Nguy cơ thiếu hụt giáo viên mầm non ngày càng trầm trọng

Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được Chính phủ phê duyệt năm 2010 đã tạo ra được những tiền đề căn bản nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mầm non nói riêng và chất lượng nguồn nhân lực nói chung. Tuy nhiên, giáo dục mầm non vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa, nguy cơ thiếu hụt giáo viên mầm non ngày càng trầm trọng.

Đó là thông tin tại Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, sơ kết 2 năm thực hiện đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27/10.

Chú thích ảnh
Giáo dục mầm non vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa, nguy cơ thiếu hụt giáo viên mầm non ngày càng trầm trọng. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN

Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non - Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Bá Minh cho biết, việc đảm bảo số lượng đội ngũ giáo viên vào năm 2025 theo quy định cũng là một bài toán khó cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương. Trung bình, toàn quốc tăng 250.000 trẻ/năm, dẫn tới áp lực rất lớn về trường lớp và đội ngũ giáo viên. Tại các thành phố lớn, xuất hiện tình trạng giáo viên mầm non bỏ nghề. Nhiều vùng ven thành phố có sự di chuyển cơ học của giáo viên do có sự hấp dẫn khác nhau của đặc trưng địa lý và văn hóa xã hội. Các vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên, khu vực phía Bắc và cả Đồng bằng sông Cửu Long, đội ngũ cán bộ quản lý quan ngại về sự thiếu hụt đội ngũ sẽ ngày càng trầm trọng hơn do tính chất nghề nghiệp phức tạo và các điều kiện lương, thưởng không hấp dẫn.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, bình quân toàn quốc mới đạt 1,82 giáo viên/lớp, còn thiếu trên 45.000 giáo viên theo định mức. Giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên theo Luật Giáo dục 2019 mới đạt 73,7%. Về chuẩn nghề nghiệp từ mức khá trở lên đạt 86,6%. Tuy nhiên, chỉ có 8/63 tỉnh thành đạt bình quân từ 2 giáo viên/lớp trở lên. Ngoài nguy cơ thiếu hụt giáo viên mầm non, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, việc thực hiện chỉ tiêu phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập đến năm 2020 chiếm từ 25% trở lên trong tổng số các cơ sở giáo dục mầm non là rất khó khăn đối với một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Hầu hết các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn khó khăn về quỹ đất để phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập. Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại các khu công nghiệp, các nhà đầu tư hầu như không được hưởng lợi các chính sách ưu đãi về thuế và tiền thuê đất vì một số thành phố lớn không thuộc diện địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Các nhà đầu tư gặp khó khăn trong tìm hiểu môi trường pháp luật, thuế và khó tìm địa bàn thích hợp để đầu tư, nhất là quỹ đất sạch để thuê, xây dựng trường lớp. Để thực hiện mục tiêu này, các địa phương cần nghiên cứu giải pháp, có cơ chế đủ mạnh và tạo hành lang pháp lý thông thoáng nhằm hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non khu vực ngoài công lập.

Tại Hội nghị, Tiến sĩ Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ tháo gỡ những bất cập địa phương đang gặp phải, nhất là những nghị định trong luật chưa cụ thể hóa.

Thời gian tới, ngành tiếp tục củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đồng thời phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi, hướng đến năm 2030 phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi và rút ngắn khoảng cách vùng miền, thực hiện công bằng trong giáo dục. Giáo dục mầm non cũng hướng đến tạo chuyển biến căn bản về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1.

Để thực hiện hiệu quả các phương hướng, các ý kiến cho rằng các địa phương tiếp tục phát triển quy mô mạng lưới, cơ sở vật chất trường lớp; phát triển đội ngũ; đổi mới nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non; tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực xã hội hóa phát triển giáo dục mầm non.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề xuất Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi và Đề án phát triển giáo dục mầm non khu vực khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số nhằm giảm thiểu khoảng cách vùng miền, đảm bảo công bằng giáo dục; đề xuất Chính phủ tiếp tục quan tâm, bổ sung ngân sách cho lĩnh vực giáo dục, đảm bảo ưu tiên phân bổ đủ 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có cơ chế chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non; chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non trẻ 4 tuổi khi Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt. Bên cạnh đó, tăng cường phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập; có lộ trình giải quyết từng bước và chấm dứt tình trạng thiếu giáo viên…

H.Chung (TTXVN)
Từng bước 'gỡ khó' việc thiếu giáo viên ở vùng cao Lào Cai
Từng bước 'gỡ khó' việc thiếu giáo viên ở vùng cao Lào Cai

Năm học mới 2020-2021 đã bắt đầu, nhưng tại nhiều địa phương của Lào Cai, việc thiếu giáo viên ở các cấp học đã tác động không nhỏ đến công tác dạy và học. Thực trạng này đòi hỏi các đơn vị trường học linh hoạt đưa ra những giải pháp khắc phục, giúp chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN