Ngành giáo dục Gia Lai triển khai dạy học 'Tuần 0'

Ngày 11/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành khung kế hoạch thời gian năm học mới 2021- 2022. Theo đó, học sinh toàn tỉnh sẽ bắt đầu năm học mới vào ngày 1/9; riêng học sinh lớp 1 vào ngày 23/8. Thời điểm này, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện để bắt đầu năm học mới.

Chú thích ảnh
Điểm trường Alao, trường Tiểu học Lơ Pang, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang (Gia Lai). Ảnh tư liệu: Hồng Điệp/TTXVN

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã có quyết định ngày bắt đầu năm học mới “không tập trung học sinh”. Các công việc như: Phân công giáo viên chủ nhiệm lớp, nhận học sinh, sắp xếp và làm quen với các em học sinh, nhất là lớp 1 đều được thực hiện bằng hình thức trực tuyến qua Zalo, Facebook… Mặc dù phương án này gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các điểm trường vùng sâu vùng xa, nhưng hiện nay các trường đã và đang “tự vượt khó”, sáng tạo nhiều cách làm để thực hiện có hiệu quả công tác dạy và học cho năm học mới 2021-2022.

Ngày bắt đầu năm học mới năm nay diễn ra khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có thành phố Pleiku. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được ngành Giáo dục thành phố hết sức coi trọng. Các phương án về công tác dạy học, nhận lớp, học sinh được các trường thực hiện rất nghiêm ngặt, đúng theo chỉ thị của tỉnh, bằng hình thức trao đổi qua zalo.

Cô Đồng Thị Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Hội Thương, thành phố Pleiku) cho biết: Theo phương án của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thời gian bắt đầu năm học mới thực hiện theo phương thức online trước. Nhà trường đã chỉ đạo cho các giáo viên thực hiện làm quen với học sinh qua hệ thống Internet hoặc các phương thức nào thuận lợi nhất. Dù có gặp nhiều khó khăn nhưng nhà trường cũng sẽ đảm bảo công tác học tập cho các em đạt hiệu quả tốt nhất.

Tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa, công tác dạy và học trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp thực sự gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều điểm trường có học sinh dân tộc thiểu số chiếm 80 - 90%, vấn đề dạy và học, nhận lớp, nhận học sinh của các thầy, cô giáo là một “bài toán khó”.

Cô Phan Thị Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cù Chính Lan, xã Ia Chía, huyện Ia Grai chia sẻ: Trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp, theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, ngày bắt đầu năm học mới không tập trung và thực hiện “Tuần 0”. Điểm trường chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì là điểm trường vùng sâu, vùng xa, gần 90% số học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống của phụ huynh rất khó khăn, việc học của các em cũng ảnh hưởng rất lớn, nếu học online thì rất khó. Trước mắt, chúng tôi đã phân công các thầy, cô giáo chủ nhiệm từng lớp ngoài việc thực hiện kết nối với các phụ huynh thông qua mạng Zalo, Facebook thì trực tiếp đến từng nhà học sinh để phát phiếu, phổ biến lịch học cho các em và phụ huynh.

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh Gia Lai có 714 trường mầm non, phổ thông công lập với 11.3 lớp, 392.025 học sinh. Tổng số viên chức từ bậc mầm non đến phổ thông trong biên chế là 19.040 người. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 48 trường dân lập, tư thục.

Để chuẩn bị cho năm học mới 2021- 2022, tỉnh Gia Lai đã bố trí tổng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất chuẩn bị cho năm học mới là hơn 403,2 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh xây mới 252 phòng học, 73 phòng chức năng, 18 phòng hiệu bộ và sửa chữa cho 170 trường; mua sắm 199 bộ thiết bị dạy học, 13.046 bộ sách giáo khoa, 3.903 bộ bàn ghế học sinh, 877 bộ máy vi tính; trang bị 10 phòng thí nghiệm, 12 phòng học đa chức năng và 6 phòng học ngoại ngữ. Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Gia Lai đã nhập 100% sách giáo khoa mới theo kế hoạch, đảm bảo đầy đủ sách phục vụ khai giảng năm học 2021-2022.

Dù đang trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng công tác chuẩn bị cho năm học mới tại tỉnh Gia Lai đã được triển khai chu toàn. Đến nay, toàn bộ các điểm trường trong tỉnh đã được dọn vệ sinh, sửa chữa hư hỏng, bố trí các điểm khử khuẩn, vệ sinh và thực hiện thông điệp“5K” của Bộ Y tế. Đối với các vùng đặc biệt khó khăn, phương án dạy online không đảm bảo, nên việc dạy và học bằng các bản giấy chuyển trực tiếp cho học sinh cũng sẽ là giải pháp của năm học mới nhằm đảm bảo các em theo đúng chương trình, kiến thức của từng khối lớp.

Ông Lê Duy Định - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết: Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng tất cả các kịch bản cho năm học mới 2021-2022 trong bối cảnh dịch COVID- 19 có diễn biến phức tạp. Trước mắt, chúng tôi sẽ thực hiện khai giảng theo hình thức gián tiếp “không tập trung học sinh”. Sau ngày khai giảng 5/9, chúng tôi triển khai dạy học “Tuần 0” nhằm chuẩn bị một số kỹ năng cần thiết cho học sinh trước khi vào lớp 1. Đối với học sinh dân tộc thiểu số chưa biết nói tiếng Việt sẽ hướng dẫn học sinh tập nói một vài chủ đề cần thiết theo Tài liệu “Em nói tiếng Việt”.

Hình thức triển khai dạy học “Tuần 0”: Giáo viên phối hợp với phụ huynh học sinh hướng dẫn học sinh học tập thông qua các ứng dụng như Zalo, Messenger, Email… hoặc hướng dẫn học sinh tự học và có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng học sinh. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngành Giáo dục và Đào tạo Gia Lai vẫn bảo đảm dạy và học tốt. Những nơi nào dịch COVID-19 phức tạp, chúng tôi cương quyết “Học sinh có thể dừng đến trường nhưng không dừng học”.

Quang Thái (TTXVN)
Học sinh TP Hồ Chí Minh đang kẹt tại các tỉnh, thành chưa về được có thể học tạm tại địa phương
Học sinh TP Hồ Chí Minh đang kẹt tại các tỉnh, thành chưa về được có thể học tạm tại địa phương

Đối với những học sinh đang mắc kẹt ở tỉnh không thể về TP Hồ Chí Minh để bắt đầu vào học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ liên kết, phối hợp với các địa phương để đăng ký và làm thủ tục chuyển trường tạm cho các học sinh theo học tại các trường nơi cư trú. Khi ổn định dịch bệnh, sẽ quay về học bình thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN