Đây là những ý kiến được các đại biểu nêu ra tại hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học, do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 29/11.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu triển khai từ năm học 2020 -2021 đối với lớp 1, sau đó tiếp tục thực hiện cuốn chiếu năm học 2021-2022 ở lớp 2, năm học 2022-2023 ở lớp 3, năm học 2023-2024 ở lớp 4 và năm học 2024-2025 ở lớp 5.
So với chương trình hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 có ít môn học hơn vì thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Tuy nhiên, do học 2 buổi/ngày nên số tiết học trong một năm học tăng lên và chương trình mới có thêm 2 môn học mới là Ngoại ngữ 1; Tin học và công nghệ. Đây sẽ là những thách thức không nhỏ đối với một số quận, huyện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Toàn thành phố hiện có 21.508 giáo viên tiểu học, tỷ lệ 1,3 giáo viên/lớp, chưa đáp ứng để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học; tỷ lệ phòng học/lớp trung bình là 0,9, chưa đáp ứng đủ số phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (1 phòng/lớp). Do đó, tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày cũng chỉ đạt 73%.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết ngành giáo dục đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cả về cở sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, đối với một số quận, huyện, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ gặp nhiều khó khăn với yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, việc bổ sung giáo viên Tin học và tiếng Anh là thách thức không nhỏ, nhất là trong tình hình tinh giản biên chế và khó khăn trong tuyển dụng như hiện nay.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12, cho biết để đáp ứng nhu cầu về chỗ học cho học sinh lớp 1, quận dự kiến phải xây bổ sung thêm 189 phòng học. Hiện nay, toàn quận tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày mới đạt tỷ lệ 20,2%. Về đội ngũ, năm học 2019-2020, chỉ có 3 ứng viên trúng tuyển trên chỉ tiêu 11 người nhưng một giáo viên không nhận nhiệm sở. Địa phương đang gặp khó khăn trong tuyển dụng giáo viên tiếng Anh và tin học.
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày trên địa bàn quận mới đạt 49%. Trong khi đó, quận là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, người lao động có mức thu nhập thấp nên việc triển khai chương trình ngoại khóa, chương trình tiếng Anh tự nguyện theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ rất khó khăn.
Trước những khó khăn mà quận, huyện đang gặp phải trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Sở sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên để khắc phục tình trạng thiếu, thừa giáo viên cục bộ của những năm qua; đồng thời đề xuất Sở nội vụ thành phố có hướng dẫn tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên Tin học. Bên cạnh đó, Sở sẽ rà soát và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông để tập trung đầu tư cùng nguồn lực nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa.