Nhiều khó khăn trong triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020

Bên cạnh những kết quả tích cực, qua hơn ba năm triển khai, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 còn nhiều bất cập như: khó khăn trong bồi dưỡng, đánh giá chuẩn giáo viên dạy ngoại ngữ theo khung chương trình 6 bậc; sự giảm sút số lượng lớp, trường học song ngữ tiếng Pháp và học tiếng Pháp là ngoại ngữ 2...

Thực trạng trên đã được đại biểu các Sở Giáo dục và Đào tạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nêu lên trong Hội thảo đánh giá việc triển khai Đề án "Ngoại ngữ 2020 – sự đa dạng hóa Ngoại ngữ giảng dạy và việc giảng dạy Ngoại ngữ 2 trong trường phổ thông" diễn ra ngày 23/3 tại Bến Tre.

Lúng túng trong đánh giá giáo viên đạt chuẩn

Theo Phó Trưởng Ban Thường trực Ban quản lý Đề án Vũ Tú Anh, qua ba năm đầu tiên, Đề án đã thực sự tạo được chuyển biến trong nhận thức xã hội từ người dạy, người học về ý nghĩa, tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, nhất là, trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Kết quả khả quan là năng lực tiếng Anh trong bảng xếp hạng quốc tế đã tăng thêm 12 bậc so với trước đó. Tuy nhiên, quá trình triển khai Đề án cũng bộc lộ bất cập, trước hết là trong công tác bồi dưỡng giảng viên, giáo viên.

Việc đánh giá chuẩn giáo viên còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa. Nguồn: Dantri.com.vn


Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre cho biết: Đa số giáo viên tiếng Anh của tỉnh chưa đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Số giáo viên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở đạt chuẩn chỉ là 9,43% và Trung học phổ thông là 4,4%. Nguyên nhân là do sự chênh lệch giữa chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo giáo viên trước đây với chuẩn năng lực ngôn ngữ theo yêu cầu hiện nay. Giáo viên tiếng Anh của tỉnh được đào tạo từ nhiều trình độ, phương thức khác nhau dẫn đến năng lực chuyên môn của giáo viên còn nhiều hạn chế.
Một thực tế nữa, theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, nhiều giáo viên khả năng nghe, nói, giao tiếp, sử dụng tiếng Anh cũng như phương pháp giảng dạy còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, thách thức đặt ra trong việc triển khai Đề án là ngoài các trường chuyên ngữ, hầu hết các trường khác vẫn còn mang tâm lý ngoại ngữ là môn phụ, do đó, học phần tiếng Anh trong chương trình giảng dạy rất hạn chế, ít được quan tâm đầu tư.

Theo các đại biểu tỉnh Vĩnh Long, Kiên Giang, đánh giá giáo viên Ngoại ngữ theo bậc C1 là cao và chưa có sự thống nhất về chuẩn đánh giá, bồi dưỡng giáo viên Ngoại ngữ. Bà Trần Thị Mai Yến, Giám đốc Trung tâm tiếng Pháp Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng: Việc khảo sát và bồi dưỡng giáo viên dựa trên khung trình độ 6 bậc (A1, A2, B1, B2, C1, C2) hiện nay vẫn không ổn. Theo bà, khung trình độ 6 bậc của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay không phải là chuẩn đào tạo giáo viên. Điều hiện nay còn thiếu là chuẩn năng lực trình độ giáo viên Ngoại ngữ ở từng cấp, lớp. Khung chỉ là một yếu tố trong việc đánh giá trình độ giáo viên. Không phải chỉ trình độ giáo viên C1 là đạt chuẩn để dạy Ngoại ngữ. Phải có chuẩn này mới biết giáo viên đang ở mức nào, để tổ chức bồi dưỡng như thế nào?”

* Chương trình song ngữ tiếng Pháp đã “rơi rụng” dần

Đại diện Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (tỉnh Vĩnh Long) chua xót: Từ năm 2006 (sau khi hết thời gian tài trợ của các đối tác Pháp ngữ), số lượng học sinh các lớp song ngữ giảm đáng kể. Có năm học, phụ huynh kiên quyết xin cho con em không tiếp tục chương trình song ngữ sau khi đã học xong bậc tiểu học. Từ năm 2006 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long không tổ chức tuyển lớp 1 song ngữ nữa. Hiện, tỉnh Vĩnh Long chỉ còn một trường dạy tiếng Pháp là ngoại ngữ 2 với số lớp, số học sinh ngày một ít.

Cùng chung khó khăn trong việc triển khai chương trình tiếng Pháp song ngữ và ngoại ngữ, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cho biết, việc dạy học tiếng Pháp ở tỉnh không phát triển được về số lượng do học sinh phải học nhiều môn học và nhu cầu học tiếng Pháp là Ngoại ngữ 1 của học sinh không cao. Một số trường yêu cầu không thực hiện giảng dạy tiếng Pháp và đề nghị chuyển giáo viên tiếng Pháp sang làm công tác khác. Đối với việc triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, đến nay, tỉnh Hậu Giang cũng chưa thực hiện khảo sát hoặc bồi dưỡng đối với giáo viên giảng dạy tiếng Pháp.

Trước tình hình “bế tắc” của lộ trình song ngữ tiếng Pháp, Ban Giám hiệu trường Trung học phổ thông chuyên Bến Tre đã học tập các trường ở phía Bắc. Đó là mở lớp chuyên tiếng Pháp lấy từ học sinh thi chuyên Anh có nguyện vọng 2 là chuyên Pháp. Bên cạnh đó, nhà trường còn mở thêm các lớp tiếng Pháp là Ngoại ngữ 2 ở khối chuyên Sinh, Sử, Địa, Văn; tổ chức dạy thêm cho một số học sinh có nhu cầu đạt A2 để đi du học bằng tiếng Anh ở Pháp.

“Hiện giờ, ở tỉnh Trà Vinh, những thầy cô biết tiếng Pháp đã nghỉ hưu, những người biết tiếng Pháp cũng đã lớn tuổi. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khôi phục lại bộ môn tiếng Pháp song song với tiếng Anh”, bà Phạm Thị Thanh Nguyên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh) gợi ý.
Các đại biểu dự hội thảo cũng đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến. Trong đó, giải pháp nhận được nhiều sự đồng tình là đối với các trường có điều kiện nên tổ chức cho giáo viên đi bồi dưỡng ở nước ngoài, dù chỉ trong một thời gian ngắn nhưng rất hiệu quả. Các trường đại học cần phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức cho giáo viên giao lưu với các tình nguyện viên bản ngữ thường đến nước ta. Những khó khăn về thiếu kinh phí triển khai Đề án, mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, lúng túng trong việc tìm kiếm đối tác tin cậy để đưa giáo viên đi bồi dưỡng ở nước ngoài…cũng được các đại biểu đề cập đến.

Bà Vũ Tú Anh nhấn mạnh việc triển khai Đề án là rất cần thiết song không được lấy thời gian và tiến độ giải ngân là mục tiêu. Việc thực hiện Đề án cần phải tuân thủ phương châm “chất lượng - thực chất”. Dạy học Ngoại ngữ, đánh giá bằng cách thực lực và năng lực của người học. Do đó, công tác chuẩn bị về con người, tài chính rất quan trọng, đồng thời, trong khi thực hiện cần chia lộ trình triển khai cụ thể, đánh giá hiệu quả đạt được theo từng giai đoạn, dựa vào chuẩn giáo viên và chuẩn năng lực học sinh. Kế hoạch, lộ trình cần phải làm rõ để Ban Quản lý Đề án và Bộ Giáo dục cấp vốn./.


Trần Thị Thu Hiền
Băn khoăn 'ngoại ngữ' quanh cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT
Băn khoăn 'ngoại ngữ' quanh cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT

Trước thông tin về dự thảo đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tâm trạng của đa số học sinh lớp 12 tỉnh Điện Biên rất phấn khởi. Tuy nhiên, một số cán bộ quản lý và thầy cô giáo lại có một số băn khoăn nếu bỏ môn thi bắt buộc là ngoại ngữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN