TTXVN giới thiệu hai bài viết phản ánh nhu cầu ngày càng tăng của giáo dục nghề nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và sự "chuyển mình" của các trường nghề để đáp ứng nhu cầu thực tế, đăng phát ngày 22/9.
Bài 1: Hiệu quả từ công tác hướng nghiệp
Với những ưu điểm như được miễn học phí, có thể học song song văn hóa và nghề để sớm gia nhập thị trường lao động hoặc liên thông lên các bậc học cao hơn, học nghề ngày càng được nhiều học sinh lựa chọn để tiếp tục con đường học vấn của mình sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.
Chủ động chọn ngành nghề phù hợp
Dù trúng tuyển vào một trường trong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2020-2021, nhưng em Dương Thị Khánh Ly (quận Bình Tân) lại quyết định không theo học như bao bạn bè khác mà chọn theo ngành Quản trị Doanh nghiệp, Trường Cao đẳng quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Khánh Ly, em có mong muốn sớm đi làm, vì vậy học nghề là hướng đi giúp em rút ngắn thời gian đi học, sớm có việc làm hơn. Ủng hộ quyết định này, gia đình đã đồng hành, giúp em chọn ngành học phù hợp với sở thích của bản thân cũng như nhu cầu của xã hội.
"Chương trình học nhẹ do chỉ học 7 môn văn hóa giúp em có nhiều điều kiện học tập, trải nghiệm nghề nghiệp trong quá trình học. Sau 3 năm học ở trường, em vừa có kiến thức văn hóa vừa có kiến thức chuyên môn để đi làm. Em được biết rất nhiều anh, chị học nghề ra trường rất thành công và có thu nhập tốt chứ không chỉ học đại học mới phát triển được”, Khánh Ly chia sẻ.
Sớm xác định được hướng đi của mình trong tương lai sẽ hướng về nghệ thuật, em Nguyễn Huỳnh Mai (Quận 10) không đăng ký thi vào lớp 10 công lập mà chọn theo học ngành Dịch vụ giải trí và tổ chức sự kiện, Trường Trung cấp Việt Giao, bởi ngành này có liên quan đến nghệ thuật.
Em Huỳnh Mai tâm sự: Mỗi người có quyền chọn hướng đi riêng cho mình và đây là hướng đi phù hợp với em. Mơ ước và mục tiêu của em là trở thành một diễn viên “đa năng”, đa tài. Vì vậy, em chọn học nghề là bởi ở đây em vừa được học văn hóa vừa có thêm kiến thức cũng như trải nghiệm thực tế về nghề nghiệp. Học xong bậc trung cấp, em sẽ tiếp tục liên thông lên cao đẳng, sau đó vào đại học.
Vì nhiều lý do, cách đây 7 năm sau khi học xong lớp 9, em Hứa Bảo Nhi (Quận 10) không tiếp tục học trung học phổ thông mà chọn đi làm. Trải qua nhiều công việc, Bảo Nhi lại quyết định trở lại học nghề. Ngành Hướng dẫn viên du lịch - Trường Trung cấp Việt Giao được em lựa chọn để theo học, nâng cao kiến thức chuyên môn cho mình. Theo Bảo Nhi, chương trình ở trường nghề nhẹ nhàng hơn, giúp em có thời gian vừa học vừa tiếp tục công việc hiện tại tư vấn bán hàng online của mình để tự trang trải chi phí học tập, cuộc sống.
Để thành công, cùng với học chuyên môn, Bảo Nhi cũng chủ động trau dồi thêm nhiều kỹ năng mềm và tiếng Anh bởi đây là những yêu cầu cần thiết khi tham gia vào thị trường lao động, nhất là thời kỳ hội nhập. Sau nhiều năm đi làm, Nhi nhận ra rằng trở thành một hướng dẫn viên du lịch là ước mơ của em. Vì thế, sau khi hoàn thành bậc trung cấp, Nhi dự định dành thêm 1,5 năm nữa để học liên thông lên bậc cao đẳng, “vững” kiến thức chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc trong tương lai.
Chú trọng công tác hướng nghiệp
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhiều năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh duy trì tỷ lệ tuyển sinh 70% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào lớp 10 công lập. Năm học 2019-2020, toàn thành phố có 104.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, nhưng chỉ có 82.000 học sinh đăng ký thi vào lớp 10 công lập. Như vậy, hơn 20.000 học sinh đã tự xác định được hướng đi của mình ngoài việc học trung học phổ thông công lập. Bên cạnh đó, với chỉ tiêu tuyển sinh hơn 66.500 học sinh, có thêm 15.500 học sinh “rớt” lớp 10 công lập năm học này.
Cùng với các loại hình như học ngoài công lập, giáo dục thường xuyên, học nghề cũng là hướng đi được nhiều học sinh lựa chọn. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, nhiều trường trung học cơ sở đã chú trọng công tác hướng nghiệp cho học sinh bằng nhiều hình thức.
Thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh) cho biết, cùng với chương trình chính thức dạy hướng nghiệp theo quy định chung, mỗi năm học, trường luôn tổ chức cho học sinh tham quan ở các trường nghề. Ngoài ra, trường kết nối với một số trường nghề trên địa bàn về tư vấn cho học sinh và cả phụ huynh học sinh. Từ những hoạt động đó, các em học sinh có thêm góc nhìn về nghề nghiệp, sớm xác định hướng đi của mình và ngày càng nhiều em chủ động chọn học nghề ngay sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Cụ thể, năm học 2018-2019, nhà trường có 23/155 học sinh học lớp 9 (14,8%) chuyển hướng theo trung cấp nghề; đến năm học 2019-2020, có 29/157 học sinh (18,5%) học xong lớp 9 chuyển hướng theo trung cấp nghề.
Công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh tại Trường Trung học cơ sở Minh Đức (Quận 1) nhiều năm qua luôn được chú trọng với nhiều hoạt động tư vấn cho học sinh về ngành nghề, cơ hội việc làm sau khi học nghề đó. Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học vừa qua có khoảng 10% học sinh khối 9 của trường lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp. Không còn giới hạn ở những học sinh có học lực trung bình, yếu, mà nhiều học sinh khá, giỏi đã quyết định chọn nghề để rút ngắn thời gian đào tạo.
Tại Trường Trung học cơ sở Lạc Hồng (Quận 10), nhà trường thực hiện tư vấn hướng nghiệp dựa vào kết quả học tập cũng như mục tiêu phát triển nghề nghiệp trong tương lai của học sinh. Thầy Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, chọn hướng đi phù hợp với năng lực là nền tảng để học sinh phát huy thế mạnh của mình cho nghề nghiệp tương lai. Để giúp các em hiểu về công việc thực tế của các ngành nghề, bên cạnh việc mời các trường nghề tư vấn, nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham quan tại các trường nghề. Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Thành Phát, khó nhất trong công tác hướng nghiệp vẫn là “rào cản” từ phía phụ huynh. Do đó, trong mỗi chương trình tư vấn, tham quan trường nghề, nhà trường đều mời phụ huynh tham gia để các bậc phụ huynh hiểu và đồng hành cùng con em mình trong việc chọn nghề.
Nhiều năm trực tiếp tham gia tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, ông Trần Phương - Hiệu trưởng trường Trung cấp Việt Giao cũng cho rằng, ngoài hướng nghiệp cho học sinh, cần phải tư vấn cho cả phụ huynh, bởi phần lớn các em lựa chọn nghề nghiệp là do định hướng của cha mẹ. Phân luồng giáo dục sau trung học cơ sở là tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh phù hợp năng lực của cá nhân và đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Phân luồng giáo dục sau trung học cơ sở còn đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực.
Bài cuối: Đa dạng chương trình đào tạo