Nơi thực hiện ước mơ được học hành - Bài 1

Với nhiều em nhỏ trong những gia đình nhập cư có hoàn cảnh khó khăn của TP Hồ Chí Minh, lớp học miễn phí đêm đêm tại những ngôi trường phổ cập tiểu học… giống như một “chân trời mới”, giúp các em thực hiện ước mơ được đến trường, biết đọc, biết viết…

Bài 1: Gian nan đường đến trường

Mỗi học sinh trong lớp là một hoàn cảnh đặc biệt. Gia đình khó khăn, cha mẹ vất vả mưu sinh, nên các em cũng phải sớm bươn chải kiếm sống với đủ nghề, từ phụ bán quán ăn, bán vé số, đến đánh giày... Để đến được với con chữ, các em phải vượt qua rất nhiều thử thách, thậm chí là sự ngăn cản của chính người thân.

Ngày mưu sinh, tối đến lớp

Khi các lớp học ban ngày của trường Tiểu học Bình Triệu (quận Thủ Đức) kết thúc, cũng là lúc những học sinh lớp học phổ cập tiểu học buổi tối ùa vào sân trường. Trong cuộc trò chuyện đầu giờ học của các em, không phải là hôm nay có trò chơi điện tử gì mới, được bố mẹ dẫn đi đâu chơi, được đi học thêm các môn vẽ, đàn hay được mua đồ chơi mới nào; mà chỉ là hôm nay bán được bao nhiêu tờ vé số, lượm được bao nhiêu ve chai, hay có bị ba mẹ đánh không...

Dù ban ngày vất vả mưu sinh nhưng các em vẫn chăm chỉ đến lớp học.


Ở tuổi vào lớp 1, thay vì được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa khác, cô bé Kim Anh, 10 tuổi, phải theo cha mẹ từ Nghệ An vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán vé số. Bé như "hạt tiêu", sau một ngày mệt nhoài bán vé số, Kim Anh lại đạp xe hơn 30 phút để tới trường Bình Triệu. "Mỗi ngày mẹ giao cho vài chục tờ vé số, bán hết chỗ đó em mới được đến trường. Hôm nào may mắn bán hết sớm thì em được đi học sớm, còn bán hết muộn thì phải tới lớp trễ. Dù ban ngày bán vé số đi mỏi chân và rất mệt, nhưng em chưa nghỉ học buổi tối nào. Được đi học em rất thích", Kim Anh tâm sự.

Cũng giống như hoàn cảnh của Kim Anh, quê ở Lâm Đồng, nhưng vì cuộc sống khó khăn, Phan Long Sơn phải theo gia đình di tản nhiều nơi để kiếm sống. Chỗ ở không ổn định, vì vậy việc học của Sơn bị chậm trễ hơn các bạn cùng trang lứa. “Mãi đến khi cả nhà em chuyển xuống TP Hồ Chí Minh, ổn định chỗ ở em mới được đi học, lúc đó em đã 10 tuổi. Vì gia đình nghèo. không có điều kiện, nên ban ngày ngoài phụ mẹ chăm cho đứa em 3 tuổi, chăm bà ngoại bị ốm, em còn đi làm thuê ở mấy quán ăn, kiếm tiền phụ thêm cho mẹ. Tối đến em lại tới trường đi học, hiện em đang học lớp 3", Phan Long Sơn kể. Khi tôi hỏi: “Học hết cấp 1 em có muốn học lên cao nữa không?”, Sơn ủ rũ nói: “Được đến trường ngày nào là em mừng ngày đó rồi. Em không dám mơ mình sẽ học lên nữa vì gia đình em không có điều kiện".

Thân hình khá nhỏ so với cái tuổi lên 8 và có vẻ nhút nhát hơn các bạn cùng lớp, ngồi nắn nót từng nét chữ, Linh Nhi (học sinh lớp 1 trường phổ cập phường 12 quận Bình Thạnh) rụt rè khoe: “Cô ơi, con viết xong rồi. Con viết được tên con rồi!”. Nhi cho biết, ban ngày em phải phụ bà ngoại nấu cơm, giặt quần áo, phụ bà chăm cho cậu. Ngoài ra, em còn đi lượm thêm ve chai bán kiếm thêm tiền. Cô Hoàng Oanh, giáo viên chủ nhiệm lớp của Nhi, chia sẻ: “Gia đình của Nhi rất khó khăn, bố mẹ bỏ đi, để lại em cho bà ngoại chăm sóc. Bà ngoại của em đã trên 70 tuổi nhưng phải đi nhặt ve chai để nuôi 4 đứa cháu nội, ngoại và một người con bị tai nạn giao thông nằm một chỗ. Quá khó khăn, không có tiền cho các cháu học lớp ban ngày, bà của Nhi xin cho các cháu mình học buổi tối. Lớp của tôi có 9 học sinh, thì có 4 học sinh là cháu nội, cháu ngoại của bà”.

Quyết "bám con chữ"

Mới 6 tuổi, cô bé Bùi Uyên Dịu phải chịu mồ côi mẹ còn bố bị vướng vào vòng lao lý và rượu chè nên Dịu phải về sống với người dì ruột. Cũng từ đây, con đường đến trường của Dịu gặp rất nhiều gian nan. Để học hết cấp 1, Dịu phải chuyển trường 3 - 4 lần. “Dù phải chuyển trường nhiều lần, nhưng vẫn được đến trường học là em thấy hạnh phúc lắm rồi. Còn nhớ khi em đang học kỳ 2 của lớp 7 ở trường THCS Tăng Bạt Hổ (quận 4) thì bị dì bắt nghỉ học ở nhà đi làm kiếm tiền. Lúc đó em thấy rất buồn. Nhiều lần khóc xin dì cho đi học nhưng dì em dứt khoát không cho đi”, Dịu chia sẻ về khoảng thời gian gian nan học tập của mình.

Trong một năm nghỉ học, Dịu phải làm quần quật cả ngày với những công việc phụ bán quán cơm, vé số... Được bao nhiêu tiền, em đưa về hết cho dì. Nhờ mọi người vận động, Dịu được quay trở lại học ở trường phổ cập ban đêm, thế nhưng cũng chỉ đến lớp 8 Dịu lại bị bắt nghỉ học. Dịu tâm sự: “Ban ngày em vẫn đi phụ bán giúp dì, tối dù không làm gì, nhưng dì em vẫn không cho em đi học mặc dù học ở lớp học buổi tối không tốn đồng nào còn được tặng sách vở. Đang học lớp 8 thì em lại phải nghỉ học. Rồi những trận đòn roi và những lời nói cay nghiệt của dì khiến em chịu không nổi nên bỏ nhà đi. Lúc đó em mới 15 tuổi”.

“Khi thấy em Dịu không đi học, chúng tôi đã tới động viên gia đình em ấy rất nhiều nhưng gia đình vẫn không cho đi học”, cô Nguyễn Kim Huê, chuyên trách ở trường phổ cập THCS, THPT quận Bình Thạnh, cho biết.

Dịu tâm sự: “Sau những ngày đi làm thuê, em suy nghĩ rằng, mình không thể thất học, ít gì cũng phải có được cái bằng lớp 12 để xin được việc. Có lẽ cũng một phần do em thích được đi học, nên quyết tâm trở lại lớp học của em lại càng cao hơn. Năm 2011, em tới gặp thầy cô ở lớp phổ cập của quận Bình Thạnh và xin vào học tiếp lớp 8. Ban ngày em đi làm, tối về em lại tới lớp học. Cứ như thế đã thấm thoát gần 4 năm rồi”.

Khi tôi hỏi: “Em đi làm rồi thời gian học bài lúc nào?”, Dịu mỉm cười nói: “Những lúc rảnh không có khách mua hàng thì em mang tập ra học. Tối đến chịu khó thức khuya hơn để học bài”. Rồi bất chợt, giọng Dịu chùng xuống: “Để tập trung cho việc học, em đã phải nghỉ bán hàng ở cửa hàng quần áo rồi. Nếu tiếp tục làm ở đó thì em không thể đến lớp được, do chủ không cho em nghỉ làm sớm để đến lớp. Trong lúc chờ đợi tìm được việc làm mới, ban ngày em đi bán vé số. Mỗi ngày như thế cũng được 60.000 - 70.000 đồng. Chắt bóp chi tiêu chắc cũng đủ tiền phòng trọ và tiền ăn”. Rồi giọng Dịu lại hớn hở trở lại: “Em được đi học như thế này cũng nhờ tình cảm yêu thương, đùm bọc của các thầy cô giáo, em sẽ cố gắng thi vào trường sư phạm để sau này trở thành giáo viên tại trường phổ cập tiểu học. Đó là cách trả ơn của em đối với công ơn dạy dỗ của thầy cô".

Cô Hàn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Triệu, chia sẻ: Không đông đúc như những lớp học ban ngày, mỗi lớp học này chỉ có khoảng trên 10 học sinh và học từ 17 giờ đến 20 giờ vào các ngày trong tuần. Các em đến với lớp học chủ yếu là con em của những người lao động nhập cư, chỗ ở không ổn định, không có sổ hộ khẩu, hoặc bố mẹ đi làm cả ngày, không biết chữ, gia đình khó khăn nên không quan tâm đến việc đi học của con em mình. Tuy ban ngày các em phải vất vả đi làm thêm, phụ giúp gia đình nhưng các em rất chăm chỉ học. “Chỉ cần có giấy khai sinh, đăng ký tạm trú là các em có thể đi học. Trong quá trình học, các em được đánh giá điểm số, điểm thi đua vào học bạ tương tự lớp ban ngày. Cuối năm học các em cũng trải qua các kỳ thi lên lớp như học sinh bình thường. Điều kiện này vừa tạo cơ hội lẫn động lực cho các em học tiếp lên cao hơn”, cô Thuận cho biết.

Bài và ảnh: Đan Phương

Bài cuối: Những lớp học đầy tình thương
Lớp học miễn phí của thầy giáo tật nguyền
Lớp học miễn phí của thầy giáo tật nguyền

Với nghị lực vượt khó vươn lên, hơn 10 năm qua, lớp học miễn phí, không phân biệt độ tuổi, đơn sơ trong ngôi nhà nhỏ của anh Bùi Văn Bình luôn rộn tiếng ê, a đọc bài của những em nhỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN