Nhìn lại Đề án dạy và học ngoại ngữ 2020 - Bài 1


Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020, đa số thanh niên tốt nghiệp từ trung cấp trở lên có thể sử dụng tiếng Anh tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ… Thế nhưng, với cách dạy và học ngoại ngữ “không giống ai” như hiện nay, dư luận rất bức xúc về tính hiệu quả, thậm chí đặt ra những nghi vấn về sự lãng phí khi triển khai đề án gần 10.000 tỷ đồng này.

Bài 1 : Không mặn mà với tiếng Anh đề án

Cả giáo viên lẫn học sinh đều không mặn mà với thí điểm dạy và học tiếng Anh theo đề án dạy và học ngoại ngữ quốc gia 2020 (tiếng Anh đề án), đó là thực trạng đáng buồn đang diễn ra tại nhiều địa phương sau tròn 4 năm triển khai đề án.


Miễn phí cũng không muốn học


Hiện nay, nhiều trường tiểu học ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh áp dụng 2 chương trình tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh đề án. Với lớp tiếng Anh tăng cường, phụ huynh phải đóng một số tiền học phí nhất định, học sinh sẽ được học với các phần mềm bổ trợ khác như phần mềm I learn (là chương trình học tiếng Anh tương tác trực tuyến) hay phần mềm Dainet (học trên máy tính) và được học với người bản ngữ. Còn với chương trình học tiếng Anh đề án của Bộ GD - ĐT, học sinh sẽ được miễn học phí. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn không mặn mà với việc cho con em tham gia chương trình học tiếng Anh này.


Trình độ giáo viên chưa “kịp” chuẩn đề án. Ảnh: Vov.vn



Lý giải về việc không thích cho con học tiếng Anh đề án, chị Thanh Thủy, quận I, TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Học tiếng Anh đề án chỉ có 4 tiết/tuần, trang thiết bị thiếu, chương trình học không sinh động, không được học với giáo viên bản ngữ... Trong khi đó, chỉ với hơn 300.000 đồng/tháng đối với lớp học tiếng Anh tăng cường, con tôi được học với trang thiết bị, chương trình học tốt hơn và thời gian học nhiều hơn (8 tiết/tuần) và còn được học với giáo viên nước ngoài. Nếu học chương trình tiếng Anh tăng cường chúng tôi không cần phải đưa bé đến trung tâm ngoại ngữ còn học theo đề án thì tốn tiền cho bé học thêm”.

Chị Phạm Tân, phố Đào Tấn, Hà Nội, cũng cho hay, trước khi có chương trình tiếng Anh theo đề án thì con tôi đã được học chương trình tiếng Anh tăng cường (theo nguyện vọng của phụ huynh). Các cháu theo học chương trình này khá ổn: Cơ sở vật chất, giáo viên giảng dạy là người bản ngữ. Nhưng khi nhà trường triển khai dạy tiếng Anh đề án thì hiệu quả dạy học kém hơn, cơ sở vật chất, học liệu, giáo viên khá nghèo nàn, nên tôi buộc phải cho con học thêm ở trung tâm.

“Số lớp học tiếng Anh tăng cường bao giờ cũng nhiều hơn số lớp học tiếng Anh theo đề án. Nhiều phụ huynh đăng ký cho con học tiếng Anh tăng cường bởi họ mong muốn con em có môi trường học tốt hơn, các em được tiếp xúc với tiếng Anh thường xuyên hơn với 8 tiết/tuần còn tiếng Anh theo đề án chỉ có 4 tiết/tuần”, cô Nguyễn Hoàng Diễm Trang, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Cô Hoài Linh, trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, chuẩn tiếng Anh của chương trình tăng cường cao hơn so với chuẩn tiếng Anh đề án cũng là nguyên nhân khiến phụ huynh lựa chọn tiếng Anh tăng cường.

Nghèo nàn về nội dung

Một hiệu trưởng (giấu tên) ở trường tiểu học tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, nếu dựa hoàn toàn vào nhu cầu đăng ký của phụ huynh thì cán cân nghiêng hẳn về chương trình tiếng Anh tăng cường. Về phía giáo viên, phần đông không thích dạy tiếng Anh đề án vì ngoài lý do không có thêm thu nhập thì sách giáo khoa, chương trình tiếng Anh đề án không hấp dẫn bằng tiếng Anh tăng cường.

Không chỉ ở bậc tiểu học, tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp cũng ở trong tình trạng tương tự. Tại trường Trung cấp chuyên nghiệp Nguyễn Hữu Cảnh, TP Hồ Chí Minh, sau khi khảo sát trình độ tiếng Anh của học sinh năm đầu, nhà trường chọn được 47 em đạt trình độ sơ cấp và chia thành 2 lớp để dạy với lộ trình đạt chuẩn mới theo quy định của Bộ GD - ĐT đặt ra. Không chỉ tăng tiết dạy gấp 3 lần so với chương trình cũ, trường Nguyễn Hữu Cảnh còn đầu tư trang thiết bị, phòng học đa phương tiện. Các học sinh được trao dồi 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên, sau một năm học, nhiều sinh viên đã bỏ học chương trình tiếng Anh theo đề án bởi thời gian học ở mỗi ngành học khác nhau, nhiều sinh viên cảm thấy áp lực và mất nhiều thời gian cho việc học tiếng Anh...

Một số giáo viên dạy tiếng Anh tại trường ĐH Mỏ, Học viện Tài chính cũng phản ánh, các chương trình dạy tiếng Anh theo đề án vẫn còn nặng tính học thuật, thiếu kỹ năng giao tiếp, chỉ tập trung kiểm tra ngữ pháp, kém sinh động nên khó thu hút sinh viên theo học. Các em vẫn học thêm ở trung tâm để luyện thi theo trình độ Toefl hay Ielts.

Vấn đề đáng nói là ngoài kinh phí của đề án để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ giáo viên…, nhiều địa phương đã mạnh dạn chi hàng trăm tỷ đồng để đầu tư thêm cho chương trình tiếng Anh theo đề án. Thế nhưng, thực tế, vẫn có quá nhiều bất cập trong việc thực hiện đại trà việc giảng dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học nói riêng và các cấp học nói chung.

Một đại diện lãnh đạo Sở GD - ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, sách giáo khoa phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ không có hoặc đã đến chậm, ảnh hưởng đến việc dạy thí điểm. Đặc biệt, mục tiêu nâng cao trình độ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp cũng là… điều không tưởng. “Ở bậc phổ thông, học sinh đã có lỗ hổng khá lớn về tiếng Anh, do vậy cải thiện trình độ ở giảng đường đại học cho sinh viên là khó khăn. Nhiều nơi, sinh viên phải học lại từ đầu. Tỷ lệ sinh viên ra trường bị treo bằng vì nợ môn tiếng Anh từ năm thứ nhất, thứ hai diễn ra khá phổ biến. Tôi cho rằng đây không phải là tình trạng riêng của Nghệ An mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố lớn”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Lê Vân - Đan Phương

Bài cuối: Trình độ giáo viên vẫn dưới chuẩn

Hiệu quả 'trên trời' của đề án ngoại ngữ 2020 - Bài 1
Hiệu quả 'trên trời' của đề án ngoại ngữ 2020 - Bài 1

Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 được Bộ Giáo dục - Đào tạo triển khai từ năm 2010... Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, thì dư luận ngày càng thấy sự “thiếu khả thi” của đề án với mức chi gần 10.000 tỷ đồng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN