Giờ đây, gần đến tuổi nghỉ hưu, thầy Nguyễn Minh Thiện vẫn miệt mài ngày hai buổi đến trường, truyền thụ kiến thức cho học sinh và đào tạo thế hệ giáo viên kế tục. Đặc biệt, trong hành trình ấy, thầy luôn theo đuổi phương châm nghề nghiệp "Học sinh đến trường không phải chỉ để học chữ, mà còn để sống, làm cho bản thân mình nên người hơn".
Gian nan hành trình "gieo con chữ"
Bước vào nghề giáo từ năm 1983, thầy Nguyễn Minh Thiện được phân công về dạy môn Văn ở Trường cấp II và III Trà Ôn (nay là Trường Trung học Phổ thông Trà Ôn). Năm học 1984-1985, Trường Trung học Phổ thông Hựu Thành (xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn) thiếu giáo viên dạy Văn, do vậy, ngoài nhiệm vụ ở Trường Trung học Phổ thông Trà Ôn, thầy còn được phân công dạy "chi viện" cho Trường Trung học Phổ thông Hựu Thành. Cái duyên với học trò vùng sâu cũng bắt đầu từ đó.
Những năm ấy, đường xá chưa được đầu tư nên đi lại khó khăn, ngày nào có tiết dạy là thầy phải ngủ đêm lại trường. Chính những ngày gắn bó với ngôi trường còn nhiều thiếu thốn này đã đem lại nhiều kỷ niệm nghề nghiệp, khiến thầy càng yêu những học trò vùng sâu hơn. Thầy Thiện chia sẻ: "Tôi còn nhớ như in những buổi dạy đầu tiên về Văn học dân gian lớp 10 ở Trường Hựu Thành. Một sự trùng hợp lý thú, khi tôi đang dẫn câu ca dao "Trời mưa bong bóng phập phồng…", ngoài trời đổ mưa lớn. Các em nhìn ra sân trường ngập nước mưa, bỗng đồng thanh: "Trời mưa bong bóng phập phồng…" như bày tỏ một sự phát hiện mới thấy các em đáng yêu làm sao. Hết giờ học, các em bảo với nhau: đã hết khô hạn rồi, nước đã về. Một số em phụ kê bàn trong lớp để tối tôi ngủ, rồi ra về. Đêm đó ngủ một mình trên bàn học sinh trong một phòng học lá".
Một dấu ấn sâu đậm trong hành trình truyền kiến thức của thầy Thiện chính là 17 năm làm Hiệu trưởng Trường cấp II và III Vĩnh Xuân (nay là Trường Trung học Phổ thông Vĩnh Xuân). Năm học 2000-2001, thầy được điều động về để chuẩn bị xây dựng một trường Trung học phổ thông mới và trong 5 năm đầu chuẩn bị các thủ tục xây dựng, trường được thành lập với quy mô trên 50 lớp. Riêng những phòng học cấp III được Hội phụ huynh học sinh cất tạm bằng tre lá. Mỗi năm học, vào mùa mưa dông, các phòng học này ít nhất cũng hai lần bị đổ sập. Mỗi lần như vậy, Hội phụ huynh học sinh lại giúp nhà trường kéo các lớp học đứng lên, chằng, chống và đi vận động tre lá để tu sửa. Trường cũng thiếu giáo viên bộ môn, việc thỉnh giảng giáo viên cũng gian nan vì đường đi lại quá khó khăn. Ngoài ra, học sinh không phải thi tuyển đầu vào, thường "đứng nhất" về diện học sinh nghèo, khó khăn nên khó tránh khỏi tình trạng không đảm bảo sĩ số, học mất tập trung và học kém.
Năm 2005, Trường Trung học Phổ thông Vĩnh Xuân chính thức được khánh thành sau nhiều khó khăn và nỗ lực của thầy Thiện cùng đội ngũ giáo viên. Đây cũng là lúc Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện "một kế hoạch táo bạo" đã được chuẩn bị là phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, xây dựng các đội học sinh giỏi tỉnh, giỏi quốc gia.
Với phương châm "Có thầy giỏi mới có trò giỏi", những thầy cô giáo dạy giỏi cấp tỉnh được đào tạo trở thành đầu tàu góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở nhà trường. Những học sinh giỏi, điển hình học tốt được tuyển chọn, chăm bồi, lấy đó làm điểm nhấn để giáo dục động cơ học tập cho tất cả học sinh còn lại, xóa tự ti mặc cảm vùng sâu, xây dựng khát vọng vươn lên cho các em.
Năm học đầu thành lập, trường đã có một học sinh giỏi Quốc gia môn Địa Lý. Không lâu sau đó, kết quả giáo dục mũi nhọn của trường tiến bộ mạnh mẽ, đứng trong top những trường hàng đầu của tỉnh về học sinh giỏi, học sinh đỗ vào đại học, đặc biệt là học sinh giỏi Quốc gia.
Thầy Nguyễn Minh Thiện chia sẻ: "Học sinh vùng sâu còn nhiều thiệt thòi, chưa có nhiều thông tin, động cơ học tập chưa rõ ràng. Vì thế, bên cạnh xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng, trường cần phải tập trung làm tốt công tác tư tưởng để học sinh tự tin thể hiện khả năng, đăng ký tham gia các đội tuyển để học hỏi, trau dồi kiến thức. Giáo dục mũi nhọn không chỉ mang lại giải thưởng cho các em mà còn đem lại một khối lượng kiến thức chuyên sâu cần thiết để làm hành trang cho các em trong những ngày học tập sau này".
Sau 17 năm cùng tập thể Trường Trung học Phổ thông Vĩnh Xuân đạt thành tích cao không chỉ trong học tập mà còn "nổi" ở phong trào, thầy Nguyễn Minh Thiện được luân chuyển về giữ chức Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Trà Ôn. Trong điều kiện phát triển và bối cảnh hiện tại của nhà trường, thầy xây dựng chiến lược phát triển trường tập trung vào: Củng cố chất lượng giáo dục mũi nhọn, xây dựng trường học tiên tiến, hiện đại và trường học hạnh phúc.
Kết quả, chất lượng học sinh giỏi cấp tỉnh của trường luôn giữ vững, số học sinh vào đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia của tỉnh có bước khởi sắc. Năm học 2019-2020, trường có 5 học sinh vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, là năm thứ năm liên tiếp tốt nghiệp đạt tỷ lệ 100%. Đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020, trường có một học sinh đạt thủ khoa của tỉnh, có hai học sinh dẫn đầu cả nước về điểm thi bài thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Chú trọng dạy chữ, dạy nghề
Với 37 năm trong nghề, thầy Thiện luôn tâm đắc và theo đuổi mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo, xây dựng trường học thân thiện, tích cực. Thầy không chỉ chú trọng việc học mà còn quan tâm các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Từ đó, nhiều phong trào thể dục thể thao của trường được hình thành, thu hút không chỉ học sinh mà cả giáo viên tham gia với mục đích tạo sân chơi lành mạnh, tránh những tệ nạn bên ngoài.
Thầy Thiện mạnh dạn thay đổi hình thức, nội dung các tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, tăng cường các tiết sinh hoạt câu lạc bộ, ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo...; chú trọng để học sinh tự quản, tự tổ chức chương trình, giáo viên chỉ là người nghe và kết luận. Với các giờ học văn hóa trên lớp, các môn học không còn là lý thuyết khô khan khó nhớ mà thầy yêu cầu giáo viên phải "biến hóa" thành những bài học dễ dàng, ghi nhớ lâu thông qua những trò chơi, những trải nghiệm mới lạ. Qua đó, quan hệ thầy với trò và trò với trò thân thiện hơn, không còn mang tính mệnh lệnh và học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức. Học sinh luôn thấy học mà vui, vui mà học".
Đặc biệt, dù đang gần tuổi hưu, thầy vẫn luôn tâm huyết với ước mơ xây dựng trường học hạnh phúc để tạo môi trường học tập hạnh phúc, để trường là nơi các học sinh cảm thấy an toàn và là tuyệt vời để trải nghiệm, được sai và được sửa sai. Học sinh hòa thuận với bạn học, được giáo viên quan tâm và chia sẻ, các em cũng biết quan tâm đến cảm xúc của nhau.
Bí thư Đoàn trường Trung học Phổ thông Trà Ôn Nguyễn Cao Cường chia sẻ, thầy Nguyễn Minh Thiện chính là người truyền lửa cho những cán bộ Đoàn và giáo viên của trường. Những ngày mới về trường, thầy không thay đổi nếp sinh hoạt của giáo viên học sinh để mọi người dễ thích ứng rồi dần dần thầy truyền cảm hứng để mọi người thay đổi theo hướng tích cực với phương châm dạy chữ kết hợp với dạy người mà thầy đang theo đuổi.
Hành trình về chuyện nghề, chuyện đời của thầy Nguyễn Minh Thiện vẫn còn rất nhiều những câu chuyện đầy xúc động về những ngày gắn bó với mái trường, bục giảng cùng bảng đen phấn trắng. Trong hành trình đó, nhiều những "đóa hoa thơm và trái ngọt" nhưng cũng không ít gian nan. Với những đóng góp tích cực cho sự nghiệp "trồng người", năm 2012, thầy Nguyễn Minh Thiện vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Năm 2020, thầy được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen và tuyên dương điển hình tiêu biểu trong số 183 Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả nước.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long Trương Thanh Nhuận cho biết: "Thầy Thiện là cán bộ quản lý kỳ cựu, người thầy tâm huyết yêu thương học trò. Dù ở tập thể nào, thầy cũng luôn gắn kết, tận tâm, tận tụy và trách nhiệm. Thầy Thiện dạy học, quản lý, xây dựng các hoạt động kỹ năng cho giáo viên, học sinh bằng cái tâm nên được mọi người yêu quý. Những giọt nước mắt của giáo viên và học sinh Trường Trung học Phổ thông Vĩnh Xuân trong ngày thầy luân chuyển về Trường Trung học Phổ thông Trà Ôn là minh chứng rõ nhất cho những tình cảm đáng quý này".