Tuy nhiên, việc phát triển các loại hình trường, lớp mầm non ngoài công lập vẫn còn những khó khăn nhất định, đòi hỏi sự phối hợp giữa các cấp quản lý.
Khó khăn trong quản lý
Trong điều kiện trường công lập quá tải, ở nhiều quận, huyện, giáo dục mầm non ngoài công lập đã giải quyết chỗ học cho hơn nửa số trẻ trên địa bàn. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là loại hình nhóm, lớp cũng khiến công tác quản lý nhà nước gặp khó khăn.
Bà Phan Thị Kim Duyên, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 9 cho biết, đáp ứng nhu cầu thực tế, trên địa bàn quận hiện có khá nhiều nhóm, lớp được thành lập và hoạt động nhằm giải quyết nhu cầu gửi trẻ đa dạng của phụ huynh. Nhưng đồng thời, đây cũng là khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động của các cơ sở này. Lực lượng quản lý trực tiếp của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận hiện nay khá mỏng nên không thể sâu sát thực tế.
Trên thực tế, thời gian qua tại địa bàn quận có tình trạng một số nhóm, lớp hoạt động không phép. Nguyên nhân là do chủ đầu tư đã nhận giữ trẻ ngay trong thời gian chờ cấp phép thành lập và hoạt động. Khi phát hiện các trường hợp này, ở góc độ chuyên môn, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận chấn chỉnh và yêu cầu nhóm, lớp ngừng nhận trẻ; đồng thời phối hợp với các phường hỗ trợ kịp thời nhu cầu của các chủ đầu tư, tuyên truyền để họ nắm rõ và thực hiện đúng các quy định pháp luật liên quan. Do đó, tình trạng này cũng được khắc phục.
Mặt khác, giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập liên tục biến động, gây khó khăn cho hoạt động của các cơ sở, nhất là trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ. Cùng với phối hợp với các phường trong công tác quản lý hoạt động, Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 9 đã thành lập các cụm chuyên môn, gồm lãnh đạo các trường mầm non công lập để hỗ trợ các cơ sở mầm non ngoài công lập.
Theo đó, các cụm chuyên môn tổ chức các chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, dự giờ ở các đơn vị ngoài công lập, nhất là các nhóm, lớp để hỗ trợ những mặt còn thiếu hụt của đội ngũ trong công tác nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, các cụm chuyên môn cũng không thể hoạt động thường xuyên, nên việc hỗ trợ cũng còn có những hạn chế.
Tình trạng biến động về đội ngũ ở các cơ sở mầm non ngoài công lập cũng diễn ra ở nhiều quận, huyện khác. Quận Thủ Đức hiện có khá nhiều nhóm, lớp được hỗ trợ từ Đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố (Đề án 404).
Bà Đỗ Thị Yến, đại diện Ban Chỉ đạo Đề án 404 quận Thủ Đức cho biết, số lượng giáo viên, bảo mẫu tại các nhóm trẻ thường xuyên biến động, ảnh hưởng đến việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức, nên việc chăm sóc, giảng dạy trẻ còn hạn chế. Người nuôi giữ trẻ ở gia đình thường lớn tuổi, không thể tham gia các lớp tập huấn, khó khăn cho công tác quản lý.
Ngoài ra, theo bà Lê Thị Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nhà Bè, hiện chưa có chính sách thuế ưu đãi riêng cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Đa số các cơ sở phải thuê mặt bằng với giá khá cao, để duy trì hoạt động của cơ sở, mức học phí thu thỏa thuận với phụ huynh cũng cao nên chưa thể giải quyết được hết nhu cầu gửi trẻ của người dân.
Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo một số quận, huyện, hiện nay nhu cầu thành lập trường mầm non ngoài công lập là không ít, nhưng bị vướng quy định về đất đai, đất để xây dựng trường phải là đất có quy hoạch đất giáo dục. Do đó, một số nhóm, lớp muốn mở rộng quy mô lên trường hoặc chủ đầu tư mong muốn xây dựng trường cũng gặp khó khăn. Điều này khiến việc thu hút đầu tư xây dựng trường mầm non ngoài công lập ở nhiều địa phương còn hạn chế. Đây cũng là khó khăn chung của thành phố, đang chờ được tháo gỡ.
Thúc đẩy xã hội hóa
Với chủ trương thúc đẩy xã hội hóa giáo dục mầm non, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển mầm non ngoài công lập đã được thành phố triển khai hiệu quả. Bà Lê Thị Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nhà Bè chia sẻ, là địa bàn có khu công nghiệp đang hoạt động, tập trung lượng lớn công nhân lao động đến làm việc, kéo theo nhu cầu gửi trẻ tăng lên.
Do đó, huyện Nhà Bè khuyến khích, tạo điều kiện để các chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục thành lập và tổ chức hoạt động các trường, nhóm lớp ngoài công lập, thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục; thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất cho nhóm trẻ độc lập tư thục; thường xuyên bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên ngoài công lập.
Còn tại Quận 9, cùng với hỗ trợ phát triển mạng lưới trường, lớp, Quận tập trung nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ngoài công lập. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận hỗ trợ, vận động các trường ngoài công lập tham gia kiểm định chất lượng, xây dựng trường chuẩn. Đến nay, đã có 4 trường mầm non ngoài công lập đạt chuẩn kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Từ thực tế hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo một số quận, huyện kiến nghị các cấp, ngành liên quan cần nghiên cứu để áp dụng chính sách thuế ưu đãi riêng cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Cùng với đó, cần quy hoạch quỹ đất cho thuê lâu dài để thành lập trường mầm non với giá ưu đãi, nhất là tại các khu vực có khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân.
Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt ra nhiều mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục của bậc học này. Trong đó, thành phố tập trung phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non, bảo đảm đến năm 2025, huy động được ít nhất là 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường; tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 60% trở lên. Cùng với đó, có ít nhất 20% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; có ít nhất 40% số trường mầm non được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục; củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.