Việc đảm bảo chỗ học cho trẻ ở các độ tuổi là một áp lực không nhỏ đối với thành phố. Cùng với đầu tư nguồn lực từ ngân sách, thành phố thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non. Qua đó, số lượng và chất lượng trường, lớp mầm non ngoài công lập ngày càng tăng, góp phần giải quyết nhu cầu gửi trẻ cho người dân trên địa bàn.
Bài 1: Phát triển mạng lưới trường, lớp
Cùng với nguồn lực đầu tư từ ngân sách, trong những năm qua, thành phố luôn quan tâm huy động các nguồn lực khác và thực hiện tốt công tác xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, góp phần phát triển nhanh mạng lưới trường lớp, đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục mầm non, nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ.
Phấn đấu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, Thành phố Hồ Chí Minh luôn ưu tiên bố trí vốn ngân sách thành phố đầu tư phát triển trường lớp, thực hiện công tác đổi mới giáo dục. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, thành phố đã bố trí hơn 17.000 tỷ đồng đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Theo đó, mỗi năm thành phố hoàn thành và đưa vào sử dụng khoảng 1.500 phòng học mới, trong đó bậc mầm non là khoảng 300 phòng để đáp ứng nhu cầu chỗ học cho trẻ trên địa bàn.
Tuy nhiên, dù trường, lớp tăng nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, hệ thống trường lớp ngoài công lập trên địa bàn thành phố thời gian qua phát triển nhanh, đáp ứng yêu cầu về chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Trong tổng số 1.346 trường mầm non đang hoạt động, thành phố có gần 880 trường ngoài công lập, tăng hơn 500 trường so với khoảng 10 năm trước.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, qua các giải pháp được thực hiện đồng bộ, thành phố tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Trong đó, tỷ lệ huy động trẻ ở độ tuổi nhà trẻ là 31%, độ tuổi mẫu giáo đạt 86%, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 99,6%. Trên cơ sở kết quả đạt được, thành phố hoàn toàn có thể phấn đấu thực hiện được mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi. Cùng với đó, thành phố tiếp tục thực hiện đại trà giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại các trường mầm non ở khu vực khu chế xuất, khu công nghiệp.
Không chỉ đảm bảo chỗ học, hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở bậc mầm non cũng được đổi mới giúp trẻ phát triển tư duy, sáng tạo… Trong đó, việc ứng dụng phương pháp giáo dục STEM vào tổ chức hoạt động cho trẻ được nhiều trường triển khai hiệu quả. Các cơ sở giáo dục mầm non đã huy động nguồn lực xã hội để xây dựng các phòng chức năng như phòng công nghệ Robot, phòng khoa học ứng dụng, khu chơi kỹ thuật… nhằm tạo môi trường hoạt động kích thích trẻ tích cực thực hành, trải nghiệm; cho trẻ làm quen với ngoại ngữ...
Đến nay, toàn thành phố có 181 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, 16 trường thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế...
Tuy vậy, theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, dù phòng học mới được đưa vào sử dụng hàng năm, nhưng với tốc độ gia tăng trẻ mầm non cao nên áp lực trường, lớp vẫn lớn. Điều này dẫn tới sĩ số học sinh/lớp còn đông, khó khăn trong việc đảm bảo diện tích bình quân tối thiểu.
Ngoài công lập "gánh" hơn nửa số trẻ
Cùng với các trường mầm non công lập, hệ thống trường, lớp mầm non ngoài công lập đã góp phần rất lớn trong giải quyết nhu cầu về chỗ học cho trẻ tại thành phố. Thực tế, tại nhiều quận, huyện, số trẻ học tại các trường mầm non ngoài công lập chiếm hơn nửa số trẻ trên địa bàn.
Bà Lê Thị Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nhà Bè cho biết, cùng với sự phát triển của thành phố, huyện Nhà Bè có nền kinh tế phát triển khá nhanh và mạnh, thu hút một lượng khá lớn lao động đến làm việc. Cũng như các bậc học khác, giáo dục mầm non của huyện cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc giải quyết đủ chỗ học cho trẻ.
Huyện hiện có hơn 90 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 13 trường công lập, 34 trường tư thục và 46 cơ sở quy mô nhóm, lớp. Tổng số trẻ đang theo học là gần 7.800 cháu. Hệ thống trường mầm non công lập, mầm non ngoài công lập đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu gửi trẻ trên địa bàn. Trong đó, giáo dục mầm non ngoài công lập đóng vai trò quan trọng, đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc cha mẹ và nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non trên địa bàn.
Còn tại Quận 9, bà Phan Thị Kim Duyên, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện quận có hơn 60 trường mầm non, trong đó 20 trường công lập và 46 trường ngoài công lập, cùng với đó là hệ thống 113 nhóm, lớp đang hoạt động đã đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của người dân trên địa bàn. Thời gian qua, hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập hoạt động khá tốt, góp phần đáp ứng nhu cầu gửi trẻ cho người dân trên địa bàn. Trong tổng số hơn 17.000 trẻ trên địa bàn quận, số trẻ học tại các cơ sở mầm non ngoài công lập chiếm khoảng 60%.
Quận 12 hiện có 337 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 22 trường mầm non công lập, 50 trường mầm non ngoài công lập và 265 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Trong đó, số trẻ đang học tại các trường mầm non công lập là gần 7.000 trẻ; gần 9.000 trẻ học tại các trường mầm non ngoài công lập; hơn 10.400 trẻ đang học tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 12 cho rằng, hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn quận đã chia sẻ rất lớn về chỗ học, giúp giảm áp lực sĩ số học sinh trên lớp cho các trường; đồng thời giúp cho tỷ lệ huy động trẻ đến trường, lớp trên địa bàn quận luôn ở mức cao.
Tương tự, tại Quận Thủ Đức, nơi tập trung lực lượng lao động lớn về sinh sống và làm việc do có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi mầm non không ngừng tăng lên, tạo áp lực lớn về trường, lớp cho bậc học này. Hiện quận có 210 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 25 trường công lập, 106 trường ngoài công lập và 79 nhóm, lớp với tổng số hơn 27.000 trẻ đang theo học. Thực tế, số trường công lập hiện nay chỉ đáp ứng chỗ học cho 40% tổng số trẻ trên địa bàn, 60% còn lại theo học tại các trường ngoài công lập.
Bài cuối: Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non