Tuy nhiên, tại Hội nghị trực tuyến về công tác thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2022 diễn ra sáng 8/6, đại diện một số Sở Giáo dục và Đào tạo bày tỏ khó khăn về việc triển khai quy định này.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Với những địa phương có đông thí sinh dự thi như TP Hồ Chí Minh, quy định này rất khó thực hiện. Số lượng thí sinh ở mỗi điểm thi rất lớn. Nếu đưa vật dụng của thí sinh vào các phòng tập trung sẽ rất khó khăn cho các em trong việc lấy các vật dụng của mình sau môn thi buổi sáng để chuẩn bị cho bài thi buổi chiều.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho rằng, do đặc thù của địa phương, nhiều điểm thi có khuôn viên khá hẹp, không đủ khoảng cách 25m ở ngoài phòng thi. Vì thế, để đảm bảo vật dụng của học sinh ở cách phòng thi 25m sẽ phải vận chuyển vật dụng của các em ra xa khu vực thi. Điều này có thể dẫn đến việc, thí sinh sau khi thi xong sẽ lấy nhầm đồ, nhất là khi trời mưa, việc vận chuyển, bảo quản sẽ càng khó khăn. Hà Nội đề nghị được có phương án riêng nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho kỳ thi.
Theo đại diện Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông tỉnh Thanh Hóa, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không có phương án cụ thể, Thanh Hóa đề nghị được có phương án riêng để phù hợp với điều kiện của mỗi Hội đồng thi. Ví dụ, nếu địa điểm ít phòng thi có thể bố trí chỗ để vật dụng tập trung và bố trí người giám sát.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Hiện nay, các thiết bị công nghệ cao có thể thu phát sóng trong khoảng 25m. Khi các thiết bị để ngoài hành lang vẫn có thể thu phát tín hiệu trong phòng thi và có nguy cơ làm lộ đề. Vì vậy, đây là quy định bắt buộc nhằm ngăn chặn các trường hợp gian lận sử dụng thiết bị công nghệ cao, đảm bảo an toàn cho kỳ thi. Các địa phương cần có giải pháp phù hợp để triển khai quy định này. Các điểm thi có khu vực nhà dân rất gần với phòng thi (dưới 25m) cần tính toán phương án để đảm bảo an toàn khu vực thi.