Những người "gánh chữ" lên non

Để có thể “gieo” được cái chữ ở vùng cao, nhiều thầy cô giáo đang ngày đêm cắm bản và đã cống hiến tuổi trẻ với lòng tâm huyết và tình yêu vô bờ với những học trò người đồng bào dân tộc.

Vượt trên những gian khổ, thiếu thốn và vất vả hàng ngày, các thầy cô giáo luôn mang trong mình một trái tim tràn đầy yêu thương để truyền đạt kiến thức cho các em...

Vượt đường rừng vận động trò ra lớp

Nhiều năm nay, vượt qua hàng chục km đường đất dốc núi, quanh co để đến trường dạy học hay mua thêm đồ dùng học tập, xin quần áo, giày dép, cặp sách... cho học sinh đã trở thành việc làm quen thuộc với các thầy cô giáo ở Trường tiểu học Đạo Viện, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Tại điểm trường Đoàn Kết, Trường Tiểu học Đạo Viện, thôn Làng Phào, hiện có 5 giáo viên, trong đó có 2 giáo viên đã gắn bó trên 20 năm.

Ngoài giờ dạy trên lớp, thầy Đình Trường Hải, Trường Tiểu học xã Thường Hóa (Quảng Trị) thường đến tận nhà, động viên các gia đình đưa trẻ đến lớp.

Năm nay đã bước sang tuổi 50, cô Đinh Thị Luyến được Ban giám hiệu trường chuyển về dạy tại điểm trường trung tâm cho cô đỡ vất vả vì tuổi đã cao nhưng cô vẫn “xung phong” đi dạy ở điểm trường Đoàn Kết.

Cô Luyến chia sẻ: Tình thương yêu đối với học sinh, mong muốn được dạy cho các em những bài học đầu tiên khi bước vào đời là động lực giúp tôi vượt qua khó khăn để “bám lớp, bám trường”. Tuy từ nhà vào điểm trường chỉ có 6 km nhưng đường đi lại rất vất vả, những năm trước đây, để đến lớp tôi phải đi bộ từ 5h30, vượt qua 11 đoạn suối. Vài năm trở lại đây, khi các cây cầu nhỏ được xây dựng, các thầy cô đã có thể đi xe máy đến điểm trường”.

Cô Luyến cho biết thêm: Học sinh học tại điểm trường 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông. Hơn 25 năm gắn bó với học sinh tại đây là hơn 25 năm khó khăn, vất vả nhưng đầy niềm vui và kỷ niệm. Kỷ niệm về những ngày nhịn cơm trưa để đến nhà học sinh vận động phụ huynh cho các em đi học; hay mỗi lần đi đâu thấy có quần áo, giày dép, cặp sách của ai không dùng đến thì các cô lại xin về cho các em có hoàn cảnh khó khăn ở lớp...

Để gieo chữ ở đỉnh trường Sơn của tỉnh Quảng Trị, các thầy cô giáo ở điểm trường Hoong, Trường Tiểu học xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, cũng thường xuyên phải vượt đường rừng để vận động học sinh đến lớp.

Với 19 năm gắn bó với mái trường nơi đây, thầy Đinh Trường Hải cho biết, trước đây, mỗi lần vào Điểm trường dạy học hay vận động học sinh, các thầy phải đi bộ mấy chục cây số. Băng rừng, vượt suối chịu vắt cắn, gai rừng xé toạc quần áo là chuyện hàng ngày. Trong cuộc đời dạy học của thầy Hải, bí quyết lớn nhất để đảm bảo sĩ số của lớp chính là đặt công tác tuyên truyền, vận động học sinh đến trường lên hàng đầu. Và để làm được điều đó, điều quan trọng nhất chính là sự gần gũi, quan tâm sát sao đến từng hoàn cảnh gia đình các em cũng như thân thiết với phụ huynh. Từ đó, kịp thời nắm bắt được tâm tư, tình cảm của các em để giúp đỡ...

“Đối với em, thầy cô chính là cha mẹ thứ hai. Mẹ mất sớm, bố em bỏ đi với người khác, chỉ có 3 chị em đùm bọc, cưu mang lẫn nhau. Anh trai em đang học lớp 10 đã phải nghỉ học để làm thuê nuôi hai chị em. Lúc ấy, em cứ nghĩ có lẽ giấc mơ đến trường sẽ không thể tồn tại được. Rất may, dưới sự giúp đỡ của thầy cô kêu gọi vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ áo quần, sách vở, dụng cụ học tập nên hai chị em mới được tiếp tục cắp sách đến trường...”, em Hồ Thị Nghế, lớp 5C, Điểm trường Hoong, Trường Tiểu học Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, rơm rớm nước mắt chia sẻ.

Mong chặng đường đến trường sớm bớt gập ghềnh

Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, thầy Y’luă Kmăn, giáo viên phụ trách điểm trường Tiểu học Y Ngông Niê Kdăm, xã Đắk Nuê, huyện Lắk (Đắk Lắk) cũng đã không ngại khó khăn để gắn bó với mảnh đất nghèo của buôn Đắk Sar.

Thầy Y’luă Kmăn cho biết, nhiều học sinh muốn đến trường đúng giờ phải đi từ lúc trời chưa sáng, mất khoảng 2 tiếng đồng hồ để vượt qua quãng đường 10 km. Những ngày học 2 buổi, các em phải mang theo cơm trưa, đa số các em đều ăn cơm trắng với đường phèn, có em chỉ mang theo một gói mì tôm sống.
Mùa mưa ở Tây Nguyên càng làm con đường đến trường của các em trở nên khó khăn hơn, đường lầy lội, trơn trượt. Những ngày trời mưa, để tránh bị trượt chân và di chuyển được nhanh hơn, học sinh phải đi chân đất đến trường. Còn các giáo viên ở đây ngoài hành trang là giáo án cho buổi lên lớp, mỗi người còn mang theo một đôi ủng để vượt qua quãng đường dài đầy bùn đất và ngập nước.

Thầy Y’luă Kmăn cho biết: Để duy trì số lượng học sinh đến trường, mỗi năm đến dịp nghỉ hè, các giáo viên tại điểm trường chia nhau đi bộ hàng chục km đến từng hộ gia đình vận động học sinh đến trường. Nhờ vậy, những năm gần đây, điểm trường buôn Đắk Sar luôn duy trì số lượng học sinh và đảm bảo những gia đình có trẻ đến tuổi đi học đều vào học lớp 1. Như trường hợp của em Lầu Thị Nái, nhà cách trường gần 10 km, đến trường được một thời gian em lại bỏ học vì lý do nhà xa, thầy Y’luă Kmăn phải đến nhà vận động 5 lần mới thuyết phục được em đi học đầy đủ.

Trong những năm gắn bó với điểm trường Đắk Sar, điều khiến thầy Y’luă Kmăn và nhiều giáo viên trăn trở lớn nhất là cảnh học sinh vượt đường xa đi chân đất đến trường, bữa ăn thì vô cùng đạm bạc... Đa số học sinh buôn Đắk Sar sau khi học xong lớp 5 đều phải dừng việc học, bởi để học lên cấp trung học cơ sở các em phải vượt qua quãng đường đèo núi dài gần 30 km mới có trường. Thầy Y’luă Kmăn chỉ mong làm sao cho con đường đến trường của học sinh thuận lợi hơn, để các em trong buôn Đắk Sar được học hành đầy đủ và có tương lai tươi sáng.
TTN
Những thầy cô ươm chữ ở vùng cao
Những thầy cô ươm chữ ở vùng cao

Từ thành phố Cao Bằng, vượt hơn 200 km, chúng tôi về điểm trường Phia Cò (xóm Phia Cò, xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN