“Về quy trình, phải làm chương trình trước khi làm sách giáo khoa. Nhưng căn cứ vào tình hình hiện tại, Bộ GD - ĐT sẽ tiến hành đồng bộ nhiều công việc cùng lúc để bảo đảm tiến độ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới…”, PGS. TS Đỗ Ngọc Thống (ảnh), Ủy viên bộ phận thường trực đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho biết.
Thưa ông, dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn trước nội dung Bộ GD - ĐT khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách giáo khoa, song Bộ GD - ĐT sẽ chủ trì việc biên soạn một bộ sách giáo khoa, rồi lại ra đề thi . Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Về chủ trương, vấn đề này đã được nêu rõ trong tờ trình của Chính phủ. Đó là, tất cả các sách được viết ra phải bình đẳng và được thẩm định độc lập bởi Hội đồng thẩm định Quốc gia. Việc lựa chọn sách, do nhà trường quy định, trên cơ sở ý kiến giáo viên tổ bộ môn và tham khảo ý kiến phụ huynh, học sinh và hội đồng giáo dục nhà trường sẽ quyết định. Không có tình trạng một cá nhân nào đó chỉ thị mua sách này sách kia.
Về thi kiểm tra đánh giá, để khách quan, công bằng, đề thi không phụ thuộc vào cuốn sách nào cả mà phải căn cứ vào chương trình và chuẩn chương trình. Không có chuyện, Bộ viết sách giáo khoa thì ra đề thi theo sách giáo khoa do Bộ tổ chức viết.
Kinh phí viết sách được nhìn nhận một cách rõ nhất khi xét đến tính công bằng của việc làm sách giữa Bộ GD - ĐT và các tổ chức, cá nhân khác. Xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
Trong Nghị quyết của Quốc hội về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông có định hướng: Chính phủ phải nghiên cứu để có chính sách công bằng với tất cả tổ chức, cá nhân viết sách giáo khoa. Công bằng như thế nào thì Chính phủ phải có phương án. Con số 321 tỷ là số tiền mà Bộ GD - ĐT và Bộ Tài chính ước tính để viết một bộ sách. Có rất nhiều giải pháp kỹ thuật để bảo đảm sự công bằng về kinh phí viết sách giáo khoa. Chẳng hạn: với 321 tỷ, Bộ GD - ĐT sẽ đứng ra vay đầu tư ban đầu để viết bộ sách. Khi hoàn thành sẽ tổ chức bán bản quyền và hoàn trả cho ngân sách. Hoặc một phương án khác: Bộ GD - ĐT sẽ giao cho Nhà xuất bản Giáo dục tự đứng ra làm việc này.
Do đó, có thể không cần đến 321 tỷ của ngân sách nữa. Giải pháp thứ ba có thể là: Bất kỳ tổ chức cá nhân hay Bộ GD - ĐT đều được Nhà nước cho vay ưu đãi với lãi suất rất thấp để có đầu tư ban đầu cho việc biên soạn SGK. Tuy nhiên muốn được vay với lãi suất này, các nhóm viết sách đều phải đưa ra đề cương viết sách, sau khi được phê duyệt, mới được vay vốn và thực hiện.
Tóm lại, kỹ thuật làm thế nào để xử lý công bằng trong đầu tư biên soạn sách giáo khoa Chính phủ sẽ bàn và quyết định.
Theo như lý thuyết thì phải làm chương trình thì mới lo đến sách giáo khoa. Vậy Bộ GD - ĐT đang lo tới đâu và điều lo lắng nhất của Bộ GD - ĐT khi triển khai đề án này là gì thưa ông?
Đó là vấn đề đội ngũ làm chương trình, sách giáo khoa. Trước yêu cầu mới, những tác giả cũ có kinh nghiệm vốn đã không nhiều. Đó là chưa nói xét về mặt nào đó kinh nghiệm lại là lực cản vì vẫn giữ quan điểm cũ. Những người trẻ thì tiếp cận cái mới rất nhanh nhưng lại không có kinh nghiệm. Người làm chương trình và biên soạn SGK phải có một số hiểu biết và kỹ năng cơ bản mà không phải ai cũng có...
Để giải quyết khó khăn vừa nêu, Bộ GD - ĐT sẽ kết hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật và Hội cựu giáo chức; từ hệ thống các trường đại học, giáo viên phổ thông, các trường trong ngành... để huy động lực lượng cho phong phú, tận dụng được chất xám của nhiều ngành. Bên cạnh đó, Bộ tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu đặc điểm chương trình mới. Thời gian không còn nhiều nên không thể gửi người đi đào tạo chuyên nghiệp ở nước ngoài rồi về mới làm, mà phải căn cứ vào điều kiện cơ bản của nền giáo dục Việt Nam hiện hành. Đây cũng chính là điều nhấn mạnh của Quốc hội, Chính phủ.
Trong 3, 5 năm tới phải làm chương trình theo hướng mới; phải biên soạn được ít nhất một bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh và một số cuốn SGK khác. Để làm được khối lượng công việc này, phải tiến hành đồng bộ các việc: làm chương trình, khởi động viết sách, địa phương phải sẵn sàng về nhân lực, vật lực… Ví dụ, ngay khi làm chương trình, các tác giả SGK, các ủy viên hội đồng thẩm định có thể cùng tiếp cận, tìm hiểu, làm quen, rút ngắn thời gian tìm hiểu đề đẩy nhanh tiến độ hơn. Năm 2015 cố gắng hoàn thành chương trình và chuẩn chương trình môn học. Đây là khâu khó nhất nhưng Bộ đang tích cực chuẩn bị cho công việc này một cách hệ thống và hiệu quả.
Với cơ sở đã nghiên cứu của Bộ trong 2, 3 năm qua và sự quyết tâm, nỗ lực trong thời gian tới; cùng với định hướng rõ ràng cùng với quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và của Chính phủ tôi nghĩ việc triển khai chương trình (CT) SGK mới của Bộ GD - ĐT sẽ đúng tiến độ.
Như vậy, theo ông thời gian này các địa phương sẽ phải làm những gì để kịp tiến độ mà Bộ GD - ĐT đề ra?
Bên cạnh việc phối hợp với Bộ GD - ĐT để giới thiệu đội ngũ tác giả CT và SGK, đáp ứng cơ cấu tỷ lệ giáo viên vào viết sách nhằm đảm bảo tính hiện thực, khả thi, sát thực tiễn, thì các địa phương phải làm những việc như : Rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để bảo đảm cơ sở tối thiểu cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; thành lập Ban đổi mới CT, SGK của địa phương; chuẩn bị việc bồi dưỡng giáo viên. Lần này việc bồi dưỡng được tận dụng tối đa công nghệ thông tin. Bộ GD - ĐT đã ký kết với Viettel để có thể tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin trong dạy học nói chung và việc bồi dưỡng, đào tạo lại hàng triệu giáo viên trực tuyến. Cùng một bài giảng của các GS đầu ngành sẽ đến được mọi vùng miền, mọi giáo viên. Tổ chức cung cấp những học liệu, bài giảng và các diễn đàn trực tuyến để giáo viên thảo luận, hỏi, đáp. Việc bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên tới đây sẽ diễn ra không chỉ 1, 2 ngày mà phải một thời gian dài và có kiểm tra đánh giá và cấp chứng chỉ hoàn thành...
Xin cảm ơn ông!
Hồng Lê