuốn; lớp 4, 5 là 9 cuốn. Ở cấp THCS, học sinh lớp 6, 7 dùng 12 cuốn SGK, lớp 8, 9 dùng 13 cuốn. Đối với cấp THPT, chương trình chuẩn có 14 cuốn SGK, chương trình nâng cao 10 cuốn. Giá bán lẻ bộ SGK chương trình phổ thông từ 45.300 đồng đến 153.000 đồng. Ngoài ra, cộng thêm với 850.000 bộ cho giáo viên.

Năm học 2018-2019 số lượng bản in sách giáo khoa kế hoạch của NXB Giáo dục lên đến 104 triệu bản. Nếu dựa trên số lượng học sinh phổ thông thực tế, mỗi học sinh sử dụng khoảng 10 cuốn sách thì số sách cần dùng sẽ vào khoảng 150 triệu cuốn sách. So sánh số lượng này có thể thấy số sách được dùng lại gần như rất ít, chỉ chiếm khoảng 31% so với số sách phải mua mới chiếm trên 69%.

Việc các học sinh phải mua sách mới mỗi năm diễn ra từ nhiều năm nay khi số lượng sách in mới năm nào cũng đạt mức xấp xỉ 70% như trên. Theo báo cáo năm 2017 của NXB Giáo dục Việt Nam gửi Bộ GD-ĐT, năm 2017 là 107,8 triệu bản với doanh thu là 1.203 tỷ đồng còn năm 2016 là 108,8 triệu bản cùng doanh thu 1.147 tỷ đồng.

Với các cuốn có giá chưa đến 10.000 đồng, học sinh thoải mái làm bài tập lên SGK bằng bút mực vì dù có tẩy được, cũng không ai bỏ công ngồi tẩy xóa để dùng lại. Tuy nhiên, trên thực tế, cách dùng sách cẩu thả này tạo ra thói quen lãng phí “nghìn tỷ” mỗi đầu năm học mới.

Nhưng tại sao SGK lại chỉ có thể sử dụng một lần? Theo anh Vũ Xuân Nam (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội), gia đình anh mua trọn bộ sách vào đầu năm học theo thói quen. Dù cậu con trai hiện đang học lớp 4 khá cẩu thả trong giữ gìn sách vở nhưng theo anh Nam việc anh không giữ lại sách cho các cháu học lớp dưới là vì nhiều loại SGK lại có thêm phần câu hỏi, bài tập dưới hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm yêu cầu học sinh phải ghi chép hoặc điền vào.

Anh Đàm Quang Thắng có con học lớp 6 trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì khẳng định việc cho học sinh ghi chép trực tiếp vào sách khiến con anh rất sơ sài trong giữ gìn sách vở, việc viết, vẽ, ghi chú ngay vào sách giáo khoa đã trở thành thói quen với học sinh cấp 2. Điều này khiến cho các bộ SGK nhanh chóng trở thành “phế liệu” sau một năm.

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) mới đây, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, cử tri hiện nay rất bức xúc liên quan đến SGK sử dụng một lần vì quá lãng phí. Trung bình mỗi năm phụ huynh học sinh phải chi tới 1.000 tỷ đồng mua SGK chỉ một mục đích là quyển sách đó sử dụng một lần do có phần bài tập đi kèm, sang năm tái bản nội dung vẫn như vậy, chỉ in lại phần bài tập.

Độc quyền những bộ sách tái bản “nghìn tỷ”

Trong số những cuốn sách liên tục phải in lại vì lý do phần bài tập được yêu cầu ghi câu trả lời vào sách thì không chỉ có sách bài tập mà ngay cả SGK, cụ thể là các môn Toán và Tiếng Anh ở cấp tiểu học đều có phần bài tập in sẵn và để trống phần trả lời. Điều này đặt ra câu hỏi về “chiêu thức” biến những bộ sách nghìn tỷ thành những bộ sách liên tục tái bản và không thể dùng lại nữa.

Chính với cách thức in sách kiểu này, sách bài tập ở cấp tiểu học rất ít khi được dùng đến nhưng phụ huynh cũng phải mua lấy được do sợ thiếu sách khi trường yêu cầu.

Những bộ sách phổ thông được sử dụng hiện nay đều do NXB Giáo dục - cơ quan trực thuộc Bộ GD-ĐT phát hành độc quyền. Từ lợi thế chiếm 100% thị phần, quy trình phát hành sách theo ngành dọc từ Bộ , Sở tới Trường học tạo ra sự thuận lợi lớn đến việc đưa cả sách tham khảo đến tay học sinh.

Trên thực tế, nhà trường cũng không yêu cầu học sinh phải sử dụng sách mới nhưng vì tiện ích và nhiều lý do như đã đề cập trên đây, phụ huynh vẫn chấp nhận để mua cho con. Dần dần, chính các phụ huynh cũng bỏ hẳn thói quen cho sách hoặc xin sách cũ.

Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng với Bộ TT&TT vào sáng ngày 8/9/2018, ông Võ Văn Thưởng đã đưa ra vấn đề độc quyền SGK của NXB Giáo dục là một vấn đề đẻ ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Và nếu sắp tới khi thực hiện cổ phần hóa NXB Giáo dục mà tiếp tục giao hết việc in SGK cho công ty cổ phần này sẽ dẫn đến độc quyền doanh nghiệp, vi phạm các quy định về quản lý cạnh tranh, nên cần phải xem xét lại việc độc quyền in SGK.

Theo số liệu của Bộ TT-TT, hiện cả nước có 59 nhà xuất bản, doanh thu đạt khoảng 2.900 tỷ đồng mỗi năm. Thì riêng NXB Giáo dục có doanh thu trên 1.100 tỷ đồng mỗi năm, nghĩa là chiếm tới gần 1 nửa doanh thu của toàn ngành. Cơ chế độc quyền xuất bản SGK vẽ nên bức tranh méo mó về thị phần ngành xuất bản.

Đau đau vấn đề chất lượng giáo dục hiện nay, thầy Nguyễn Trà, thầy giáo già năm nay đã 85 tuổi sáng lập lớp học Hướng Thiện dạy miễn phí cho học trò nghèo khẳng định, muốn nâng cao chất lượng giáo dục, việc quan trọng nhất là ổn định sách giáo khoa. Ông khẳng định, trong suốt thời gian ông đi học hay dạy học sau đó, việc có bộ giáo dục chuẩn kiến thức và ổn định góp phần trang bị kiến thức nền tảng cho học sinh. Việc học tập tốt không chỉ phụ thuộc vào SGK mà cần những người thầy tâm huyết truyền tải kiến thức.

Cùng ý kiến của thầy Trà, nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, trước đây khi đất nước còn khó khăn, học sinh được căn dặn giữ gìn sách cẩn thận. Học sinh được giáo dục rằng phải giữ sách vở cho ngay thẳng, nề nếp, không được làm bẩn. Học sinh không ghi lên sách, nếu cần thì ghi bằng bút chì để khóa sau còn sử dụng sách. Sách được dùng đi dùng lại, rất nhiều thế hệ học sinh cùng học chung một bộ sách.

Trao đổi với phóng viên, thầy Bùi Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình) cho rằng, chính thầy cô có trách nhiệm tạo cho học sinh ý thức giữ gìn, tiết kiệm, việc dùng lại SGK là điều bình thường. Nhất là trong điều kiện hiện tại, các loại SGK được in ấn chất liệu giấy dày, dai, tốt để không dễ rách.

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa” sẽ được áp dụng. Cụ thể, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng tuần tự trong từng cấp học, từ năm học 2019-2020 đối với lớp 1, các năm học sau lần lượt đối với lớp 6 và lớp 10. Như vậy, chỉ còn một năm nữa, các em học sinh lớp 1 sẽ học SGK mới.

Theo kế hoạch, tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là SGK đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định. Căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ phê duyệt danh mục SGK (theo Chương trình giáo dục phổ thông mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn SGK phù hợp. Đây có thể coi là cơ sở để phá thế độc quyền SGK của một nhà xuất bản nhưng hoàn toàn chưa phải là căn cứ đảm bảo chấm dứt hoàn toàn tình trạng lãng phí SGK như hiện nay.
 

Lê Sơn/Báo Tin tức
Thị trường sách giáo khoa mới- tránh tình trạng lợi ích nhóm
Thị trường sách giáo khoa mới- tránh tình trạng lợi ích nhóm

Nếu không tách rời các khâu của quá trình làm SGK thì chắc chắn thị trường SGK mới sẽ hỗn loạn và khó tránh khỏi lợi ích nhóm. Việc chỉ có 1 sách giáo khoa nhưng lại có hàng chục, thậm chí là hàng trăm cuốn tài liệu tham khảo đi kèm như hiện nay là 1 vấn nạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN