Một cách học sử độc đáo

Mỗi sáng chủ nhật, các em học sinh tiểu học lại háo hức với trải nghiệm tập làm nhà khảo cổ học; thông qua chương trình “Em làm nhà khảo cổ”, do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức.

Chương trình diễn ra tại “Góc khám phá” của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (18 Hoàng Diệu), mỗi buổi có khoảng 10-15 em học sinh tiểu học tham gia thăm quan thực địa các di tích khảo cổ. Vừa thăm quan, các em vừa được nghe cán bộ trung tâm thuyết minh về di sản và tìm hiểu sơ lược lịch sử qua các thời kỳ. Kết hợp với việc thăm quan, các em sẽ được chơi các trò chơi vận động như “Truy tìm kho báu” được ẩn giấu trong các di tích khảo cổ.

Học sinh lớp 5B trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương tại "Góc khám phá".

Ngoài ra mỗi em còn có cơ hội được học tập và thực hành một số kỹ năng khai quật khảo cổ, như khai quật và lắp ghép hiện vật từ hố khai quật giả định, làm sạch mặt bằng di tích, di vật; trò chơi xếp hình một số hiện vật với mô típ hoa văn tiêu biểu (Cột cờ, Thềm rồng điện Kính Thiên, Bát gốm hoa lam vẽ rồng…). Đặc biệt, học sinh còn có cơ hội tham gia vào các công đoạn dập mô típ hoa văn đặc trưng tại khu di sản và chụp ảnh mô hình di tích khảo cổ…

Chăm chú quan sát hiện vật cổ.


Hào hứng và ngạc nhiên.

Bên cạnh đó, chương trình còn là cơ hội để các em học sinh rèn luyện những đức tính quý báu của nhà khảo cổ học như sự say mê, sáng tạo, kiên trì, tỉ mỉ…vốn rất cần thiết trong quá trình học tập.

Giếng thời Trần là một địa chỉ chứa “kho báu” từ quá khứ.

Cô Trần Thị Sơn Ca (Hiệu phó trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương – Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Việc dạy và học môn lịch sử ở trường đôi khi còn hạn chế vì các em chỉ nghe là chính và tiếp thu một cách thụ động. Còn tham gia chương trình này, các em được chủ động, vừa học vừa chơi, được trải nghiệm thực tế, như vậy dễ dàng tạo ra hứng thú học tập, cũng như phát huy sự sáng tạo của học sinh, từ đó kiến thức lịch sử được các e4m ghi nhớ và khắc sâu hơn. Mô hình này nên được mở rộng và phát triển”.

Nhiều hoạt động học tập và thực hành tại "Góc khám phá".

Từ cách mở hố khai quật…

…đến tỉ mỉ trong công đoạn làm sạch mặt bằng hiện vật.

…nghiên cứu kỹ lưỡng để vẽ lại chính xác hiện vật.

Kết thúc buổi thăm quan, em Vân Hà (lớp 5B-trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương) cho biết: “Em rất thích chương trình này. Qua chương trình, em học hỏi được thêm nhiều kiến thức lịch sử như các vị vua đứng đầu các triều đại, được xem giếng nước thời Trần, thời Lê và các cung điện ngày xưa. Em còn được tự tay khai quật và làm sạch cổ vật. Em rất muốn được tham gia nhiều chương trình bổ ích như thế này nữa”.

Niềm vui được công nhận là “nhà khảo cổ nhí".

Thông qua chương trình giáo dục di sản này, các nhà quản lý khu di tích mong muốn nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về công tác bảo tồn và giữ gìn những di sản văn hóa của cha ông để lại, qua đó khuyến khích việc tăng cường tìm hiểu các giá trị nổi bật của di sản. Đây cũng là thử nghiệm bước đầu, nhằm tạo ra các hoạt động giáo dục - giải trí dành cho đối tượng công chúng trẻ, đồng thời hướng đến việc nâng cao chất lượng tham quan của công chúng tại khu Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Bài, ảnh: Thu Ninh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN