Hội thảo được tổ chức nhằm hướng đến nâng cao nhận thức về dạy học phát triển năng lực, đánh giá thực trạng và từ đó xác định các giải pháp phù hợp nhằm áp dụng thành công dạy học phát triển năng lực người học. Đồng thời, định hướng kinh nghiệm và giải pháp xây dựng, phát triển các ngành sư phạm, cụ thể là phương pháp xây dựng chuẩn đầu ra và phương pháp đánh giá sinh viên đạt chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo ngành sư phạm.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Hiền, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn nhấn mạnh, đổi mới giáo dục là nhu cầu tất yếu, nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của chất lượng giáo dục đào tạo, thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của xã hội. Dạy học phát triển năng lực người học đang là chủ đề rất sôi động ở giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, vì vậy nhà trường kỳ vọng sẽ thu được những kết quả có giá trị khoa học và thực tiễn thông qua hội thảo lần này.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều báo cáo tham luận liên quan đến chủ đề chính là phát triển chương trình đào tạo các ngành sư phạm và dạy học phát triển năng lực. Đáng chú ý là báo cáo tham luận “Xây dựng chuẩn đầu ra và phát triển chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra” của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Sơn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; báo cáo tham luận “Dạy học phát triển năng lực tại trường Đại học Quy Nhơn” của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phi Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục; báo cáo tham luận “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng thực hành nghề nghiệp cho sinh viên các ngành sư phạm trường Đại học Quy Nhơn” của Tiến sỹ Võ Duy Đức, Phó trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Quy Nhơn…
Các đại biểu đã thẳng thắn thảo luận, trao đổi, đưa ra góc nhìn, đóng góp ý kiến tại hội thảo. Theo Tiến sỹ Trần Bá Trình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nghiệp vụ sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đào tạo nghiệp vụ sư phạm cần theo phương thức “Làm để học và học để làm”, tức là dựa trên cơ sở tích hợp nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu khoa học giáo dục, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và nghiên cứu khoa học cơ bản chuyên ngành. Bên cạnh đó, để chương trình đào tạo giáo viên thực sự đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới, cần tăng cường kết nối sư phạm - phổ thông mang tính chiến lược, có tính hệ thống, có lợi cho cả hai.
Một mặt, trường phổ thông cử đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm tham gia rèn luyện nghiệp vụ sư phạm tại trường sư phạm và hướng dẫn thực hành, kiến tập, thực tập sư phạm tại trường phổ thông. Mặt khác, trường sư phạm giúp trường phổ thông bồi dưỡng giáo viên theo các chuẩn nghề nghiệp định kỳ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên tham gia đào tạo sinh viên sư phạm; xây dựng chương trình nhà trường, đổi mới phương pháp giảng dạy. Trường sư phạm tổ chức hoạt động thực nghiệm sáng tạo cho học sinh trường phổ thông hoặc tại trường sư phạm (một giảng viên cùng nhiều sinh viên tổ chức); hướng dẫn giáo viên tổ chức cho học sinh nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, bồi dưỡng học sinh giỏi môn học…