Đây là kết quả quá trình chuyển biến nhận thức của học sinh và phụ huynh. Thực tế sau phân luồng vẫn còn một số bất cập, đặc biệt không ít học sinh vùng khó khăn đi làm ngay khi hết lớp 9 mà không qua học nghề.
Lựa chọn học nghề sau Trung học Cơ sở
Nguyễn Việt Trung là học sinh duy nhất của lớp 9A, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Văn Trỗi, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An chọn học nghề mà không thi lên Trung học Phổ thông. Nói về lý do, Trung cho biết lực học của em ở mức trung bình, khó cạnh tranh giành suất học tại trường Trung học Phổ thông công lập. Được thầy cô định hướng, em quyết định chọn học nghề tại trường Trung cấp nghề trong huyện. “Em sẽ vừa học nghề, vừa được học tiếp chương trình Trung học Phổ thông, sau khi tốt nghiệp có thể đi làm luôn. Em thấy phù hợp với năng lực và hoàn cảnh gia đình mình, bố mẹ em cũng ủng hộ”, Trung nói.
Thầy Trần Hoàng Thượng, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Văn Trỗi cho biết: Thực tế hầu hết học sinh, phụ huynh có nguyện vọng cho con học hết Trung học Phổ thông. Tuy nhiên, các trường Trung học Phổ thông Đô Lương 1 và 3 gần đây có tỷ lệ đăng ký thi vào cao, học sinh trúng tuyển chỉ từ 70 - 80%. Vì vậy, nhà trường định hướng cho học sinh nếu không vào được trường công lập, có thể học tiếp lên Trung học Phổ thông ở trường ngoài công lập, hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên hay học nghề. Tại địa phương, nhiều khu công nghiệp, xí nghiệp hàng năm đều tuyển lao động sẽ là cơ hội cho các em sau khi học nghề có việc làm ngay tại địa phương.
Trường Trung học Cơ sở Vĩnh Thành là trường có chất lượng dạy học nằm trong tốp đầu của huyện Yên Thành, Nghệ An. Tuy nhiên, bên cạnh việc chú trọng dạy học, nhà trường tăng cường công tác phân luồng, hướng nghiệp do đặc thù học sinh ở vùng thuần nông, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Theo thầy Trần Vĩnh Tường, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Vĩnh Thành, điều quan trọng nhất cần thay đổi chính là nhận thức về hướng nghiệp cho học sinh sau lớp 9. Học nghề không có nghĩa là các em không có cơ hội phấn đấu. Đây là con đường giúp các em có thể phát triển bản thân ở lĩnh vực nghề nghiệp, sớm đi làm và có thu nhập. Bên cạnh đó, xu hướng xuất khẩu lao động trên địa bàn ngày càng cao. Trước khi ra nước ngoài lao động, các em nên học và có chuyên môn về một nghề nghiệp nhất định.
Tại Trường Trung học Cơ sở Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, năm học này có hơn 100 học sinh lớp 9, nhưng qua khảo sát có đến 50% không đăng ký tuyển sinh vào lớp 10. Thầy Trần Đức Dương, Phó hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Học sinh của trường đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Việc học hết Trung học Cơ sở đã là nỗ lực lớn đối với các em, do vậy sau đó các em không học lên Trung học Phổ thông nữa. Nắm bắt tâm lý đó, nhà trường định hướng các em học nghề tại các trường trong tỉnh, các em sẽ được hỗ trợ chính sách miễn học phí và được giới thiệu việc làm ngay sau khi tốt nghiệp”.
Phân luồng phù hợp, đúng đối tượng
Sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch “Phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề học sinh sau Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020", chủ trương phân luồng tại các trường được triển khai mạnh mẽ. Mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 20 – 25% học sinh lớp 9 được phân luồng và nhiều em đã chuyển sang học nghề ở các trường Trung cấp. Số còn lại, vừa học văn hóa, vừa học nghề tại các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc theo học ở các trường ngoài công lập. Ngoài ra, ở nhiều huyện miền núi cao, có khá nhiều học sinh bỏ học sau khi kết thúc lớp 9 và số này chủ yếu là đi làm ăn xa.
Có thể nói, việc học nghề sớm đem lại thuận lợi trong việc nâng cao kỹ năng tay nghề, có việc làm, có thu nhập.Tuy nhiên, quá trình triển khai tại Nghệ An cho thấy một số bất cập. Đơn cử, học sinh lớp 9, sau hai năm học nghề sẽ có bằng Trung cấp và hoàn toàn đủ điều kiện lao động. Tuy nhiên, lúc này, các em chỉ mới 17 tuổi, nếu xét theo độ tuổi lao động lại chưa phù hợp. Ông Trần Đình Trung, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Nghệ An cho biết: “Do nhiều học sinh tốt nghiệp khi chưa đủ 18 tuổi, nhiều khu công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài từ chối tuyển dụng. Chúng tôi đã kiến nghị vấn đề này nhiều lần tại nhiều hội nghị nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ...”.
Trong khi đó, ông Phan Văn Thiết,Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết, chưa năm nào số lượng học sinh lớp 9 đăng ký vào lớp 10 của huyện đạt chỉ tiêu, nhiều em không vào Trung học Phổ thông cũng không đi học nghề. Qua tìm hiểu, học sinh ở các huyện miền núi không thích học nghề bởi tâm lý, tập quán sống dựa vào tự nhiên, thích đi làm kiếm tiền ngay. “Điều này rất đáng lo bởi lúc này sức khỏe, tâm lý các em chưa phát triển toàn diện. Trong khi đó, lao động phổ thông lương thấp và khó có khả năng phát triển nếu không học nghề bài bản. Vì vậy, công tác tuyên truyền phải triển khai sớm để định hướng các em học nghề, để đi làm nuôi sống bản thân, gia đình từ nghề của mình”, ông Phan Văn Thiết nhấn mạnh.
Một bất cập khác là hiện một số trường Trung học Cơ sở vì chỉ tiêu phân luồng và xếp hạng thành tích nên đã hướng học sinh học lực trung bình, yếu vào phân luồng, học nghề. Điều đó, vừa tạo cho học sinh sự mặc cảm vừa gây cho các em những áp lực khi học nghề.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho rằng: Chủ trương phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở là đúng đắn, nhằm hướng các nhóm đối tượng học sinh có lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện bản thân. Những em có nhu cầu học nghề sẽ được đào tạo sớm, đáp ứng được yêu cầu lao động ngày càng cao của xã hội. Tuy nhiên, việc phân luồng phải thực chất, thận trọng, trên cơ sở tôn trọng nguyện vọng chính đáng của học sinh, phụ huynh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nhấn mạnh: Phân luồng không đúng đối tượng sẽ xảy ra tình trạng “chín ép” và lực lượng lao động được đào tạo sẽ không chất lượng, không đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật, năng lực, trình độ theo yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Nếu phát hiện trường nào không cho học sinh lớp 9 thi tuyển vào Trung học Phổ thông mà để phân luồng, Hiệu trưởng của trường đó sẽ bị kỷ luật. Ngành quán triệt các trường học thực hiện phân luồng phải thực chất, đúng mục tiêu đã đề ra.